Đó là chia sẻ đau buồn của chị Trần Thị Minh T. (sinh năm 1971 ở Cầu Giấy, Hà Nội) về nỗi oan ức mà con gái chị phải gánh chịu.
“Sao không ai chơi với con?”
Chị T. sinh ra trong một gia đình ở miền Trung, dù nghèo nhưng bố mẹ vẫn cố gắng nuôi chị ăn học. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng du lịch, chị làm nhân viên ở khách sạn Thắng Lợi, lấy chồng Hà Nội với tương lai rạng ngời. Tuy nhiên, cuộc sống hạnh phúc khá ngắn ngủi vì tính ghen của người chồng nên cuối cùng họ đưa nhau ra tòa, chị bồng con về phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy thuê nhà. Cũng tại đây, trong lúc chán nản nhất vì không gia đình, không có việc làm ổn định, chị gặp anh - giang hồ có tiếng đất này. Năm 2001 họ về ở với nhau trong sự phản đối của mẹ và gia đình anh, không hôn thú, không cưới xin. “Chính người chồng thứ hai đưa tôi vào con đường ăn chơi, ma túy, để rồi từ đó cuộc sống cứ như vết xe trượt dài” - chị T. kể.
Chị T. phát hiện ra mình có H năm 2009, khi mang bầu bé Tũn được 3 tháng. Ngay lúc đó, chị được cho uống thuốc chống lây nhiễm virút HIV từ mẹ sang con nên may mắn bé Tũn không có H. Tưởng như đứa trẻ xinh xắn, đáng yêu sẽ là cầu nối hóa giải bao nhiêu mâu thuẫn xưa nay giữa chị và mẹ chồng nhưng bà vẫn cương quyết không nhận cháu. “Tủi nhất là mỗi lần thấy bà, bé cứ chạy tới gọi: “Bà nội, bà nội ơi”, nhưng bà gạt đi, không trả lời, thậm chí đuổi như đuổi tà. Bà cũng không cho các anh chị em con chú bác gần đó chơi với bé” - chị T. chia sẻ.
Bé Tũn trắng trẻo, xinh xắn như một thiên thần nhỏ, bé rất ngoan, nhưng tuyệt nhiên không có bạn, suốt ngày thui thủi ở trong nhà. Có lần đứa nhỏ con nhà hàng xóm sang chơi được 2 ngày, đến ngày thứ 3 thì cháu bị ông nội lôi về đánh cho thật đau và cấm không được sang nhà Tũn. Nhà khác thì nói thẳng với con: “Nó (Tũn -PV) bị bệnh, không được lại gần”. Thế là bọn trẻ, dù rất thích chơi với nhau cũng chẳng dám đến gần vì sợ bị lây bệnh, bị đánh đòn. “Dù biết con bị kỳ thị, tội nghiệp lắm, nhưng tôi chẳng thể làm gì khác, con virút HIV đã có trong người mình rồi, nói con không bị chẳng ai tin. Làm sao thanh minh, chứng minh cho tất cả mọi người được, không lẽ gặp ai cũng phải chìa ra tờ giấy xét nghiệm HIV âm tính của con?”.
Bị kỳ thị tới hai lần
Là người đã từng làm việc nhiều với người bị nhiễm HIV, người nghiện ma túy, mại dâm... chị Nguyễn Linh - Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) cho biết, trẻ có HIV thường được chăm sóc sức khỏe, được quan tâm hơn nhiều so với những trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV. Dù không mang trong mình vi rút HIV nhưng những trẻ này thường bị kỳ thị tới hai lần: Thứ nhất, các em mặc cảm vì bố mẹ mình có H; thứ hai, các em bị xã hội, những người xung quanh kỳ thị, xa lánh nên khó hòa nhập cộng đồng, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần... Nhiều em phải chịu cảnh mất cha, mất mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ. Những trẻ có bố hoặc mẹ, hoặc cả bố, mẹ bị nhiễm HIV, sức khỏe yếu, khó có khả năng tìm kiếm việc làm nên cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn và không được tham gia vào các chương trình phúc lợi nào. Đau lòng hơn cả là sự lạnh lùng đến khắc nghiệt người trong gia đình đối với các em nhỏ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Quay lại với câu chuyện của chị T. Vì không có giấy chứng minh nhân dân, không hộ khẩu thường trú nên không làm được giấy khai sinh cho bé Tũn. Chị rất sợ viễn cảnh đời con sẽ khổ, sẽ không được đi học, không có giấy tờ tùy thân, không có việc làm ổn định... Chồng chị đã nhiều lần cầu cứu mẹ, xin bà nhập khẩu cho cháu – chỉ mình cháu thôi, để cháu được xã hội công nhận, được bình thường như những đứa trẻ khác nhưng bà nhất định không chịu.
Cực chẳng đã, chị T. phải xin cho con học lớp 1 ở ngôi trường tư thục khá xa nhà (để không ai biết hoàn cảnh gia đình cháu) và nợ nhà trường giấy khai sinh. Chị lo lắng nhà trường chỉ cho “nợ” một, hai năm rồi sẽ đòi để hoàn thiện hồ sơ. “Nản lắm rồi, đến đâu hay đến đó” - chị T. buông xuôi. Vợ chồng chị hàng ngày bán hàng nước, thu nhập mỗi ngày chỉ vài chục, một trăm mà tiền học cho con quá nhiều (khoảng 4 triệu đồng/tháng). Mỗi tháng tới ngày đóng tiền, chị phải đi vay lãi và trả góp hàng ngày. “Còn sức khỏe ngày nào phải cố làm việc ngày đó để nuôi con ăn học. Đôi lúc nghĩ lại mà giận mình ghê gớm, ân hận vì đã dính vào ma túy, đúng là “sai một ly đi một dặm”. Đời mình bệnh tật thế này chẳng hi vọng gì, nhưng thương con còn nhỏ quá, biết có tương lai nào cho con?” - chị T quay đi, lén lau những giọt nước mắt.
Trẻ con bị ảnh hưởng bởi HIV không có tội tình gì Theo nghiên cứu của Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam, có khoảng 3% người nhiễm HIV và 4% trẻ em là con của người nhiễm HIV đã bị từ chối không được đi học. Thực tế cho thấy, mặc dù chúng ta đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS về tận các đường làng, góc phố, vùng sâu, vùng xa nhưng sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV vẫn còn phổ biến. Trăn trở về vấn đề này ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) mong muốn xã hội hãy có cái nhìn nhân văn hơn, thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ nhiều hơn với người nhiễm HIV và con cái của họ. Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV không có tội tình gì, hãy để các em được học tập, vui chơi, phát triển, hòa nhập với cộng đồng đúng với quyền của mình. |