Theo SCMP, dựa trên ước tính mới của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef), Nam Á trở thành nơi có số lượng "cô dâu trẻ con" nhiều nhất thế giới là vì áp lực tài chính gia tăng và trường học đóng cửa do Covid-19, buộc các gia đình phải gả con gái nhỏ của họ.
"Tảo hôn khiến các em gái không được học hành, gây nguy hiểm cho sức khỏe và hạnh phúc. Đồng thời, nó cũng ảnh hưởng đến tương lai của các em", Noala Skinner - Giám đốc khu vực Nam Á của Unicef - nói.
Một nghiên cứu mới của Liên Hợp Quốc bao gồm các cuộc phỏng vấn và thảo luận trên 16 địa điểm ở Bangladesh, Ấn Độ và Nepal cho thấy nhiều bậc cha mẹ coi hôn nhân là lựa chọn tốt nhất đối với những cô con gái có ít lựa chọn học tập trong thời gian phong tỏa vì Covid-19.
Đại dịch cũng là khiến các gia đình bị áp lực tài chính, buộc phải để con gái kết hôn khi còn nhỏ để giảm chi phí trong gia đình.
Hiện tại, độ tuổi kết hôn hợp pháp của phụ nữ ở Nepal là 20 tuổi; ở Ấn Độ, Sri Lanka và Bangladesh là 18 tuổi; ở Afghanistan và Pakistan (ngoại trừ tỉnh Sindh) là 16 tuổi.
Liên Hợp Quốc cho biết các giải pháp tiềm năng được xác định để giải quyết tình trạng "cô dâu trẻ con" của Nam Á là ban hành biện pháp bảo trợ xã hội để chống đói nghèo, bảo vệ quyền được giáo dục của mọi trẻ em, đảm bảo khuôn khổ phù hợp để thực thi luật pháp và nỗ lực hơn nữa để giải quyết các chuẩn mực xã hội.