Đẩy mạnh tuyên truyền để học sinh nhận thức được tác hại của thuốc lá
Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Nghệ An đã có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Nhờ đó, nhận thức, hành động của cán bộ, giáo viên, học sinh về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường sống đã được nâng lên, góp phần ngăn ngừa việc bắt đầu hút thuốc lá ở một số học sinh.
Trong thuốc lá có đến 7.000 chất hóa học độc hại. Các chất độc hại tích tụ dần, phá hủy dần dần các tế bào cơ thể, gây nên những bệnh nguy hiểm về phổi như: lao phổi, ung thư phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phế quản phổi…
Thuốc lá không chỉ tác động đến cơ thể, sức khỏe các em mà còn ảnh hưởng xấu đến tinh thần và trí lực của các học sinh. Đa số những em học sinh hút thuốc lá thường bị thay đổi tâm tính, từ hiền lành mà trở nên cộc cằn, thô lỗ, dễ dàng nổi cáu, bẳn tính và có những hành động tỏ ra mình “nguy hiểm”.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết: Hàng năm, sau khi nhận các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT cùng Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá cấp tỉnh, Sở yêu cầu các trường học trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá trong học đường, hướng đến xây dựng trường học không khói thuốc lá. “Chúng tôi chỉ đạo các trường học tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để học sinh nhận thức được tác hại do thuốc lá với các hình thức như: Tổ chức ngoại khóa để học sinh nhận biết tác hại của thuốc lá; treo các biển cấm sử dụng thuốc lá trong trường học; trong các buổi họp phụ huynh, giáo viên tuyên truyền phụ huynh theo dõi và nhắc nhở học sinh không sử dụng thuốc lá. Ngoài ra, ngành Giáo dục còn chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền về tác hại của thuốc lá; tổ chức tọa đàm, trao đổi về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong học đường... Hiện nay, công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá của các nhà trường đã trở thành hoạt động nền nếp, thường xuyên, được mọi người tích cực hưởng ứng và tham gia. Ở các hành lang, lớp học… đều gắn biển “cấm hút thuốc”. Một số trường còn đưa công tác phòng, chống tác hại thuốc lá vào tiêu chí đánh giá thi đua của cán bộ, giáo viên và các lớp học…”, ông Hoàn cho hay.
Lồng ghép nội dung tác hại của thuốc lá vào các buổi sinh hoạt chuyên đề
Tại Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu là các biển “không hút thuốc” được đặt khắp nơi, từ hành lang đến các lớp học, phòng họp… Việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đã được trường thực hiện thường xuyên trong thời gian qua, nhờ vậy đã mang lại những kết quả tích cực trong việc xây dựng trường học không khói thuốc. Thầy Ngô Sỹ Thủy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá được nhà trường chú trọng thực hiện từ nhiều năm nay. Để hoạt động này được hiệu quả, nhà trường gắn biển phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cổng trường, đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Bên cạnh đó, chú trọng công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường về giám sát học sinh tại nơi cư trú; tổ chức cho học sinh ký cam kết không hút thuốc lá; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, nghiêm cấm việc mua bán các sản phẩm có hình ảnh liên quan đến thuốc lá tại trường học. Mặt khác, nhà trường còn đưa công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá vào tiêu chí thi đua của giáo viên và học sinh, khuyến khích giáo viên đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào giờ giảng một cách linh hoạt, phù hợp. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên nhận thức của giáo viên và học sinh về phòng, chống tác hại của thuốc lá ngày càng được nâng cao, góp phần ngăn ngừa việc bắt đầu hút thuốc lá ở một số học sinh.
Một trong những cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Vinh làm khá tốt việc tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Được biết, để xây dựng môi trường học đường không khói thuốc, trường luôn đẩy mạnh và làm phong phú các hoạt động xã hội, các hoạt động giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh, trong đó việc xây dựng trường học không khói thuốc được thực hiện tốt. Theo đó, nhiều biện pháp tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đến cán bộ, giáo viên và học sinh đã được triển khai; công tác giám sát việc học sinh thực thi không hút thuốc lá được đẩy mạnh thực hiện.
Thầy Cao Thanh Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Để thực hiện mục tiêu nói không với khói thuốc lá, hàng năm vào đầu năm học mới, Ban Giám hiệu đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trong đó tập trung vào việc tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá cho cán bộ, giáo viên và học sinh; đánh giá việc thực hiện không hút thuốc lá vào thứ hai hàng tuần. Trong quá trình giảng dạy, nhà trường đã lồng ghép nội dung này vào các môn học hoặc lồng ghép các nội dung tác hại của thuốc lá vào các buổi sinh hoạt chuyên đề về giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên. Ngoài ra, Ban Giám hiệu còn tổ chức ký cam kết với học sinh, bí thư đoàn trường, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm xây dựng trường học không khói thuốc lá… Nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp trên nên thời gian qua, trong nhà trường chưa phát hiện trường hợp học sinh nào vi phạm hút thuốc lá trong trường học. Tuy nhiên, nguy cơ học sinh sử dụng thuốc lá ngoài trường học là có. Vì vậy, công tác tuyên truyền vẫn cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Nhờ đó đến nay, nhiều trường đã xây dựng trường học không khói thuốc lá, nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên đã bỏ hút thuốc lá, thực hiện nghiêm quy định không hút thuốc lá trong trường học. Đặc biệt, nhiều học sinh được tuyên truyền về tác hại của thuốc lá khi về gia đình đã tích cực tham gia vận động người thân từ bỏ thói quen hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe.
Theo nhiều lãnh đạo trường THPT, THCS tại Nghệ An, việc học sinh tiếp cận sớm với thuốc lá thực trạng chưa chấm dứt hoàn toàn. Thậm chí, nhiều loại chất kích thích dạng hút tương tự cũng xuất hiện, thu hút học sinh như Shisa, thuốc lá điện tử, các loại thuốc lá dành cho cả nam, nữ... Vì vậy, ngoài trường học, gia đình, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quyết định sự thành công của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.