Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa trong việc chăm sóc người có công

Ngày 19/7, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với báo Nhân Dân, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã long trọng tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018 tại Bà Rịa- Vũng Tàu. Tại buổi Lễ, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã có bài phát biểu, biểu dương sự nỗ lực của NCC với cách mạng tiêu biểu. Báo Điện tử Dân Sinh trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng hoa cho những gương NCC với cách mạng tiêu biểu

 

Kính thưa đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Kính thưa đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ;

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;

Kính thưa các đồng chí và các quý vị đại biểu;

Thưa toàn thể Hội nghị.

Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/07/1947-27/07/2018), hôm nay tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Báo Nhân dân, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018.

Hội nghị này có một ý nghĩa chính trị - xã hội lớn lao, là sự kiện quan trọng của đất nước, biểu thị trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, toàn thể đồng chí, đồng bào trong và ngoài nước đối với anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo các Ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương đã về dự Hội nghị, đặc biệt xin gửi đến 355 đại biểu người có công tiêu biểu đại diện cho trên 9 triệu người có công trên cả nước lời chúc sức khỏe, lời chào trân trọng nhất.

Thưa toàn thể Hội nghị!

Lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, với ý chí anh dũng kiên cường bất khuất đã hy sinh xương máu, cống hiến công sức, trí tuệ, mồ hôi và nước mắt vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là niềm tự hào của dân tộc ta, nhân dân ta, quân đội ta vớinhững thắng lợi vĩ đại trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâmcũng như những thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước ngày nay.

71 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công đang từng bước hoàn thiện và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội.

Cho đến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với trên 9 triệu người (trong đó có trên 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận),… với ngân sách nhà nước hàng năm trên 30.000 tỷ đồng; hàng năm Chủ tịch nước cũng dành gần 900 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ.

Cùng với chính sách của Đảng và Nhà nước, phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước, chỉ tính riêng từ năm 2013-2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được trên 17,8 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 5.200 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước 63.523 sổ với tổng kinh phí gần 2.900 tỷ đồng. Xây dựng mới trên 44.650 nhà tình nghĩa, sửa chữa 40.760 nhà tình nghĩa trị giá hơn 10.700 tỷ đồng.

Trước thực trạng một bộ phận người có công chưa được hưởng chính sách; nhiều hồ sơ tồn đọng chưa được xem xét xác nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh do không còn hồ sơ, giấy tờ gốc, không còn nhân chứng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các giải pháp nhằm giải quyết căn bản hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng ở cấp tỉnh, quân khu và đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Hai năm qua, chúng ta đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận gần 1.900 liệt sĩ, xác nhận trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đối với những hồ sơ không đủ điều kiện, kết luận và giải thích thấu tình, đạt lý đối với đối tượng.

Có thể nói, những kết quả đó mang đậm tính nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ, phần nào đã xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm của chúng ta đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc đồng thời đánh dấu những nỗ lực của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian vừa qua đối với công tác này. 

Kính thưa quý vị đại biểu!

Thưa toàn thể hội nghị!

Với phẩm chất cao quý của "Anh bộ đội Cụ Hồ", các bác, các chú, các anh, các chị khi trở về với cuộc sống đời thường lại tiếp tục cống hiến sức lực, phấn đấu hết mình trong lao động, sản xuất góp phần xây dựng quê hương đất nước, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đó là hàng trăm, hàng ngàn tấm gương tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, là những người chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước; nỗ lực khắc phục khó khăn vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới của đất nước ngày hôm nay.

Có mặt tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng toàn quốc hôm nay là 355 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bị địch bắt tù, đày, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu người có công của cả nước. Chúng ta rất vui mừng đã được gặp, được nghe, được chứng kiến nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều câu chuyện rất xúc động về sự phấn đấu bền bỉ, sáng tạo và ý chí, nghị lực rất đáng khâm phục của các đồng chí thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và thân nhân liệt sĩ trên nhiều lĩnh vực.

