Vậy giải pháp nào để vẫn giữ được không gian xanh mát trong các đô thị mà vẫn đảm bảo an toàn cho người dân?
Bất an do cây xanh ngã, đổ
Ngày 9/8, một nhánh cây lớn ở công viên Tao Đàn, quận 1 (TPHCM) bị gãy rơi trúng nhóm người dân đi tập thể dục khiến 2 người chết, 3 người bị thương. Chỉ ít ngày sau đó, sáng 14/8, tại vỉa hè đường Võ Văn Tần, quận 3 (TPHCM), nhánh của một cây điệp có đường kính hơn 40cm, dài khoảng 10m bất ngờ gãy rơi xuống đất. Rất may không có ai bị thương trong sự cố này.

Trước đó vào tháng 4, sau cơn dông lớn kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ, tại phố Quán Sứ, Tràng Thi (Hà Nội) có ít nhất 3 cây cổ thụ bật gốc. Trong đó, có cây đổ vào xe ô tô ven đường làm hư hỏng phần đầu; tuyến phố Bà Triệu, Nhà Chung… cũng có cây đổ, nhưng may mắn không có thiệt hại về người và tài sản.
những vụ việc trên có thể thấy, nguy cơ cây xanh, nhất là cây cổ thụ có thể gãy, đổ luôn là hiện hữu. Đặc biệt trong mùa mưa bão, nắng nóng và mưa dông bất thường, mối lo này càng cao hơn.
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội có báo cáo hiện trạng hệ thống cây xanh, thảm cỏ trên địa bàn Thủ đô. Đáng lưu ý, trong báo cáo này nêu, thống kê sơ bộ trên địa bàn 12 quận có khoảng 8.000 cây cổ thụ. Đây là những cây có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50cm (tính từ gốc lên 1,3m).
Đặc biệt, trong đó có những cây cổ thụ đã già cỗi, sinh trưởng kém. Cây bắt đầu bị sâu mục thân, gốc, thối rễ không còn khả năng chống chịu khi gặp mưa bão. Trong đó có những loài được coi là đặc trưng của Hà Nội với số lượng lớn như: Xà cừ khoảng 10.400 cây, hoa sữa khoảng 14.400 cây, phượng vĩ 16.000 cây, bằng lăng khoảng 17.500 cây, sấu khoảng 26.400 cây, muồng khoảng 12.500 cây, sao đen khoảng 1.800 cây…
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ năm 2020 đến nay, khoảng 140.000 - 150.000 cây bóng mát được cắt tỉa mỗi năm trên toàn địa bàn thành phố. Hệ thống cây bóng mát sau khi được cắt tỉa về cơ bản đảm bảo an toàn, hạn chế bị gãy, đổ mùa mưa bão.
Tuy nhiên, công tác cắt tỉa cây bóng mát đôi khi còn chưa đạt yêu cầu về kỹ thuật, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây và khả năng tạo bóng mát.
Quá trình chăm sóc, duy trì cây bóng mát chưa áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới. Công tác cắt tỉa chủ yếu đảm bảo an toàn cho người dân, phòng, chống thiên tai mà chưa quan tâm nhiều đến cảnh quan, tính thẩm mỹ, trang trí đô thị và chưa có biện pháp bổ sung chất dinh dưỡng cho cây.
Ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, thành phố cần xây dựng tiêu chí để phân loại, lập phương án thay thế một số chủng loại cây xanh già cỗi. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh, tránh trường hợp "bức tử" cây.
Làm gì để bảo vệ cây cổ thụ và an toàn của người dân
Sau vụ cây xanh gãy đổ làm chết 2 người ở công viên Tao Đàn, quận 1, Công ty Công viên cây xanh TPHCM đã đề xuất một số giải pháp nhằm kiểm tra, tôn tạo và chăm sóc cây xanh trên đường phố, công viên trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, đề xuất sử dụng flycam hỗ trợ trong công tác kiểm tra, đánh giá cây xanh để phát hiện những vị trí khiếm khuyết trên cao. Qua đó, thí điểm neo cáp các cành, nhánh kích thước lớn vào thân đối với các loại cây sao đen, dầu.
Thời gian đầu, việc dùng flycam sẽ được thí điểm tại công viên Tao Đàn, kiểm tra hư hại đối với cây xanh tại công viên Gia Định, công viên 30/4 rồi mới triển khai mô hình này tại toàn địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, công ty đề nghị thuê loại xe có máy móc cao 40m để cắt cành, nhánh hư hại của những cây lâu năm trên các đường phố, công viên. Công ty sẽ lập tổ chuyên gia gồm đội ngũ cán bộ kỹ sư có chuyên môn và công nhân lành nghề, qua đó đánh giá rủi ro cây xanh để kịp thời đề xuất phương án xử lý.
Công ty cũng mở lớp đào tạo công tác đánh giá chuyên sâu cây xanh loại 3 và liên hệ với Trung tâm Cây xanh Đô thị và Sinh thái Ban Công viên Quốc gia Singapore để phối hợp thực hiện.
Cũng trong ngày 13/8, Sở Xây dựng TPHCM ban hành văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, cập nhật thông tin về tình hình sinh trưởng, phát triển của toàn bộ hệ thống cây xanh đang được giao quản lý.
Đặc biệt, chú trọng đến các cây xanh có kích cỡ lớn, phát hiện các dấu hiệu như bọng gốc, già cỗi, sâu, nứt… để kịp thời đốn hạ hoặc trồng thay thế.
Theo ThS Nguyễn Thị Hồng Chi (Khoa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa TPHCM), cây cổ thụ là di sản đô thị, nhưng cũng dễ gãy đổ vì đã già cỗi. Để bảo vệ cây, Singapore khoanh vùng những đường cây cổ thụ và vùng cây di sản cần bảo tồn và tạo quỹ chăm sóc đặc biệt.
Mỗi cây (nhất là những cây trăm tuổi) được khảo sát kỹ, lập hồ sơ quản lý và chăm sóc theo cách riêng để cây sống khỏe. Dù chúng ta chưa có điều kiện tương tự, nhưng cũng cần hướng tới việc này.
Kiến trúc sư Trình Phương Quân, người có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các dự án kiến trúc, quy hoạch tại Việt Nam và Singapore thông tin, tại TPHCM có hơn 3.000 cây cổ thụ trên 50 năm tuổi. Về nguyên tắc, các cây trồng đô thị cần được chăm sóc, cắt tỉa, theo dõi và thay thế dần khi già cỗi.
Tuy nhiên, chúng ta chưa có nghiên cứu nào chi tiết và cụ thể việc cây bao nhiêu tuổi nên được thay thế. Theo ông Quân, cây xanh đô thị là tài sản quý giá, cần được bảo vệ, nhưng yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, cần sớm có cơ chế quản lý, phát triển hài hòa các mục tiêu.
Hà Nội có khoảng 8.000 cây cổ thụ, TPHCM có hơn 3.000 cây cổ thụ hơn 50 năm tuổi, hoặc cây có đường kính từ 50cm (tính từ gốc lên 1,3m). Đặc biệt, trong đó có những cây đã già cỗi, có biểu hiện sinh trưởng kém. Cây bắt đầu bị sâu mục thân, gốc, thối rễ không còn khả năng chống chịu khi gặp mưa bão. |
Minh Châu
Báo Lao động và Xã hội số 102