Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nỗi lo kho phế liệu trong khu dân cư



Mua bán, tập kết phế liệu ngay lề đường ở Triều Khúc. Ảnh: H.Phương
 
Nỗi lo “làng phế liệu”
 
Làng Triều Khúc (quận Hà Đông) được biết đến như làng thu mua phế liệu lâu đời ở Thủ đô. Tại những điểm thu gom phế liệu hai bên đường chạy qua làng, những bì tải lớn được chất thành đống cao hơn mái nhà. Không ai biết được trong những bì tải kia là những thứ gì. “Hàng ngày cứ có 2-3 xe tải nhỏ chở đồng nát nhập về đây, còn hàng là gì trong đó ai mà biết được”, bà Hồ Thị Phương - một người dân cho biết.
 
Một chủ cơ sở thu mua phế liệu ở đây cho biết, họ mua bất cứ thứ gì. Khi được hỏi có hay thu mua bình gas cũ không thì người này trả lời: “Bình gas còn dùng được, mua 120.000 đồng, không dùng được giá 40.000 đồng. Bếp ga cũ mới gì cũng nhận hết”. Một loạt điểm thu mua phế liệu nằm sát khu vực có đông dân cư sinh sống và đi lại. Điều đáng nói là hoạt động thu mua, cân đo, trả tiền, tái chế… công khai ngay trên lòng lề đường.
 
Anh Toàn (thuê trọ ở xã Tân Triều) cho hay: “Khoảng 4 năm về trước, tôi đến đây thuê trọ đã thấy các điểm thu mua xuất hiện tại xã Triều Khúc. Họ thường thu mua đồ phế liệu cũ. Bình gas, đồ điện… họ cũng thu mua. Các vật liệu nổ thì tôi không dám chắc có trong những kho đấy không. Tuy nhiên, tôi thấy việc vệ sinh để không gây ảnh hưởng đến cộng đồng thì họ làm rất qua loa”.
 
Quan sát tại những cơ sở này, chúng tôi thấy ngoài những vật liệu thường thu mua như giấy báo cũ, sắt vụn… còn có vật liệu tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ như bình ga cũ, bình ôxy, bình chữa cháy… vứt lăn lóc. Một chủ cơ sở cho biết, họ vẫn thu mua những bình gas hay bình ôxy, tùy vào mức độ nó còn sử dụng được hay không mà trả giá. Trong khi đó, khi được hỏi liệu có lo ngại về sự nguy hiểm từ núi phế liệu hay không, nhiều người dân sinh sống gần các cơ sở thu mua phế liệu đều trả lời bằng cái lắc đầu.
 
Bên cạnh đó, người dân ở Triều Khúc phải quanh năm phải sống chung với bầu không khí ô nhiễm. Mùi hôi thối từ những đống lông gà lông vịt ám ảnh cả lúc ăn tới lúc ngủ. Ngày bình thường còn đỡ, khổ nhất là sau những ngày mưa hay trời nắng là lúc mùi xú uế phát tán mạnh nhất. Mùi hôi thối đó bắt nguồn từ việc không ít người làng Triều Khúc thu mua lông gà, lông vịt để tạo thành những chiếc chổi lông phục vụ trong sinh hoạt. Để hạn chế tác động của làng nghề đến môi trường, xã đã đầu tư xây dựng điểm công nghiệp làng nghề tập trung, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của người dân.
 
Phế liệu lọt trong khu dân cư
 
 
Những bì phế liệu chất cao ngang mái nhà.
 
Sau vụ nụ nổ ở khu đô thị Văn Phú (Hà Đông) làm 5 người chết và 10 người bị thương hồi tháng 3/2017, tình trạng dùng những khu nhà bỏ hoang làm nơi chứa phế thải đã được hạn chế. Tuy nhiên, ở những nơi khác, hiện tượng đó vẫn tái diễn gây lo lắng cho người dân.
 
Trước đây, tại khu nhà BT4, khu đô thị Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) nhiều nhà xây dựng chưa hoàn thiện được người dân thuê lại làm địa điểm thu mua sắt vụn. Hàng hóa chất đống, để chật cứng trên vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường. Điều đáng nói là những kho phế liệu đó ngay sát những ngôi nhà đã có người ở. Một số người dân sống cạnh các điểm thu mua phế liệu trên cho biết, nhiều hàng hóa được thu mua tại cơ sở phế liệu này rất dễ gây cháy, trong đó có cả bình gas mini, bình oxy. Ngoài ra, chủ hàng còn thường xuyên phơi phế liệu ra con đường trong khu đô thị khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
 
Không chỉ tại các khu đô thị bỏ hoang, nhiều điểm thu mua sắt vụn trên địa bàn TP Hà Nội nằm lọt thỏm giữa các khu dân cư, mỗi ngày thu gom hàng tấn sắt vụn, vật liệu từ nhiều nơi. Các điểm thu mua sắt vụn nằm trong các biệt thự bỏ hoang ở các khu đô thị đều hoạt động tự phát. Mặc dù, hàng năm các cơ sở thu mua này đều ký cam kết về công tác phòng chống cháy nổ, được tuyên truyền về việc giao nộp các vật liệu cháy nổ phát hiện được trong quá trình thu mua.
 
Trong một con ngõ rộng ở đường Kim Giang, một ngõ khác ở đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân), cơ sở thu mua phế liệu “chui” đã tồn và hoạt động nhiều năm. Cơ sở này lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc, cách đó chỉ hơn trăm mét là hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ, nhà dân.
 
Ở quận Hoàng Mai, hàng loạt điểm thu mua phế liệu tự phát ngay mặt đường Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển. Chúng tôi chứng kiến cảnh thu mua tấp nập. Có cơ sở còn chứa cả thùng phuy hóa chất, bình oxy - những thứ có nguy cơ gây cháy nổ.
 
Tại điểm thu mua phế liệu gần khu đô thị Đại Thanh (huyện Thanh Trì), một chủ cơ sở cho hay: “Thu mua tất, kể cả bình ga, bếp ga”. Những điểm tập kết phế liệu ở đây là tận dụng đất dự án để thuê tạm, dựng lán, lợp mái tôn rồi thu mua đủ loại phế liệu sắt thép kiếm lời. “Thỉnh thoảng cũng có người ở phường đến nhắc nhở để ý không được thu mua đồ trộm cắp mà kẻ gian bán chứ không thấy nhắc chuyện bom mìn gì ở đây cả. Giữa Thủ đô lấy đâu ra bom đạn gì. Năm ngoái, vụ nổ ở Văn Phú đó là hy hữu lắm. Riêng tôi thì nếu có bom, đạn gì không bao giờ mua”, một chủ cơ sở trên đường trên đường Phan Trọng Tuệ (huyện Thanh Trì) cho hay.
 

“Có ai để ý đến trong đống phế liệu đó gồm những gì đâu. Cứ thấy chất cao thành đống. Trời nắng thì mùi hôi. Hôm mưa thì nước thải chảy ra đen xì. Sau vụ cháy lớn năm ngoái, họ vẫn không chịu rút kinh nghiệm khi phế liệu được tập kết bên cạnh chỗ ở”, ông Nguyễn Văn Thanh ở xóm Cầu, làng Triều Khúc chia sẻ. 

Theo Hà Phương (Giadinh.net.vn)