Hội nghị vô cùng cảm phục và biết ơn mẹ Việt Nam anh hùng Lại Thị Bạn, 96 tuổi, quê Quảng Nam, mẹ có chồng và ba người con là liệt sĩ, trong đó có người hy sinh khi mới 13 tuổi; mẹ La Thị Biên 91 tuổi, quê Quảng Ngãi, mẹ từng làm giao liên hợp pháp huyện ủy Tư Nghĩa, Quảng Ngãi thời kỳ 1964 đến 1973, năm 1964 trên đường chuyển giao tài liệu bị địch bắt đến tháng 12/1968 được thả tự do và mẹ tiếp tục làm giao liên đến năm 1973, nay mẹ đồng thời là người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và là người hưởng chính sách như thương binh. Đó là những người Mẹ Việt Nam anh hùng kiên cường, bất khuất, sẵn sàng nhận lấy nỗi đau cho riêng mình để mang lại hòa bình cho đất nước.

Chúng ta biểu dương tấm gương anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tròn, sinh năm 1947, quê quán huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Tham gia cách mạng từ miền Tây Nam Bộ đến chiến khu D miền Đông Nam Bộ năm ông mới 17 tuổi, lập được nhiều chiến công. Năm 1967, khi đơn vị bị địch phản pháo dữ dội, tuy đứng trước thương vong rất lớn nhưng ông cùng thủ trưởng đã dũng cảm dùng súng AK bắn giữ trận địa pháo, đồng thời đưa pháo về đúng vị trí an toàn. Ông len lỏi từ hầm này sang hầm khác (hết lòng cứu chữa đồng đội), để phẫu thuật và điều trị cho thương binh. Ông được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng I, II, III; Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng I, II, III và nhiều danh hiệu cao quý khác. Năm 2000, ông vinh dự được nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thưa toàn thể hội nghị!

Về dự Hội nghị với chúng ta còn có các thân nhân là những người vợ, người con của các anh hùng liệt sĩ, có trường hợp vừa mất đi người cha, vừa mất đi người chồng nơi chiến tuyến. Những người vợ, người con chưa bao giờ có đủ thời gian hạnh phúc trọn vẹn bên người chồng, người cha của mình. Nhưng với sự đồng cảm, đùm bọc của gia đình, làng xóm, họ đã “Biến đau thương thành hành động”, ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong, để phấn đấu trong học tập, lao động, dựng xây đất nước. Nhiều người con của họ đã trưởng thành, tiếp bước truyền thống quân ngũ để trở thành những sĩ quan quân đội gương mẫu, tận tụy, những nhà giáo ưu tú, những thầy thuốc giỏi, những doanh nhân tiêu biểu.

Hội nghị biểu dương bà Nguyễn Thị Mái, vợ liệt sĩ, sống tại tỉnh Điện Biên. Lập gia đình năm 1965, đến năm 1966, bà chưa kịp sinh con thì người chồng nhập ngũ vào nam chiến đấu và hi sinh năm 1975. Khi đó, bà mới 29 tuổi, gia đình nhà chồng động viên bà đi lấy chồng khác, nhưng với tấm lòng thủy chung son sắt, bà một lòng ở lại thờ chồng, phụng dưỡng bố mẹ chồng cho đến khi bố, mẹ chồng qua đời.

Hội nghị biểu dương người con liệt sĩ, đồng thời là cơ sở hoạt động nội thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước là bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, quê ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 10 tuổi, mẹ của bà bị địch sát hại, 12 tuổi bà tham gia cơ sở cách mạng ở Vũng Tàu, đến năm 17 tuổi bố của bà hy sinh. Trong thời gian tham gia cơ sở cách mạng, bà được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở mật trong đội ngũ thanh niên, làm giao liên đưa thư và đưa cán bộ đến các cơ sở mật trong nội thành, đưa thanh niên vào căn cứ cách mạng, làm binh vận trong hàng ngũ của địch, tổ chức và chuẩn bị cơ sở vật chất cho giải phóng Vũng Tàu.

