Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nỗ lực chăm sóc sức khỏe trẻ em tại các địa bàn khó khăn tỉnh Yên Bái

Tại Yên Bái, các dân tộc thiểu số chiếm tới 57.29% dân số toàn tỉnh, dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh còn hạn chế. Trạm Tấu và Mù Cang Chải là hai trong số các huyện nghèo nhất trên cả nước. Tại đây, tỉ lệ sinh con không có hỗ trợ bởi người đỡ đẻ có kĩ năng chiếm tới 50%.

Bác sĩ hướng dẫn mẹ chăm sóc Căng - ga - ru (Kangaroo) cho trẻ sơ sinh non tháng và nhẹ cân

Bác sĩ hướng dẫn mẹ chăm sóc Căng - ga - ru (Kangaroo) cho trẻ sơ sinh non tháng và nhẹ cân

Nhằm tăng cường việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại các trạm y tế (TYT) xã, trung tâm y tế (TTYT) của các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn và Mù Cang Chải, bệnh viện đa khoa khu vực (BVĐKKV) Nghĩa Lộ. Từ năm 2016, Tập đoàn GlaxoSmithKline (GSK) tại Việt Nam và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (SC) đã áp dụng mô hình Chăm sóc sức khỏe liên tục từ gia đình đến bệnh viện.

Theo đó, SC đã tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cho các bác sỹ, nữ hộ sinh và nhân viên y tế tuyến cơ sở nhằm cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh tại tuyến xã và huyện ở những khu vực có đông người dân tộc thiểu số sinh sống. Các chủ đề tập huấn bao gồm kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi (TTTĐHV), giám sát hỗ trợ thông qua hình thức cầm tay chỉ việc, điều trị lâm sàng bà mẹ và trẻ sơ sinh, và chăm sóc Căng - ga - ru (Kangaroo) cho trẻ sơ sinh non tháng và nhẹ cân. Các nội dung tập huấn cũng tập trung vào quyền lợi của các khách hàng tìm đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cải thiện thái độ với những phụ nữ dân tộc thiểu số tìm đến các cơ sở y tế để khám thai.

Các tài liệu truyền thông về nguy cơ và gắn kết cộng đồng đã được thiết kế và điều chỉnh cho phù hợp với đồng bào dân tộc H’Mông. Bên cạnh đó, các chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi và các hoạt động thường nhật bao gồm các cuộc thi kiến thức, khám sức khỏe, Ngày hội sức khỏe, Ngày vì Sức khỏe tại các trường trung học cơ sở, các chuyến thăm hộ gia đình và họp thôn đã được tổ chức. Các trang thiết bị cũng được cung cấp cho Đơn nguyên Sơ sinh, chăm sóc Căng - ga - ru tại các TTYT huyện và BVĐKKV Nghĩa Lộ.

Nhóm chuyển tuyến dựa vào cộng đồng đã được thành lập, được tập huấn và cung cấp các trang thiết bị cơ bản. Các chuyên gia về sơ sinh tuyến tỉnh và trung ương đã triển khai các chuyến giám sát hỗ trợ hàng quý tại BVĐKKV Nghĩa Lộ, các TTYT huyện cũng như tại các TYT xã thụ hưởng dự án. 

Nhờ các can thiệp của Dự án, năng lực của các đơn vị thụ hưởng Dự án đã cải thiện đáng kể. Đơn nguyên sơ sinh của BVĐKKV Nghĩa Lộ đã cứu sống và nuôi dưỡng thành công những trẻ sinh non từ 31 tuần hoặc cân nặng chỉ có 950 gram. TTYT huyện Trạm Tấu cứu sống trẻ sinh non từ 34 tuần hoặc cân nặng 1.300 gram. Chỉ trong giai đoạn từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021, các đơn nguyên sơ sinh này đã cứu sống và điều trị thành công cho 246 trẻ sơ sinh, trong đó có 50 trẻ sinh non, nhẹ cân. Sau 5 năm gián đoạn từ 2015, kíp phẫu thuật sản khoa của TTYT huyện Trạm Tấu đã thực hiện được gần 20 ca mổ đẻ và chửa ngoài tử cung từ tháng 8/2020 đến tháng 11/2021. Các trạm y tế xã có thể đỡ đẻ thường, xử trí các ca sơ sinh ngạt và chuyển tuyến an toàn. Đặc biệt, trạm y tế xã Nậm Búng đã cấp cứu thành công ca sốc phản vệ sau tiêm vắc xin ở trẻ nhỏ, xử trí đẻ rơi, cấp cứu chảy máu sau để và cứu sống cả mẹ và con.

Hội thảo trực tuyến tổng kết cuối kỳ dự án “Chăm sóc sức khỏe trẻ em tại các địa bàn khó khăn” tại TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Hội thảo trực tuyến tổng kết cuối kỳ dự án “Chăm sóc sức khỏe trẻ em tại các địa bàn khó khăn” tại TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Hội thảo trực tuyến tổng kết cuối kỳ dự án “Chăm sóc sức khỏe trẻ em tại các địa bàn khó khăn” tại TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái được tổ chức ngày 10 tháng 12 năm 2021 đã đánh giá những hiệu quả của dự án, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, kế hoạch duy trì và nhân rộng mô hình sau khi dự án kết thúc.

BS CK 2 Đặng Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Ban quản lý dự án tỉnh Yên Bái đánh giá: “Những can thiệp của Dự án phù hợp với nhu cầu của địa phương, giúp nâng cao năng lực của các đơn vị thụ hưởng trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là các đơn nguyên sơ sinh của TTYT huyện và BVĐKKV Nghĩa Lộ. Qua đó, giảm đáng kể tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh bệnh lý, đặc biệt là trẻ sơ sinh non tháng, cũng như giảm tỉ lệ các ca bệnh nhi phải chuyển lên tuyến trên. Những can thiệp này sẽ tiếp tục duy trì tại các địa bàn Dự án”.

Theo kết quả điều tra cuối kỳ của Dự án, kiến thức và thực hành của các bà mẹ liên quan đến sự cần thiết và lợi ích của việc khám thai ít nhất 3 lần đều tăng hơn so với khảo sát đầu kỳ vào năm 2016. Ngoài ra, 70,6% bà mẹ biết rằng trẻ cần bú trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. 81,9% phụ nữ biết được ít nhất một nội dung cần chuẩn bị trong khi mang thai và trước khi sinh và 85,9% phụ nữ biết được ít nhất một dấu hiệu nguy hiểm khi sinh, tăng 26,3% so với trước khi có dự án.

Sau khi nghe các báo cáo, chia sẻ từ các huyện, ông Vương Đình Giáp – đại diện SC, Giám đốc Thực hiện chương trình bày tỏ sự vui mừng và xúc động. Ông cho biết, Dự án đã thực hiện rất toàn diện: tập trung truyền thông, cung cấp trang thiết bị y tế, nâng cao nhận thức, hành vi của người dân và đội ngũ cán bộ y tế. Trong chiến lược sắp tới, SC tiếp tục cam kết ưu tiên đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Ngoài ra SC cũng tập trung các vấn đề sức khỏe tâm thần, sức khỏe vị thành niên, các vấn đề sức khỏe liên quan đến Covid-19 và biến đổi khí hậu mở rộng.

Đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo mọi trẻ em có một khởi đầu lành mạnh trong cuộc sống, cơ hội được học tập và được bảo vệ khỏi những tổn hại. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng với những kết quả mang tính lâu dài và bền vững mà dự án đạt được sẽ tạo cơ hội cho các chương trình, dự án phát triển mới trong tương lai”.