Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nỗi lo nữ sinh bị quấy rối tình dục bởi bạn học

Mỗi ngày đi học, ngoài chuyện lo lắng về bài vở, nhiều nữ sinh còn đối mặt với những hành vi bị xúc phạm, quấy rối và xâm hại tình dục.

Lien-tiep-xay-ra-cac-vu-xam-hai-tre-em-xamhai-1582369952-width1999height1333

“Quấy rối” từ những trò đùa

Trước đây, ở cấp Tiểu học hay THCS, việc nữ sinh bị các bạn nam cùng lớp, cùng trường trêu đùa cũng chỉ là chuyện bình thường của tuổi học trò. Tuy nhiên, khi đến tuổi dậy thì, đặc biệt là cấp THPT, nhận thức về giới tính tăng lên thì những trò đùa nhiều khi lại mang hơi hướng của việc khám phá tính dục khiến nhiều nữ sinh cảm thấy khó chịu xen lẫn cảm giác bất lực trước những trò đùa quá đáng.

Em Ngô Thanh Vân, học sinh lớp 11 ở phường Tân Thịnh, TP. Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình chia sẻ, trường học - môi trường được cho là an toàn, lành mạnh, nhưng những hành vi quấy rối tình dục như đụng chạm, bỡn cợt, ám chỉ về tình dục xảy ra không ít. “Trong giờ học lẫn giờ ra chơi, các bạn nam hay đùa quá đà, nhiều lúc cố tình cầm tay, động chạm vào cơ thể của bạn nữ. Lúc học về, em đi xe đạp cũng bị các bạn nam bám theo, trêu đùa như giật tóc, vỗ vào mông, giật quai áo lót khiến em rất khó chịu và phản ứng. Tuy nhiên, các bạn ấy vẫn không tha”.

Em Vũ Huyền Anh học lớp 10 ở TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho biết, em hay bị các bạn nam trong trường trêu chọc và nhìn chằm chằm vào cơ thể vì vòng 1 của em lớn hơn các bạn khác. Nhiều bạn huýt sáo, trêu đùa, bình phẩm về hình thể khi em đi qua khiến em rất xấu hổ và tự ti về bản thân.

Còn em Lê Hoài Anh, học lớp 12 tại quận Ðống Ða, Hà Nội thì bức xúc: "Lớp em có lập một nhóm chat zalo để trao đổi về bài vở và tình hình học tập. Tuy nhiên, đôi khi lại xuất hiện một số tin nhắn có nội dung "Tao có clip "nóng", ai muốn xem thì nhắn tin” khiến nhiều bạn hùa theo… và sau đó là những lời bình phẩm liên quan đến tình dục. Mặc dù điều này khiến em thấy sợ và không thoải mái, nhưng cũng không thể rời nhóm zalo vì còn liên quan đến thông tin phục vụ học tập.

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Hoài Sơn, những ví dụ kể trên đang là mối bận tâm của không ít nữ sinh hiện nay. Mỗi ngày đi học, ngoài chuyện lo lắng về bài vở, các em còn phải đối mặt với những hành vi bị xúc phạm về lời nói, quấy rối về hình thể từ chính những bạn học. Lâu dài sẽ dẫn đến những lo sợ, ám ảnh, tác động tiêu cực tới sức khỏe và học tập. Tuy nhiên, khi gặp tình trạng này, không ít nữ sinh lại chọn cách im lặng, không dám phản ánh, vì sợ bị các bạn khác coi là “chảnh”, dẫn đến những khó khăn trong việc phát hiện và ngăn chặn những hành vi tương tự. Im lặng cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận cho hành vi quấy rối, xâm hại được tồn tại và phát triển.

Qua một số vụ nữ sinh bị hiếp dâm tập thể trong thời gian gần đây cho thấy, thủ phạm chính là những bạn học cùng lớp khiến nạn nhân chủ quan, không có tâm lý đề phòng. Ðáng ngại hơn là những học sinh này đã lên những kế hoạch một cách bài bản để đạt được mục đích, chứ không đơn thuần là chuyện bột phát. Từ việc rủ nạn nhân đi sinh nhật, thay nhau ép rượu để nạn nhân bất tỉnh rồi cưỡng hiếp, sau đó pha thuốc tránh thai vào trà sữa rồi lừa cho nạn nhân uống để không xảy ra hậu quả…

Những vụ việc trên cho thấy những hạn chế trong công tác giáo dục, phòng ngừa hành vi xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục hiện nay, cũng như các biện pháp quản lý từ phía gia đình chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Khó khăn trong xử lý và ngăn chặn

Cô Nguyễn Thi Minh, giáo viên Ngữ văn một trường THPT tại TP. Hoà Bình cho biết: Là giáo viên chủ nhiệm, khi nhận được phản ánh của nữ sinh về tình trạng bị trêu đùa quá trớn, tôi đều gặp riêng những bạn nam đó nói chuyện. Sự tò mò về giới tính thường khiến nhiều học sinh nam có những hành động bột phát, quá đà nên cần phải điều chỉnh cho phù hợp, bởi môi trường giáo dục không cho phép những trò đùa của học sinh trở thành quá lố và phản cảm. Tuy nhiên, sự việc cũng chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở chứ không đưa ra các hình thức kỷ luật trong những tình huống như vậy.

Cần nâng cao hơn nữa hoạt động giáo dục giới tính trong trường học.

Cần nâng cao hơn nữa hoạt động giáo dục giới tính trong trường học.

Cũng theo cô Minh, hiện nay giáo dục giới tính trong trường học vẫn bị coi nhẹ, đặc biệt là đối với nhóm học sinh cuối cấp. Ða số các em đều không nhận diện đầy đủ các hành vi thế nào là quấy rối tình dục và trong trường hợp nào thì được xem là bị quấy rối tình dục.

Nhiều em còn không biết đến sự tồn tại của quy định về quyền bất khả xâm phạm thân thể. Bên cạnh đó, trên rất nhiều các diễn đàn của các em học sinh cuối cấp lại chia sẻ những thông tin cho rằng, không biết phải cậy nhờ ai để lên tiếng bênh vực quyền lợi của mình khi bị quấy rối tình dục. Ví dụ các em đưa ra chính là những vụ nữ sinh đã tìm cách tự tử sau khi bị xâm hại và không tìm được sự cảm thông từ người thân.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của gia đình trong bảo vệ, chăm sóc toàn diện cho con em mình; Coi việc giáo dục, phát triển cho con là trách nhiệm của nhà trường. Bản thân cha mẹ chưa dành thời gian chăm sóc, gần gũi con cái. Nhiều phụ huynh chưa hiểu đầy đủ về xâm hại trẻ em, thực trạng của vấn nạn này và những hậu quả mà nó gây ra cho trẻ, cho gia đình và xã hội.

Trong một nghiên cứu đối với nhóm học sinh thuộc khối lớp 10 và 11 tại Hà Nội và Nam Định, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, có đến 63% học sinh chắc chắn rằng hành vi quấy rối tình dục đã xảy ra trong trường học của của mình. 91,5% học sinh chắc chắn đã chứng kiến, hoặc đã là mục tiêu của quấy rối tình dục trên thực tế. 93,5% học sinh chắc chắn đã chứng kiến, gây ra hoặc từng là mục tiêu của quấy rối tình dục trực tuyến, hoặc thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.