Sau khi giải phóng miền Nam, bà tham gia công tác chính quyền các cấp và được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Vũng Tàu. Công việc này đã giúp bà có cơ hội quan tâm, chăm sóc đời sống các đối tượng chính sách người có công với cách mạng, từ đó đề xuất kịp thời với các cấp chính quyền giải quyết những vướng mắc, đáp ứng nguyện vọng của người có công với cách mạng.

Chúng ta hoan nghênh ông Nguyễn Hồng Sơn, con liệt sĩ ở tỉnh Tiền Giang. Cha ông là liệt sĩ Nguyễn Thanh Quang, nguyên là Huyện ủy viên huyện Châu Thành, hy sinh khi ông chưa đầy một tuổi. Tuổi thơ ông gắn liền với những ngày chạy giặc, với tiếng bom rơi, đạn nổ. Sau ngày thống nhất, hoàn cảnh gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn, ông phải lăn lộn vào cuộc sống với ý chí quyết tâm không ngại bất cứ nghề gì, từ người phụ xe khách đến nay ông trở thành chủ doanh nghiệp vận tải, đồng thời phát triển kinh tế trồng cây lâu năm. Đến nay, tổng tài sản gia đình ông đạt khoảng 7 tỷ đồng, thu nhập hàng tháng của gia đình tới 100 triệu đồng. Ở địa phương, ông là tấm gương tiêu biểu trong việc giúp đỡ người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ khó khăn và người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.

Thưa các vị đại biểu, thưa toàn thể hội nghị!

Về tham dự Hội nghị ngày hôm nay, chúng ta còn được đón 204 đồng chí thương binh, bệnh binh qua các thời kỳ kháng chiến, họ là những người chiến sĩ đã hy sinh một phần xương máu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Giờ đây họ là những người chiến sỹ tiếp tục vươn lên chiến thắng thương tật, bệnh tật, không ngại khó khăn phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động, tham gia tích cực các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, đi tìm đồng đội,...

Hội nghị biểu dương ông Trần Thanh Sơn, thương binh, đồng thời là người hoạt động kháng chiến, hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày và bị nhiễm chất độc hóa học, tỉnh Bình Dương. Năm 10 tuổi ông vào đội thiếu nhi gương mẫu, làm nhiệm vụ tuyên truyền chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và làm cơ sở giao liên mật thông báo tin, giao liên cho cán bộ nằm vùng. Trong khi làm nhiệm vụ, đoàn công tác của ông bị lọt ổ phục kích của giặc, có 6 đồng chí hy sinh, ông bị gãy đùi, đứt ruột và bị bỏ tù tại nhà giam tù binh Hố Nai (Biên Hòa) rồi đày ra Phú Quốc. Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông nỗ lực học tập và giữ các cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thuận An, rồi Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Thuận An. Khi về hưu, ông cùng gia đình tập trung xây dựng kinh tế bằng việc trồng cây điều, cây cao su với thu nhập mỗi năm lên tới 500 triệu đồng.

Hội nghị biểu dương ông Lò Văn Tiên, thương binh, người dân tộc Thái thuộc tỉnh Sơn La. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông tham gia chiến đấu giúp bạn Lào tại mặt trận Xiêng Khoảng, Nam Lào. Về đời thường, xuất phát từ hộ gia đình khó khăn về kinh tế, về nhà ở, ông đã cố gắng nuôi dạy con cái trưởng thành, dần dần phát triển kinh gia đình bằng việc nuôi trâu, bò giống; trồng cây ăn quả; nuôi gia súc, gia cầm và thả cá. Đến nay, thu nhập hàng năm của gia đình đạt khoảng 250 triệu đồng.

