Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nơi học sinh được lắng nghe, chia sẻ và tìm giải pháp cho bản thân

Quá trình làm công tác tham vấn tâm lý, có học sinh đến với ThS. Phạm Bích Diệp (cán bộ tham vấn học đường, Trường THCS-THPT Ban Mai, Hà Nội) trong tình trạng tâm lý rất tệ, có dấu hiệu của lo âu, trầm cảm. Con sợ hãi và không thể giao tiếp với bạn bè, thầy cô; thậm chí còn thường bỏ giờ ăn cơm trưa ở nhà ăn, trốn ở thư viện hoặc phòng y tế. Sau một thời gian con dần trở nên khá hơn, tinh thần thoải mái hơn.

Phòng tư vấn tâm lý riêng đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận. Ảnh Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Nội).

Phòng tư vấn tâm lý riêng đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận. Ảnh Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Nội).

Đến giờ, cô Diệp vẫn nhớ cảm giác vui nhất là khi lần đầu tiên thấy con trở lại ăn trưa ở nhà ăn khi có rất đông các học sinh khác, thậm chí con còn trò chuyện và cười với các bạn. Điều đặc biệt là hiện nay con lại cùng cô giúp đỡ một bạn cũng gặp vấn đề tâm lý giống mình và bạn đó đang có những tiến triển rất tích cực.

Với cán bộ tham vấn học đường thì đó chính là niềm vui và khích lệ lớn nhất trong công việc - khi biết rằng mình đang đi đúng hướng và đang thực sự làm được điều gì đó ý nghĩa đối với các con.

Xã hội biến đổi rất nhanh, kéo theo nhiều vấn đề ở học sinh hơn. Đối với các em trong lứa tuổi thành niên, dậy thì, diễn biến tâm lý rất phức tạp. Các con lớn rất nhanh và có nhiều nguy cơ đe dọa mỗi ngày ở bên ngoài xã hội như: nguy cơ bị xâm hại cả ngoài đời thực cũng như trên mạng, bạo lực học đường, lo âu, trầm cảm…

Trong khi đó, các bậc cha mẹ rất bận rộn với công việc của mình, nhiều khi chưa theo sát con, xao nhãng con, chưa có được sự phối hợp cần thiết; từ đó không nắm bắt được tâm lý, nhu cầu của đứa trẻ. Nhiều bậc cha mẹ còn từ chối thừa nhận vấn đề của trẻ nên không nhìn nhận được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, từ đó không có sự phối hợp cần thiết với thầy cô và nhà trường.

Do đó, hoạt động tham vấn tâm lý trong trường học là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay; vì học sinh nhiều khi ở nhà không thể nói chuyện với bố mẹ, đến trường cũng không nói được với thầy cô, bạn bè. Các con rất cần có một nơi để được lắng nghe, chia sẻ, tìm các giải pháp cho bản thân. Điều này có khó thể tìm thấy ở bạn bè xung quanh, hoặc thầy cô, cha mẹ không có chuyên môn về tâm lý. Sự có mặt của một bộ phận, có những cán bộ chuyên môn, sẽ giúp ích cho các em rất nhiều.

Hoạt động này, theo các chuyên gia giáo dục, rất cần được triển khai rộng ở các trường học và phải được đầu tư cả về tài chính và nhân lực chuyên môn (có cơ sở vật chất phù hợp, bảo đảm riêng tư, thân thiện, có cán bộ chuyên trách, có chuyên môn chứ không phải là giáo viên kiêm nhiệm).

Sức khỏe tinh thần đóng vai trò then chốt trong sức khỏe toàn diện của học sinh. Sức khỏe tinh thần không ổn định tác động đến khả năng đưa ra quyết định, khả năng nắm bắt cơ hội và khả năng làm tốt trách nhiệm của cá nhân học sinh đối với bố mẹ, thầy, cô, bạn bè và các quan hệ xã hội khác.

Thực tế, có trường đã thành lập Phòng Tham vấn học đường, nhưng phòng này rất vắng, hầu như không có học sinh đến; trong khi trên thực tế, vấn đề học sinh gặp phải những vấn đề về sức khỏe tâm thần là khá nhiều. Hoặc hiện tượng, có học sinh vì ngại, sợ nên khi có vấn đề thường tự tìm cách giải quyết khúc mắc một mình. Hay có nhiều trường hợp học sinh được giáo viên chủ nhiệm dẫn lên phòng tư vấn tâm lý và các em có thái độ bất hợp tác. Có những học sinh sau khi tìm sự giúp đỡ từ phòng tham vấn thì bị các bạn dò xét, bình phẩm, thậm chí kỳ thị… Là do vấn đề truyền thông về chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu hoạt động của phòng tham vấn. Khi giáo viên và học sinh chưa hiểu rõ thì việc e dè và không đến phòng tham vấn là điều dễ hiểu. Nhiều khi học sinh không biết đến sự có mặt của một nơi như thế, các con vẫn cố tự chịu, hoặc các con nghĩ rằng phòng tham vấn là chỉ để dành cho người có vấn đề tâm thần thôi.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tư vấn tâm lý cho học sinh là sự hỗ trợ tâm lý, giúp các em nâng cao hiểu biết về bản thân, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội, từ đó tăng cảm xúc tích cực, tự đưa ra quyết định trong tình huống khó khăn gặp phải khi đang học tại nhà trường.

Tham vấn tâm lý cho học sinh là sự tương tác, trợ giúp tâm lý, can thiệp (khi cần thiết) của cán bộ, giáo viên tư vấn đối với học sinh khi gặp phải tình huống khó khăn trong học tập, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ với người khác hoặc nhận thức bản thân, từ đó tăng cảm xúc tích cực, tự lựa chọn và thực hiện quyết định trong tình huống đó.

Phòng tham vấn học đường là nơi thực hiện các hoạt động hỗ trợ tâm lý, nâng cao chất lượng sức khỏe tinh thần cho học sinh. Để phòng tham vấn tâm lý hoạt động hiệu quả, trước hết cần có sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất và đội ngũ chuyên gia được đào tạo, chuyên môn sâu, liên tục được cập nhật kiến thức. Cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ với Ban giám hiệu nhà trường cũng như đội ngũ giáo viên chủ nhiệm trong việc phát hiện vấn đề của học sinh và trợ giúp học sinh. Đặc biệt, cần làm tốt ngay từ công tác phòng ngừa, sẽ giảm bớt được số lượng học sinh gặp vấn đề.

Tỷ lệ hiện mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên, với những khác biệt về tỷ lệ tùy theo tỉnh, giới tính và đặc điểm của người trả lời. Một khảo sát dịch tễ học gần đây trên mẫu đại diện quốc gia của 10 trong số 63 tỉnh/thành cho thấy mức trung bình các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần (Nghiên cứu của UNICEF và các đối tác).

Trên thực tế, rất ít nhà trường có phòng tham vấn có chuyên gia chuyên trách, chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm dẫn đến không đảm bảo về chuyên môn. Bên cạnh đó, nhận thức của nhà trường và giáo viên chưa đầy đủ về vai trò của phòng tham vấn, dẫn đến sự phối hợp chưa tốt.