Nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam được cho là xuất hiện từ thời Hùng Vương và phát triển mạnh nhất vào thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XII). Bia "Sùng Thiện Diên Linh tự tháp" có niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121) thời Lý Nhân Tông, có ghi trò múa rối nước biểu diễn mừng thọ nhà vua.
Trải qua bao thăng trầm cùng thời gian và lịch sử, ngày nay, múa rối được khai thác sâu, rộng hơn, hiện đại hóa và cập nhật với đời sống hơn nên thu hút khán giả, đạt được nhiều thành tích đáng kể.
Điển hình là những vở rối mang hơi thở đương đại của Nhà hát múa rối Việt Nam, như các vở “Hồn quê” (tác giả - đạo diễn NSƯT Vương Duy Biên) đoạt huy chương Vàng trong Liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ nhất, Hà Nội năm 2008; vở diễn "Truyện cổ Andecxen" của tác giả - đạo diễn Ngô Quỳnh Giao, đoạt huy chương vàng trong Liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ II, Hà Nội - 2010. Nhà hát múa rối Thăng Long - Hà Nội cũng cho ra mắt khán giả vở diễn: "Huyền thoại Rồng Tiên", tác giả NSƯT Đăng Tiến, đạo diễn Nguyễn Hoàng Tuấn, vở diễn đoạt Huy chương bạc trong liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ nhất, Hà Nội năm 2008.
Điều đó khẳng định nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam có giá trị nghệ thuật và nếu biết cách đổi mới sẽ thu hút công chúng. Thực tế cũng cho thấy, nhiều đoàn rối nước ta rất thành công khi qua nước ngoài biểu diễn, nhiều đoàn du khách nước ngoài rất ham thích các vở rối khi đến Việt Nam.
Cảnh biểu diễn múa rối nước
Thế nhưng, thực tế đáng buồn khác là hiện nay, số lượng các đoàn, nhà hát múa rối và các tụ điểm biểu diễn múa rối đang giảm dần, số lượng so với mấy thập kỷ trước. Bên cạnh đó, thù lao cho nghệ sĩ biểu diễn múa rối cũng càng ngày càng thấp vì ít được diễn. Nhiều lãnh đạo, nghệ sĩ biểu diễn múa rối, đều thừa nhận rằng, ngoại trừ một số chuyến lưu diễn nước ngoài và một số show diễn cho khách du lịch xem hoặc vào dịp lễ, còn thì họ ít có chương trình diễn. Thi thoảng cũng có diễn một số suất cho thiếu nhi xem, nhưng số lượng vé bán ra khá khiêm tốn. Từ những nguyên nhân trên làm ảnh hưởng đến đời sống của những nghệ sĩ theo nghiệp múa rối; và chất lượng cũng vì thế mà bị ảnh hưởng theo.
Múa rối có giá trị lịch sử, văn hóa- nghệ thuật, giá trị giáo dục cao, đặc biệt rất phù hợp với trẻ em. Nếu chúng ta biết phát huy thì không chỉ bảo tồn, phát triển được một bộ môn nghệ thuật cổ của dân tộc mà còn mang lại nhiều lợi ích khác, như giá trị giáo dục tâm hồn, nhân cách và kỹ năng sống cho trẻ em... Nhận thấy giá trị của múa rối, nhiều nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật mang đậm văn hóa dân tộc này đều bày tỏ khao khát phát triển nghệ thuật múa rối.
Tuy nhiên, để nghệ thuật múa rối Việt Nam phát triển phong phú, tinh tế và hấp dẫn hơn, nhiều nghệ sĩ múa rối cho rằng cần có sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước, các tổ chức múa rối Quốc tế. Theo nhiều nghệ sĩ, trước mắt, có thể đưa múa rối nước vào giảng dạy, biểu diễn ở các trường học để giúp các em hiểu và yêu thích múa rối. Ngoài ra có thể kết hợp với các tour du lịch, các tụ điểm du lịch để biểu diễn cho du khách trong và ngoài nước xem. Về lâu dài, Nhà nước cần đầu tư kinh phí cho các đoàn múa rối để họ đầu tư cơ sở vật chất và trả thù lao tương xứng cho nghệ sĩ múa rối. Đào tạo ngành biểu diễn múa rối một cách bài bản, chuyên nghiệp và hiện đại hơn; có kế hoạch nghiên cứu và ứng dụng những giá trị của múa rối cổ; có công nghệ chế tạo hình tượng rối mang tính chuyên nghiệp, đẹp và hiện đại...
Và như thế, vấn đề đặt ra là cần có sách lược, kế hoạch chuyên môn cụ thể và chi tiết để nghệ thuật múa rối phát triển và hội nhập. Từ những mô hình thành công nêu trên, có thể nói, nếu chúng ta kết hợp hài hòa truyền thống và hiện đại sẽ là con đường phù hợp để nghệ thuật múa rối Việt Nam hưng phát, từ đó hòa nhập với nền văn hóa của thế giới.