Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nỗ lực chấm dứt tâm lý ưa thích con trai và lựa chọn giới tính khi sinh

Với nỗ lực tăng cường phối hợp hành động trong việc chấm dứt tâm lý ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, từ ngày 4 - 6/10, UNFPA đã tổ chức đối thoại chính sách với các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và đại diện các tổ chức xã hội của 8 quốc gia: Armenia, Azerbaijan, Bangladesh, Trung Quốc, Georgia, Ấn Độ, Nepal và Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Tâm lý mong có con trai vẫn là một biểu hiện phổ biến của bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử ở một số quốc gia tại châu Á, bán đảo Balkans và vùng Caucasus cũng như ở châu Phi. Theo Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới do Quỹ Dân số LHQ – UNFPA ban hành năm 2020, trên toàn thế giới hơn 140 triệu phụ nữ được coi là “biến mất” do tình trạng thích có con trai hơn con gái.

“Tâm lý ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới trước hết là vấn đề bất bình đẳng giới và vi phạm quyền của phụ nữ,“ ông Bjorn Andersson Giám đốc UNFPA khu vực châu Á-TBD cho biết, “Chúng ta phải chấm dứt những quan niệm xã hội hạ thấp giá trị của trẻ em gái và phụ nữ, và hỗ trợ nỗ lực của các quốc gia và các cộng đồng nhằm chấm dứt tâm lý ưa thích con trai và hành vi lựa chọn giới tính. Điều đáng khích lệ là rất nhiều chuyên gia và nhân viên chính phủ cũng như đại diện các tổ chức xã hội đã cùng nhau chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Việc ngồi cùng nhau để chia sẻ kinh nghiệm cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Nam – Nam trong nỗ lực đạt được bình đẳng giới và quyền, và chấm dứt những hành vi có hại và hành vi phân biệt đối xử trên cơ sở giới,” ông Andersson nhấn mạnh.

Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới gây ảnh hưởng xấu trong xã hội, trong đó có tình trạng tử vong mẹ gia tăng, bạo lực tình dục, mất cân bằng giới tính khi sinh và nạn buôn người. Ứng phó của UNFPA tập trung chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới - nguyên nhân sâu sa của tâm lý ưa thích con trai – thông qua hợp tác với tất cả các bên có liên quan ở các cấp khác nhau từ cấp hoạch định chính sách đến các cá nhân và cộng đồng nhằm hướng tới thay đổi chính sách và thay đổi hành vi.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hà - Thứ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH của Việt Nam khẳng định: “Tại Việt Nam, bình đẳng giới là một chủ trương lớn xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước nhằm xây dựng quốc gia phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, an toàn và phát triển bền vững. Để kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh hướng đến mức cân bằng tự nhiên, Việt Nam đã ban hành các chủ trương, tăng cường hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật, triển khai nhiều giải pháp can thiệp nhằm giải quyết vấn đề này”.

Trong khi đó, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam bà Hilde Solbakken cho biết: “Na Uy chú trọng các chính sách phát triển nhằm tăng cường và bảo vệ những chuẩn mực toàn cầu phản đối những thực hành có hại và thúc đẩy quyền của trẻ em gái và phụ nữ. Chúng tôi tự hào đã hỗ trợ Chương trình toàn cầu của UNFPA nhằm ngăn chặn tâm lý ưa thích con trai và hạ thấp giá trị con gái và chúng tôi rất hài lòng được cùng đồng hành với Bộ LĐ-TB&XH và UNFPA chấm dứt vấn đề này tại Việt Nam.”

Trong ngày họp thứ 3, đại biểu tham gia hội thảo sẽ có chuyến đi thực tế tại tỉnh Bắc Giang để tìm hiểu đóng góp của Hội Nông dân Việt Nam cho nỗ lực chấm dứt lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới như thế nào thông qua Chương trình Làm cha trách nhiệm, một mô hình sáng tạo do UNFPA hỗ trợ thu hút sự tham gia của nam thanh niên trong việc xây dựng hình tượng nam giới tích cực và quan hệ gia đình lành mạnh.

“Rõ ràng chúng ta đã tạo nên một phong trào thông qua việc xây dựng chính sách và khuôn khổ pháp lý, thông qua những hoạt động truyền thông sáng tạo và trẻ trung hướng đến thay đổi hành vi và thông qua việc cung cấp các dịch vụ tích hợp - “Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, bà Naomi Kitahara cho biết. “Đây là một trong những quan hệ đối tác tốt nhất tôi từng thấy giữa Chính phủ, các Đối tác Phát triển, Các tổ chức xã hội dân sự và UNFPA nhằm cùng chung tay đạt được một mục tiêu chung".

UNFPA đi đầu trong nỗ lực xóa bỏ tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới tại châu Á từ năm 1994, một phần của các chương trình của UNFPA nhằm chấm dứt các thực hành có hại trên cơ sở định kiến giới như nạn tảo hôn, tập tục cắt âm vật và tâm lý ưa thích con trai, những hành vi này thường kết nối với nhau và là những biểu hiện của bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử có từ lâu đời. Với tài trợ của Liên minh châu Âu và Na Uy, UNFPA đã hỗ trợ xây dựng và phát triển các chiến lược, chính sách và chương trình quốc gia dựa trên bằng chứng để chấm dứt tình trạng ưa thích con trai và bất bình đẳng giới ở châu Á và vùng Caucasus, bao gồm cả những hoạt động tăng cường hợp tác Nam – Nam và chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia.