Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Níu chân du khách ở Hà Nội lâu hơn

 
Phố Tạ Hiện hấp dẫn khi lên đèn.
 
Tổ chức thường xuyên nhiều sự kiện văn hóa hấp dẫn 
 
Thưa ông, hiện Hà Nội vẫn còn thiếu các khu du lịch tổng hợp quy mô lớn để tăng thời gian lưu trú của khách du lịch, theo ông, đâu là giải pháp hay?
 
Hà Nội cần có nhiều điểm đến hấp dẫn hơn ở khu vực ngoại thành, thay vì chỉ khai thác những điểm đến ở các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm. Hiện tại du khách tới Hà Nội mới chỉ tập trung ở một số điểm tại Thủ đô nên thời gian lưu trú thường là hai ngày. Do đó chúng ta phải sáng tạo, làm thế nào giữ chân khách ở lâu hơn những điểm chính và để họ cần phải quay lại tìm hiểu tiếp những điểm đến khác.
 
Xu hướng khách du lịch đi lẻ rất nhiều, chiếm khoảng 80%, còn lại 20% là khách đi trọn gói. Những khách ở xa đến Việt Nam thường đi dài ngày, họ tính toán để đi được nhiều nơi nhất, thậm chí là nối sang các nước lân cận. Nhưng, khách không đi theo tour chỉ định sẵn những điểm chính, nơi nào cảm thấy thích họ sẽ kéo dài thời gian lưu trú. Do đó, chúng ta phải có nhiều sản phẩm hấp dẫn, tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa hấp dẫn thường xuyên, liên tục, có tính định kỳ để các “thượng đế” cảm thấy cần phải ở lâu hơn để khám phá hoặc thấy tiếc nuối và muốn quay trở lại.
 
Muốn níu chân họ ở lâu hơn cần có chiến lược dài hạn. Đất nước ta rất đa dạng về tài nguyên du lịch, chúng ta có bề dày lịch sử, văn hóa, có bờ biển trải dài, thuận lợi làm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, và còn rất nhiều cái để chúng ta làm du lịch. 

 
Khách du lịch tới thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hà Nội.
 
Hà Nội sẽ có thêm những điểm du lịch cao cấp, ông đánh giá thế nào về triển vọng của du lịch?
 
Sản phẩm du lịch của Hà Nội vẫn dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những thứ đã có sẵn, chưa được đầu tư đúng mức và chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thủ đô. Du khách có những nhu cầu khác nhau, như là đi quán bar, xem biểu diễn văn hóa, văn nghệ, tham gia các trò chơi mà luật pháp cho phép. Những hoạt động hỗ trợ đó giúp làm tăng lượng khách đến Hà Nội. Sắp tới Hà Nội có thêm những điểm du lịch mới như: Trường đua ngựa ở Sóc Sơn, Công viên Kim Quy ở Đông Anh, Giải Đua xe Công thức 1 - Việt Nam Grand Prix 2020 ở Mỹ Đình… tạo ra thêm sức hút với nhiều du khách quốc tế cũng như khách nội địa đến với Hà Nội.

 
Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist.
 
Tạo điều kiện cho khách di chuyển dễ dàng trong khu vực phố cổ 
 
Theo ông, Hà Nội cần tạo điều kiện thuận lợi thế nào để quản lý điểm đến tốt hơn?
 
Ở các nước quan tâm đến quản lý điểm đến thì không chỉ ngành du lịch làm được mà cả chính quyền địa phương cùng tham gia. Du lịch muốn phát triển thì đầu tiên sẽ là chính quyền, rồi đến ngành du lịch và sau đó đến người dân.
 
Ví dụ về quản lý điểm đến, để tạo điều kiện cho khách di chuyển dễ dàng trong khu vực phố cổ ở Hà Nội, cần có 3-4 điểm đỗ xe cho tất cả các loại xe du lịch tương đối tốt để vận chuyển khách ra vào lõi của du lịch phố cổ được dễ dàng hơn. Nhưng vì phố cổ chật hẹp nên vấn đề này tương đối khó, chỉ có quản lý điểm đến mới làm được.
 
Có một điều nữa nhỏ hơn mà quản lý điểm đến cần phải chú ý hơn bởi đây là một trong những điểm nghẽn của du lịch Việt Nam, đó là, phải có đường đi cho người khuyết tật. Tạo lối đi cho người khuyết tật vừa mang tính nhân văn, vừa thể hiện tính chuyên nghiệp cao thì sẽ được người nước ngoài đánh giá cao chiều sâu của phát triển du lịch Hà Nội. Ở nước ngoài, các địa điểm lưu trú khách sạn bao giờ cũng có đường riêng cho người khuyết tật, nhà vệ sinh cho họ và được đưa thành tiêu chuẩn. Việt Nam cũng cần phải chú trọng điểm này, bởi số lượng người khuyết tật ở ta nhiều, họ cũng có nhu cầu đi du lịch cùng gia đình, nên mình cũng cần phải quan tâm tới hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện để cho người khuyết tật có thể tham gia cùng.
 
Xin cảm ơn ông.

Hồng Nga/TC GĐ&TE