Chị Nguyễn Thị Ngọc Hường (áo xanh), chủ Nhà may Sài Gòn chỉ dạy trực tiếp về sản phẩm may cho nhân viên là người khuyết tật
Chúng tôi đến thăm cơ sở may Sài Gòn trong một buổi chiều cuối tháng 7/2019. Ấn tượng nhất với chúng tôi chính là trong xưởng may này không có tiếng nói mà chỉ có tiếng máy khâu xen lẫn với tiếng kéo cắt vải. Những NKT đang lao động hăng say, động tác nhanh nhẹn, thuần thục và họ chỉ có thể trao đổi với nhau bằng cử chỉ, ánh mắt, nụ cười.
Em Lương Thị Xoa (xã Vân Mộng, huyện Văn Quan) gắn bó với cơ sở may Sài Gòn gần 6 năm nay. Em là nhân viên lâu năm nhất ở đây. Em bị câm điếc bẩm sinh nhưng ông trời bù lại cho em sức khỏe và sự khéo léo. Cầm chiếc áo vest em vừa may xong, nhìn từng đường may sắc nét thật khó có thể hình dung đó là sản phẩm của một NKT.
Thông qua các ký hiệu trò chuyện và phiên dịch của vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Hường – chủ cơ sở may Sài Gòn, Xoa chia sẻ: Em được cô, chú dạy cho nghề may và dạy ký hiệu giao tiếp, đến giờ, em có thể tự may quần áo thành thạo và tự tin hơn khi giao tiếp với mọi người.
Không chỉ được học nghề, tạo việc làm, tại ngôi nhà chung này các em còn gặp được nhân duyên của mình và gắn bó với nhau, nên vợ nên chồng. Hiện nay, trong cơ sở đã có 2 cặp kết hôn với nhau. Em Nguyễn Đình Hà, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Em làm ở đây được hơn 3 năm rồi, nhờ nghề may, em đã tìm được hạnh phúc của mình. Vợ em là Nguyễn Thị Trọng, quê ở Vĩnh Phúc cũng bị câm điếc. Chúng em có một bé trai 10 tháng tuổi và may mắn là cháu không bị khuyết tật.
Cũng giống như Hà, em Dương Thị Hợi (sinh năm 1995), ở xã Thiện Long, huyện Bình Gia đã bén duyên với Nguyễn Văn Quỳnh (sinh năm 1990) ở khu đô thị Phú Lộc 4, thành phố Lạng Sơn. Hợi chia sẻ: Ở đây, em không chỉ được cô, chú chỉ bảo tận tình mà còn se duyên giúp em, giờ em đã có một mái ấm hạnh phúc.
Mỗi cuộc đời là một hoàn cảnh khác nhau, mặc dù số phận không may mắn nhưng tất cả đã gặp nhau bởi cái duyên được gieo từ vợ chồng chị Hường. Gần 6 năm nay, vợ chồng chị đã nhận các đối tượng là NKT để truyền nghề và tạo việc làm cho họ. Dạy nghề cho người bình thường đã khó nhưng dạy cho NKT còn khó hơn nhiều. Khó nhất trong quá trình học tập chính là giữa người dạy và người học không trao đổi được bằng lời nói mà phải dùng ký hiệu. Để dạy được, vợ chồng chị Hường phải tự học trên mạng để có thể giao tiếp, truyền đạt được cho học viên. Không chỉ dạy nghề, vợ chồng chị còn dành thời gian để dạy tiếng Việt, ngôn ngữ, ký hiệu, kỹ năng sống để các em có thể xóa bỏ mọi rào cản, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hường, chủ cơ sở may Sài Gòn chia sẻ: Xuất phát từ suy nghĩ cho đi nhiều hơn nhận lại, làm nhiều việc thiện để tích đức nên vợ chồng tôi đã cưu mang, giúp đỡ những NKT có hoàn cảnh khó khăn và đào tạo nghề miễn phí cho họ.
Hiện nay, cơ sở may Sài Gòn có 12 lao động là NKT đến từ các huyện trong và ngoài tỉnh. Tại đây, các em được nuôi ăn, ở và hưởng thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Khi mới đến đây, họ đều chưa từng biết đến nghề may, thậm chí nhiều em còn khá rụt rè, sống khép kín vì không nghe, nói và giao tiếp được với mọi người. Nhưng đến nay, các em đã giao tiếp được với nhau, thành thạo nghề may, tự tin hòa nhập, trung bình mỗi em làm được 10 chiếc áo/ngày, chất lượng sản phẩm được khách hàng đánh giá cao.
Bà Đỗ Thị Lan, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hai năm nay, tôi đều đến đây may đồ. Mặc dù các cháu nhân viên của cơ sở là NKT nhưng may rất cẩn thận, đường kim mũi chỉ sắc nét, tôi rất ưng ý và đã giới thiệu nhiều bạn bè, người thân đến đây may.
Gieo được duyên tốt nên vợ chồng chị Hường đã, đang gặt được nhiều quả lành, sản phẩm của cơ sở được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ủng hộ. Chị cho biết: Hiện nay, qua giới thiệu của các bạn đang làm ở đây, nhiều NKT trong tỉnh cũng đến xin học nghề nhưng chúng tôi lại không đủ cơ sở vật chất để tiếp nhận. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được vay vốn để mua thêm máy may, nâng cấp một số thiết bị nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Thanh Huyền/GĐ&TE