Trân trọng và cảm phục tấm gương tiểu biểu là ông Huỳnh Văn Vận, sống tại tỉnh An Giang, là người hoạt động kháng chiến, hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày, bị nhiễm chất độc hóa học. Năm 1972, ông bị tù giam tại Khám lớn Châu Đốc và bị địch tra tấn dã man do cương quyết không khai báo. Sau ngày giải phóng, địa phương nơi ông ở bị bọn diệt chủng Pôn Pốt đánh chiếm, tàn sát đẫm máu, ác liệt và man rợ, lúc đó, ông là Xã đội phó, trực tiếp cùng các đồng chí tham gia chiến đấu đánh đuổi bọn diệt chủng Pôn Pốt ra khỏi địa phương. Ông được phân công giữ các chức vụ Trưởng Công an xã rồi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, nay ông là Chi hội phó Hội người tù kháng chiến xã. Ông tích cực tuyên truyền về chính sách, chế độ của Nhà nước, giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội, tham gia nhiều hoạt động chăm sóc người có công như xây nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, làm từ thiện,... tham dự các cuộc họp xem xét hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với cách mạng ở địa phương.

Một tấm gương thương binh, doanh nhân cựu chiến binh, chủ doanh nghiệp xuất nhập khẩu thêu ren tại một địa phương giầu truyền thống cách mạng. Đó là ông Chu Đức Trường, quê ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ông tham gia đấu tranh bảo vệ Tổ quốc tại mặt trận tỉnh An Giang và Campuchia. Xuất ngũ về địa phương, ông phát triển sản xuất nghề truyền thống thêu ren xuất khẩu. Các mặt hàng của ông đã xuất khẩu đi các nước Châu Âu và Châu Á, tạo việc làm cho 30 lao động có thu nhập ổn định. Ngoài ra, ông và gia đình đầu tư phát triển nghề trồng cây cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, tổng thu nhập khoảng 400 triệu đồng.

Kính thưa các vị đại biểu!

Vô cùng xúc động và tự hào với những hy sinh to lớn mà hàng triệu người có công đã mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho chúng ta ngày hôm nay, mỗi người Việt Nam phải luôn ý thức trách nhiệm của mình để chăm lo đối với những gia đình chính sách người có công với cách mạng, những người đã hy sinh xương máu của mình cho dân tộc, cho đất nước, cho lý tưởng cách mạng.

Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện những nhiệm vụ, những giải pháp nhằm góp phần chăm sóc ngày càng tốt hơn người có công với cách mạng và gia đình họ, phát huy truyền thống quý báu "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam anh hùng. Chúng ta không bao giờ tự cho phép mình được ngưng nghỉ, hay tự hài lòng về kết quả chăm sóc người có công và trên thực tế vẫn còn đó, rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt và lâu dài cần được tổ chức thực hiện thật tốt với tất cả lòng tri ân chân thành, với những tình cảm sâu sắc bằng những việc làm hết sức cụ thể như: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với cách mạng. Quan tâm và thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình người có công, huy động mọi nguồn lực xã hội trong phong trào đền ơn đáp nghĩa; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng truyền thống cách mạng, sự đóng góp hy sinh của những người và gia đình người có công với cách mạng.

Động viên, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng hăng say, tích cực, gương mẫu trong học tập, lao động sản xuất, quản lý xã hội, nghiên cứu khoa học xứng đáng là người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu, góp phần xây dựng quê hương đất nước, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Ưu đãi người có công với cách mạng là trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, gắn liền với lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hôm nay, tại Hội nghị này một lần nữa chúng ta bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các anh hùng liệt sĩ; Biết ơn các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực phấn đấu vươn lên, góp phần làm giàu quê hương đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới của Đảng, của dân tộc.

Xin trân trọng cảm ơn và chúc các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lương vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trong cả nước luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và mãi là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo và học tập.

Xin chúc sức khỏe đồng chí Chủ tịch nước cùng các đồng chí lãnh đạo các Ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các Sở, ban, ngành các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quý vị đại biểu đã đến dự Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt này.

Xin trân trọng cảm ơn!

 

(*): Tiêu đề do Báo LĐ&XH đặt