Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thăm trường Trường Đại học SPKT VL (ảnh tư liệu)
Tiền thân của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long là trường Trung học Kỹ thuật Vĩnh Long được khởi công xây dựng vào năm 1960. Với lối kiến trúc, trang bị máy móc hiện đại, chương trình đào tạo tiên tiến cùng với các giáo viên có trình độ chuyên môn cao, Trường Kỹ thuật Vĩnh Long và trường Kỹ thuật Đà Nẵng là hai trường kỹ thuật nổi bật bậc nhất Đông Nam Á thời bấy giờ. Sau khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, trường được Chính phủ tiếp quản và giao cho Bộ Lao động quản lý. Ngày 31/5/1976 Bộ trưởng Bộ Lao động ký Quyết định số 144/QĐ-LĐ thành lập trường Giáo viên dạy nghề Cửu Long, trên cơ sở trường Trung học Kỹ thuật Vĩnh Long, trực thuộc Tổng cục đào tạo Công nhân kỹ thuật, Bộ Lao động. Ngày 24/9/1997, Trường Sư phạm Kỹ thuật IV được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật IV, sau đổi thành Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, đây cũng là khi Trường được chính thức giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo nguồn Giáo viên dạy nghề có trình độ cao đẳng cho khu vực ĐBSCL.
Bước nhảy thực sự trong quá trình xây dựng và phát triển Nhà trường là mốc thời gian ngày 1/12/2012, là ngày Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH bổ nhiệm Hiệu trưởng mới. chưa đầy một năm sau, ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long. Đây là kết quả phấn đấu liên tục của Nhà trường, là sự công nhận của Đảng và Chính phủ về những đóng góp của tập thể Nhà trường trong sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung và sự nghiệp dạy nghề nói riêng. Cũng từ đây, nhờ những đổi mới, sáng tạo và chuyển mình mạnh mẽ, Đại đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long thật sự trở thành “trung tâm đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ sau đại học, đại học và cao đẳng; là trung tâm bồi dưỡng và đánh giá kỹ năng nghề, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu của khu vực trong các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, công nghệ kỹ thuật phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.
TS. Cao Hùng Phi, Hiệu trưởng Nhà trường giới thiệu với Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền các thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo của Trường.
Qua 55 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đã xây dựng được cơ sở vật chất ngày càng khang trang, hiện đại; đội ngũ cán bộ giáo viên ngày càng được phát triển: Đông về số lượng, tăng về chất lượng và cao về trình độ; đã đào tạo và cung cấp hàng ngàn giáo viên dạy nghề và cán bộ kỹ thuật cho các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và trên cả nước. Đa số sinh viên tốt nghiệp của trường đã đáp ứng được nhu cầu xã hội và khẳng định được năng lực nghề nghiệp của mình. Nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo hoặc cán bộ chủ chốt của các cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp, trường học... Quá trình xây dựng và trưởng thành của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long luôn có mối quan hệ gắn bó, mật thiết với vai trò lãnh chỉ đạo của tổ chức Đảng trong nhà trường. Trải qua hơn 40 năm thể hiện vai trò lãnh chỉ đạo, tổ chức Đảng trong nhà trường đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay Đảng bộ nhà trường bao gồm 3 chi bộ trực thuộc với 51 đảng viên.
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 ngày 27/11/2014; Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt “Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020”, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới toàn diện công tác giáo dục – đào tạo và xây dựng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tạo sự chuyển biến vững chắc về chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo nghề, xứng đáng là Trung tâm đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề, cán bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ trọng điểm của Đồng bằng Sông Cửu Long và khu vực phía Nam. Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã nghiên cứu, rà soát, lựa chọn những ngành nghề đáp ứng nhu cầu của tỉnh nhà cũng như ở đồng bằng sông Cửu Long và trong cả nước, từ đó tập trung chỉ đạo các bộ phận chuyên môn xây dựng lại chương trình đào tạo, theo hướng tăng tỷ trọng về thực hành, thí nghiệm. Tiếp tục đầu tư, trang bị hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học, công nghệ ngang bằng với các nước phát triển trong khu vực. Luôn quan tâm đến công tác nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên trong nhà trường, tăng cường học tập về kỹ năng nghề và phương pháp giảng dạy ở các trường đại học nổi tiếng ở các nước tiên tiến như: Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines,... Tham gia Hiệp hội giáo viên dạy nghề khu vực Đông Á và Đông Nam Á – RAVTE; Đẩy mạnh liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước và ký kết hợp tác phát triển đào tạo như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên; Đại học Tokuyama – Nhật Bản; Đại học Tongmyong – Hàn Quốc, Đại học Benguet – Philippines,... đào tạo các bậc học Tiền tiến sĩ, thạc sĩ, đại học và chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ.
Sinh viên Trường Đại học SPKT Vĩnh Long trong giờ thực hành.
Xác định phương pháp dạy của giảng viên và học tập của sinh viên là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, Nhà trường đã tập trung đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng: Tích cực tăng cường vận dụng phương pháp dạy - học hiện đại, sát thực tế, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học để bồi dưỡng, nâng cao năng lực tư duy và năng lực hoạt động thực tiễn. Tạo điều kiện và cơ chế thuận lợi để đội ngũ giảng viên tích cực nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với từng chuyên ngành; bố trí thời gian lên lớp, thực hành, thực tập và tự nghiên cứu; vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy - học, kết hợp giữa truyền đạt lý luận cơ bản với truyền thụ kinh nghiệm thực hành và cập nhật những thông tin mới vào giảng dạy. Việc đổi mới phương pháp học của sinh viên được hướng vào vận dụng phương pháp học tích cực khi nghe lên lớp và tự học, nhằm “biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”; bố trí tăng thời gian tự học của sinh viên để tự nghiên cứu bổ sung kiến thức, phát huy tính độc lập, sáng tạo, vận dụng kinh nghiệm, tổng hợp kiến thức vào việc giải quyết các bài tập cụ thể, làm luận án tốt nghiệp và những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường chủ trương đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) với sự tham gia đông đảo của cán bộ, giảng viên. Hoạt động NCKH của nhà trường hướng trọng tâm vào nghiên cứu đề tài khoa học các cấp (Bộ, tỉnh, trường và khoa), nhiều đề tài đã bảo vệ thành công và được đưa vào ứng dụng trong giảng dạy, nghiên cứu trong nhà trường; tổ chức hội thảo khoa học; biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, đáp ứng yêu cầu dạy và học cũng như NCKH của Nhà trường.
Trong thời gian tới, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long tiếp tục được Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục đầu tư xây dựng tòa nhà nghiên cứu khoa học 15 tầng, nhà thi đấu đa năng, mua sắm cơ sở vật chất thiết bị đồng bộ và hiện đại... Nhà trường tiếp tục phấn đấu tăng quy mô và chất lượng đào tạo, mở thêm nhiều ngành nghề đào tạo mới, tích cực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với các trường trong và ngoài nước... Từng bước vươn lên khẳng định là một trung tâm giáo dục đào tạo có chất lượng cao của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, của quốc gia và quốc tế. Góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của Việt Nam nói chung.