Nhiều gia đình chỉ phát hiện ra trẻ khuyết tật bị xâm hại khi có biểu hiện mang thai
Trong gia đình nếu không may có một trẻ bị khuyết tật thường có muôn vàn nỗi lo. Lo sức khỏe của trẻ, lo người chăm sóc trẻ, lo kinh tế để chữa bệnh cho trẻ… Trong đó, có một nỗi lo chung của các gia đình là lo trẻ bị xâm hại.
Nhà có cô em gái bị mắc bệnh down nên tất cả các thành viên trong gia đình tôi đều phải cố gắng hơn rất nhiều để chăm sóc, dạy em những kỹ năng cơ bản, giúp em hòa nhập cuộc sống. Khi em còn nhỏ, bố mẹ tôi thường giữ em trong nhà vì lo em bị lạc, bị bắt nạt. Em lớn hơn một chút, nỗi lo thường trực không chỉ riêng của bố mẹ mà cả gia đình tôi là làm sao bảo vệ em trước những nguy cơ bị xâm hại. Bởi thời gian vừa qua, đã xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em trong đó có cả trẻ khuyết tật khiến dư luận bức xúc. Cả gia đình luôn quan tâm, để ý, giám sát, bảo vệ em. Bố mẹ tôi luôn cố gắng thu xếp thời gian nhiều nhất có thể để ở bên, chỉ bảo em những kỹ năng cơ bản nhất.
Do đặc điểm cơ thể và nhận thức chưa phát triển toàn diện, khó có khả năng tự vệ, trẻ em là đối tượng dễ trở thành nạn nhân của hành vi bạo hành hoặc xâm hại tình dục. Ðặc biệt, nhóm trẻ em khuyết tật (như câm, điếc, thiểu năng trí tuệ) lại càng có nguy cơ cao trước vấn nạn này. Trẻ em khuyết tật như câm, điếc bẩm sinh không biết cách diễn tả lại sự việc. Rào cản ngôn ngữ khiến trẻ nếu có trình bày sự việc thì cũng ít ai hiểu. Hay bị khuyết tật về tâm thần, trí tuệ, thậm chí nói ra người nhà cũng không tin, không chia sẻ được.
Thực tế, nhiều gia đình chỉ phát hiện ra con (là trẻ khuyết tật) bị xâm hại khi các em có biểu hiện mang thai. Có những hoàn cảnh rất thương tâm khi trẻ khuyết tật phải làm mẹ lúc còn quá trẻ, các em có khi còn chưa thể tự chăm sóc bản thân.
Trẻ khuyết tật có nguy cơ cao trong việc bị lợi dụng bạo hành và xâm hại. Vì vậy, cần trang bị cho các em kiến thức và các kỹ năng cần thiết để xử trí những vấn đề này.
Trách nhiệm trước tiên thuộc về gia đình
Bạo lực và xâm hại gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thể chất và tinh thần của trẻ em. Với trẻ khuyết tật thì ảnh hưởng càng nặng nề, các em sẽ ngày càng khép kín do vốn có sẵn sự mặc cảm, dễ bị kỳ thị. Ðặc biệt, nếu nạn nhân là trẻ mắc chứng tự kỷ thì sang chấn về tâm lý sẽ khiến tình trạng trầm trọng, khó hồi phục hơn.
Theo các chuyên gia, với trẻ em khuyết tật, để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị xâm hại thì trách nhiệm trước tiên thuộc về gia đình. Nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc trẻ em khuyết tật bị lạm dụng, xâm hại có nhiều, trong đó có nguyên nhân các em thiếu kiến thức, kỹ năng và sự quan tâm sát sao của gia đình.
Ðối với trẻ em khuyết tật, cha mẹ thường chỉ chú ý đến vấn đề dinh dưỡng, sức khỏe mà ít chú trọng về vấn đề kỹ năng, càng không để ý đến vấn đề về giới tính, sức khỏe sinh sản và tình dục. Mặt khác, do ít tiếp xúc, nhận thức kém hơn những trẻ bình thường, nên trẻ khuyết tật không ý thức được nguy cơ bị xâm hại. Trẻ em khuyết tật, nhất là thiểu năng trí tuệ khi bị xâm hại có khi bản thân các em cũng không nhận biết được đó là hành vi xâm hại. Trang bị kiến thức phòng chống xâm hại với những đối tượng này rất khó khăn, nhưng không phải vì vậy mà các gia đình bỏ quên.
Mỗi một dạng khuyết tật lại có những đặc điểm riêng, nên việc trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại cho các em cần có những cách khác nhau. Việc này không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Với nhiều trẻ chậm phát triển trí tuệ, đôi khi chỉ dạy cho các em hiểu không để người khác tự tiện ôm, hôn, sờ mó cơ thể các em... cũng phải nhắc đi nhắc lại mỗi ngày, kéo dài trong cả năm.
Cha mẹ cần dạy cho trẻ những vị trí nào trên cơ thể là vị trí nhạy cảm, cho trẻ hiểu về không gian và khoảng cách an toàn đối với người khác để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân (khoảng cách an toàn đối với trẻ là 1m - bằng 1 sải tay). Ðồng thời, dạy trẻ tôn trọng không gian riêng tư của người khác. Cha mẹ cần quan tâm đến những mối quan hệ xung quanh của trẻ khuyết tật để loại trừ rủi ro có thể đến với trẻ.
Cũng như những vụ xâm hại tình dục trẻ em khác, thủ phạm của các vụ án xâm hại tình dục trẻ em khuyết tật thường là người thân, người quen, hàng xóm hoặc họ hàng. Do đó, cha mẹ phải luôn cảnh giác, chú ý và để ý thái độ của trẻ. Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường thì cần quan tâm xem trẻ có gặp vấn đề gì để kịp thời giải quyết.
Ðặc biệt, khi phát hiện con có những dấu hiệu, biểu hiện bị xâm hại tình dục, cha mẹ cần lên tiếng, báo cáo với các cơ quan chức năng để can thiệp, giải quyết. Nhiều vụ việc trẻ khuyết tật bị xâm hại không bị phát giác do nạn nhân và gia đình sợ hãi hoặc bị kẻ xâm hại đe dọa nên không dám lên tiếng. Có gia đình lên tiếng nhưng sau đó lại rút đơn; có gia đình sợ xấu hổ, sợ bị chế nhạo… Và từ đó, rất nhiều vụ việc được giải quyết theo hướng dàn xếp cho qua. Các gia đình có trẻ khuyết tật bị xâm hại đừng vì xấu hổ mà làm ngơ đi vụ việc, bởi nếu dung túng, sợ hãi cái xấu thì cái xấu sẽ không bao giờ bị loại trừ.
Phòng chống xâm hại cho trẻ em khuyết tật, ngoài trách nhiệm của gia đình thì cộng đồng xã hội cũng cần có những hành động cụ thể, thiết thực như hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần và kỹ năng tự bảo vệ mình cho trẻ. Các tổ chức xã hội, truyền thông cần tập trung phổ biến pháp luật, nâng cao hiểu biết cho người dân về quyền của trẻ khuyết tật; hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp của cộng đồng; giáo dục cho trẻ khuyết tật nhận thức được việc bị xâm hại, bạo hành để lên tiếng... Ngoài ra, các đơn vị chức năng, các tổ chức xã hội cũng cần tham gia hỗ trợ pháp lý, bảo vệ cho trẻ trước tòa.