Không riêng gì trường hợp này mà có rất nhiều tình huống báo đưa tin thì y như rằng lỗi bao giờ cũng thuộc về phụ nữ.
Có ý kiến cho rằng: phụ nữ lấy chồng như “canh bạc”, may mắn gặp được ông chồng chí thú làm ăn, lo cho vợ con; còn ngược lại “thua bạc” chẳng lẽ không có quyền kêu ca, than vãn?
Trường hợp ông chồng trong bài báo trên trong xã hội không phải là hiếm. Không nhất thiết phải bằng cấp đại học, thạc sỹ này nọ mà cái chính là phải tự học trong trường đời. Khi xác định gắn bó với người phụ nữ học cao hơn mình, người đàn ông có chí khí phải tự mình học hỏi để tự nâng cao hiểu biết, đằng này sống chỉ biết …nhờ vào vợ, hỏi sao phụ nữ không ngán ngẩm.
Ảnh minh họa
Mình cũng từng chứng kiến có cặp vợ chồng đều xuất thân trong gia đình khó khăn, chị vợ chăm chỉ học hành, tốt nghiệp đại học và đi làm, chị phấn đấu hết mình trong công việc nên không lâu sau đó chị có vị trí cao trong xã hội; còn ông chồng chỉ học nửa lớp 12, đi làm công nhân “bữa đực bữa cái”, lương ‘tháng có, tháng không”.
Bằng mối quan hệ quen biết chị xin cho anh việc làm nhưng cũng chỉ được vài bữa: chỗ thì chê lương thấp, chỗ chê buồn không làm. Anh ta chỉ thích ở nhà nấu ăn, chăm con và … rủ bạn bè về nhậu. Bình thường thì ít nói nhưng hễ có rượu vào là …lời ra.
Anh ta “ca” cả ngày: nào là chị làm có tiền rồi về nhà khinh thường chồng con; quần áo,dày dép sắm cho lắm vào làm gì rồi kêu hết tiền… mà đâu biết rằng công việc của chị cũng phải ăn mặc tươm tất, quần áo dày dép dăm, ba bộ thay đổi là chuyện bình thường.
Tiền thuê nhà, tiền học cho con, tiền điện tiền nước…trăm thứ gì cũng kêu vợ, anh ta không quan tâm đến việc kiếm tiền, kể cả để nuôi chính bản thân mình. Có khi thất nghiệp 3 tháng liền anh cũng không mảy may kiếm việc khác… Như thế chị vợ không ngán ngẩm mới là lạ.
Chị kể với tôi: mình cũng đã động viên chồng không theo được lớp tại chức để học lên thêm thì rảnh rổi đọc sách, báo, xem tivi nhưng chẳng bao giờ anh ta thực hiện. Có chuyện gì chị muốn chia sẻ cũng không dễ, sau khi đối thoại vài câu chị biết rằng chồng chẳng hiểu gì về câu chuyện mình muốn nói, riết rồi chị cũng im.
Sống với nhau vợ chồng người ta thì thủ thỉ cả ngày, còn vợ chồng chị ngoài việc hỏi han vài câu về con cái, nay ăn món gì thì …hết, nên về nhà ăn cơm xong, chị cắm đầu vào vi tính hoặc chỉ bài cho con, chồng nếu không say xỉn cũng lên giường lúc 7 giờ tối, thời sự trên tivi cũng không thèm xem. Thế nên, bên cạnh chị vợ anh ta không khác gì … người giúp việc.
Lại kể một câu chuyện khác: ông bác họ của mình nay gần trăm tuổi, tham gia hoạt động cách mạng từ rất nhỏ nên ông chỉ học hết tiểu học, còn bà lúc đó là phụ nữ tân tiến đã đậu thành chung (tương đương tú tài hiện nay), chênh lệch về bằng cấp như thế nhưng về trình độ nhận thức của ông không hề thua kém bà. Ông, bà đều làm cán bộ lãnh đạo. Sống với nhau hơn 60 năm, ông bà rất hòa hợp, nuôi dạy con cháu trưởng thành, học hành thành đạt.
Từ khi biết ông, tôi nhận thấy một điều là ông rất chăm chỉ: Đã nghỉ hưu nhưng ông luôn làm việc, rảnh rỗi thì ông cùng bà xem ti vi, đọc sách. Ông có thể đọc mọi lúc, mọi nơi. Ông như một từ điển sống, ông tự học mà biết 3 ngoại ngữ: tiếng Anh, Pháp và Hoa... chuyện thế giới, chuyện trong nước từ cổ chí kim ông bà cũng đem ra bàn luận với nhau rất sôi nổi. Nếu ông không nói ra thì không ai biết rằng ông bà có khoảng cách về trình độ học vấn.
Từ hai câu chuyện kể trên để cho thấy rằng, nếu đàn ông không may thua kém vợ về bằng cấp, không được học hành ở trường lớp thì có thể tự mình học ở trường đời, luôn cố gắng nỗ lực phấn đấu vươn lên để rút ngắn khoảng cách chênh lệch với vợ thay vì cay cú, hằn học vì vợ “cao” hơn mình. Và hơn thế nữa phải chăm chỉ làm việc kiếm tiền. Kiến thức, tiền bạc… không bỗng dưng mà có, phải bằng sự nỗ lực của chính bản thân.
Phụ nữ cho dù có mạnh mẽ đến đâu cũng cần một “bờ vai” để nâng đỡ, chia sẻ khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Vì thế, các ông chồng thay vì tự bằng lòng với bản thân, hoặc mặc cảm, tự ti với vợ thì hãy sống có nghị lực, có chí khí… mới thực sự là người đàn ông mà phụ nữ cần chứ không phải về tấm bằng đại học hay thạc sỹ.