Đến nay việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân góp đất trồng cao su cơ bản đã hoàn thành. Thế nhưng, việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho đối tượng góp đất vẫn còn dang dở. Theo ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Điện Biên, khoản hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho dân theo Quyết định 16 của tỉnh, hiện nay có một số diện tích chưa được hỗ trợ khiến người dân nhiều nơi không còn mặn mà với việc phát triển cây cao su. Nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với Công ty đều chưa được thực hiện. Cụ thể như: Chính sách hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào; việc miễn thuế đất, tiền thuê đất để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội và hỗ trợ chênh lệch giá giống cao su nhập ngoại; công ty cũng chưa được chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với cây cao su.
Chăm sóc cao su.
Vướng mắc lớn nhất kéo dài lâu nay là việc thỏa thuận chế độ chi trả giữa doanh nghiệp và chính quyền tỉnh Điện Biên vẫn theo kiểu “không ai chịu ai”. Từ đó dẫn đến hợp đồng ăn chia sản phẩm không thể ký kết do mỗi bên soạn thảo theo một kiểu. Ông Phan Văn Lợi cho rằng, UBND tỉnh Điện Biên cần chủ trì một buổi làm việc chính thức giữa công ty với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện để giải quyết những tồn đọng, vướng mắc trong việc phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh.
Theo hợp đồng, người dân góp đất trồng cao su sẽ được hưởng tỷ lệ 10% sản phẩm mủ sau khai thác, 10% củi, gỗ khi vườn cây hết chu kỳ khai thác mủ. Công ty cổ phần Cao su Điện Biên chỉ đồng ý thực hiện chi trả hỗ trợ góp đất theo diện tích cây cao su đứng, tức là 3.700ha diện tích cao su theo số liệu của công ty. Ông Phan Văn Lợi cho rằng, một số diện tích trong bìa đỏ đã được tỉnh Điện Biên cấp cho người dân nhưng người dân lại không trồng cao su. Cần rà soát lại chính xác để đảm bảo tính công bằng giữa những hộ có đất trồng cao su và những hộ có đất nhưng không trồng cao su.
Trong khi đó, chính quyền tỉnh Điện Biên và các sở, ngành lại đề nghị phía công ty cần thực hiện chi trả hỗ trợ theo tổng diện tích người dân góp đất, tức là hơn 5.000ha. Chính quyền cho rằng nếu chỉ chi trả theo diện tích cây cao su đứng sẽ thiệt thòi cho người dân, vì ngoài diện tích thực mà đơn vị tiến hành trồng cao su, những diện tích trống trong vườn cao su, người dân cũng không thể sử dụng với mục đích khác.
Thậm chí, ở một số nơi, người dân còn không biết diện tích vườn cao su do mình góp đất nằm ở đâu. Như diện tích cây cao su được trồng từ năm 2008 tại các xã Hua Thanh, Thanh Nưa và Mường Pồn (huyện Điện Biên) dự kiến sẽ được đưa vào thu hoạch trong năm 2016. Người dân đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cho đến nay người dân vẫn không hề hay biết diện tích cao su của mình nằm ở đâu, do khu vực này đất trồng cao su cho người dân được cấp theo nhóm hộ. Bởi vậy việc chi trả cũng cần thực hiện theo cộng đồng.
Vấn đề này, Công ty cổ phần Cao su Điện Biên đề nghị UBND tỉnh thống nhất, chỉ đạo các nhóm hộ dân phải có một người đại diện để ký hợp đồng ăn chia sản phẩm với đại diện công ty. Không thể ký trên một thửa đất không xác định ranh giới mà lại có đến hơn 10 hộ.
Bên cạnh đó, nếu thực hiện chi trả theo cả cộng đồng thì cũng cần phải tiến hành rà soát lại việc phân chia diện tích. Trước đây, diện tích đất trồng cao su được chia theo hộ có kinh tế từ trung bình trở lên được chia bình quân 3.500m2; còn hộ nghèo được chia bình quân 4.500m2. Tuy nhiên đấy là số liệu năm 2008, bởi vậy cần phải rà soát lại hộ nghèo hiện nay để phân chia hợp lý hơn.
Bên cạnh đó, việc ì ạch trong công tác xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại bản Huổi Chan, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) cũng cho thấy sự thiếu thống nhất giữa doanh nghiệp và sở, ngành của tỉnh.
Theo dự kiến nhà máy sẽ vận hành từ năm 2016, công suất giai đoạn 1 là 3.000 tấn/năm. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, nhà máy chế biến mủ thì vẫn chỉ nằm trên giấy, dự án vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc thủ tục giữa Công ty cổ phần Cao su Điện Biên và Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo ông Ngôn Ngọc Khuê, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở đã yêu cầu Công ty cổ phần Cao su Điện Biên sớm khẩn trương hoàn thành giải phóng mặt bằng để tiến hành xây dựng nhà máy nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Lý giải nguyên nhân chậm triển khai giải phóng mặt bằng, ông Phan Văn Lợi cho biết: “Diện tích giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy sơ chế mủ cao su là hơn 8,5ha. Trong dự kiến dự án của chúng tôi, giá đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 4 tỷ đồng. Nhưng mới đây, phương án mà Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Điện Biên dự kiến lên đến gần 14 tỷ đồng. Nếu để đầu tư một nhà máy gần 100 tỷ nữa thì quá tốn kém. Chúng tôi được biết ở Sơn La và Lai Châu thì việc giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy đều được tỉnh hỗ trợ. Phương án này chúng tôi khó có thể đầu tư, trong khi giá mủ xuống thấp mà phải đầu tư nhà máy với chi phí cao như vậy. Chúng tôi đang nghiên cứu phương án là chuyển nguyên liệu bán cho các tỉnh lận cận”.
Để tìm hiểu rõ về vấn đề này, phóng viên Báo LĐ&XH đã trao đổi với ông Nguyễn Đức Cương, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Điện Biên. Ông Cương lý giải: “Từ 1/7/2014, chúng ta vẫn đang tính giá đất theo Luật Đất đai năm 2003, bởi vậy mới có cái giá 4 tỷ đồng kia. Còn từ thời điểm đó đến nay, chúng ta đang thực hiện theo Luật Đất đai 2013 nên giá đất đã có nhiều thay đổi. Ngày 19/10/2015 chúng tôi mới nhận được Quyết định số 1205 của UBND tỉnh Điện Biên về việc “Phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sơ chế mủ cao su tại bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên”. Bởi vậy, con số 13,7 tỷ là chúng tôi chỉ mới khái toán. Tuy nhiên, mức giá đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy sẽ bằng hoặc cao hơn con số 13,7 tỷ trên. Bởi theo Quyết định 13, ngày 12/8/2015 của UBND tỉnh Điện Biên có quy định tiền các khoản hỗ trợ tăng từ 2-3 lần khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất”.
Từ lý do trên, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Điện Biên chỉ tiến hành tính toán theo Luật Đất đai và theo các quyết định của UBND tỉnh, các khoản đền bù đều cam kết thực hiện đúng luật. Còn việc ở các tỉnh khác được chính quyền hỗ trợ chi phí mặt bằng là do chính sách của tỉnh. Vấn đề là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng thì vẫn phải tính đủ, tính đúng cho người dân không bị thiệt thòi.
Ông Ngôn Ngọc Khuê cho biết: “Vấn đề chính vướng mắc vẫn là ở chủ đầu tư, trách nhiệm chính vẫn là chủ đầu tư. Trong thời gian qua, chủ đầu tư chưa tích cực triển khai các nội dung. Cụ thể việc khởi công xây dựng nhà máy. Tỉnh Điện Biên đã hết sức tạo điều kiện, quy hoạch chấp thuận địa điểm và rà soát, kê khai, kiểm đếm trên vị trí đó. Tuy nhiên đến thời điểm này ngành chức năng của tỉnh cũng chưa nhận được dự án cụ thể về dự án nhà máy sơ chế mủ cao su, về đánh giá tác động môi trường”...
Theo kế hoạch, những diện tích trồng trong giai đoạn 2008 - 2009 sẽ có khả năng cho thu hoạch vào cuối năm 2016 và thu hoạch chính thức vào năm 2017. Tuy nhiên việc doanh nghiệp và chính quyền chưa thể thống nhất phương án đền bù chi trả càng khiến người dân như rơi vào cảnh lao đao.