Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nói thật lòng là tôi rất "sợ" những người hướng nội

Mỗi một người hướng nội, nếu họ muốn, họ hoàn toàn có thể thông qua phương thức tĩnh lặng của riêng mình để thay đổi bản thân, thay đổi thế giới từ đó nhận lại vô số ánh hào quang

Trước khi vào đại học, tôi luôn rất phiền não vì tính cách hướng nội của mình: bạn bè xung quanh luôn túm năm tụm ba, chào bạn tươi cười, dường như có thể chơi được với mọi người. Còn tôi, thường xuyên một mình một bóng, tất nhiên vẫn có bạn để nói chuyện, nhưng rất ít người chủ động tìm tới tôi chơi, tôi cũng không hiểu vì sao lại chẳng thể mờ mồm khi ở những nơi đông người.

Xã hội ngày nay dường như thích những người hướng ngoại, cởi mở hơn, tôi luôn cảm thấy người hướng ngoại dễ thành công hơn. Kiểu nhận thức phổ biến này khiến những người hướng nội như tôi cảm thấy áp lực lớn hơn. Ngay cả Giả Mẫu trong "Hồng Lâu Mộng" cũng thích kiểu cháu dâu nhanh nhẹn, tinh tế như Vương Hy Phượng, chứ không thích kiểu "không khéo ăn nói, không ai mến được" như con dâu Vương phu nhân.

Cho tới sau này, thông qua đọc và học, tôi mới phát hiện ra: Thực ra, tính cách hướng nội không phải là tật xấu gì, và bạn cũng không cần phải thay đổi.

Người hướng nội như tôi và bạn, ngoài thời gian ở công ty với đồng nghiệp ra thì cuối tuần chỉ muốn nằm nhà đọc sách, xem phim, không muốn ra ngoài. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta bị cô lập, sợ hãi xã hội, hay ghét nói chuyện với người khác, mà ở một mình chỉ đơn giản là một phương thức giúp người hướng nội "sạc pin" lại cho bản thân mà thôi.

Không giống với người hướng ngoại, họ nạp năng lượng thông qua tiếp xúc với mọi người, người hướng nội có khuynh hướng tập trung nhiều hơn vào thế giới nội tâm, họ phục hồi tinh thần và cảm giác thoải mái thông qua sự yên tĩnh và suy nghĩ bên trong.

Giống như tác giả Susan Horowitz Cain trong cuốn "Quiet: The Power of Introverts in a World That Can’t Stop Talking" có nói: tính cách hướng nội, cũng là một loại ưu thế.

Nói thật lòng là tôi rất sợ những người hướng nội - Ảnh 1.

01

Thích ở một mình, tận hưởng khoảng thời gian ở một mình

Có một MC từng nói rằng: "Tôi là một người hướng nội, trừ phi ở cạnh những người bạn vô cùng thân thiết ra, tôi sẽ cảm thấy thoải mái và tự tại hơn khi ở một mình."

Người hướng nội, khi ở một mình thực ra họ không cô đơn. Họ có một không gian độc lập và tự do, bất kể người khác nhìn nhận điều này như thế nào, họ sẽ chỉ nghe theo trái tim của chính mình, làm những gì họ muốn làm và đi sâu vào những lĩnh vực họ hứng thú.

Họ có thói quen ở một mình, họ giỏi ở một mình và họ lấy năng lượng từ việc đó.

Audrey Hepburn (biểu tượng của điện ảnh và thời trang trong thời Hoàng kim của Hollywood, bà xếp ở vị trí thứ 3 trong danh sách những huyền thoại vĩ đại nhất lịch sử chiếu bóng Hoa Kỳ do Viện phim Mỹ bình chọn và được vinh danh tại Đại lộ Danh vọng Hollywood) là một người hướng nội, bà thích đi dạo với chú chó của mình, thích ngắm cây cảnh, hoa lá, không gian thiên nhiên… Dù cho chúng ta luôn cho rằng minh tinh thì thường thích ánh đèn sân khấu và những tiếng vỗ tay ca ngợi mình hơn.

Lại giống như Albert Einstein, ông từ chối lời mời trở thành tổng thống Do Thái, không cần tới công danh lợi lộc, chỉ hi vọng có thể đắm chìm trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu, cảm giác được bao quanh bởi hàng ngàn dụng cụ thí nghiệm khiến ông cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều. Một người tự tại vùng vẫy trong đại dương tri thức, không có ai làm phiền, điều đó càng hạnh phúc hơn.

Lựa chọn của họ đều hợp lý, và chẳng có gì đáng để chỉ trích: họ chỉ là đang lựa chọn một phương thức sống mà họ cảm thấy thoải mái, nơi mà họ có thể là chính mình.

Ngược lại, thực ra rất nhiều người trong chúng ta đều không biết cách hòa hợp với chính mình, đặc biệt là sau khi đã quen với sự hối hả và nhộn nhịp nơi thành thị và mạng xã hội. Ngay cả khi bạn là người hướng ngoại, bạn cũng nên dành nhiều thời gian cho chính bản thân mình nhiều hơn.

Ở trong trạng thái an tĩnh, chúng ta có thể nhìn rõ mình hơn, đối mặt với nội tâm chân thực của mình, mỗi tuần dù chỉ có 1 tiếng đồng hồ, chỉ cần có thể tĩnh lại làm một việc gì đó, trầm lại để suy nghĩ, đều có thể giúp chúng ta lấy lại hứng thú với cuộc sống, hay giúp chúng ta tạo ra được những thành tựu mới mẻ hơn mà chúng ta trước kia có thể không biết tới.

Nói thật lòng là tôi rất sợ những người hướng nội - Ảnh 2.

02

Chuyên tâm, chăm chú, càng dễ thành công

Tác giả Susan Horowitz Cain nói, hướng nội, khiến người ta tập trung hơn, giỏi nghiên cứu và đạt được thành công hơn.

Chẳng hạn như tỷ phú Bill Gates.

Trong bộ phim tài liệu "Inside Bill's Brain: Decoding Bill Gates" có một phân đoạn như này: ở Seattle, Washington, Bill khi đó mới 7 tuổi đã khiến mẹ vô cùng tức giận. Không phải vì ông nghịch ngợm, mà là bởi ông luôn không xuống dưới nhà ăn cơm, cũng không hứng thú với chuyện xã giao. Cả ngày ông chỉ ở lì trong phòng đọc cuốn "Bách khoa toàn thư thế giới", cuốn sách nặng gần bằng 1/3 trọng lượng cơ thể của ông, cứ ngồi đọc là sẽ ngồi lì vài tiếng đồng hồ.

Mẹ của Bill vừa tức giận vừa lo lắng, chỉ còn cách đưa con đi bác sỹ tâm lý. Cuối cùng, bác sỹ tâm lý đưa ra lời khuyên: tốt nhất là chị không nên can thiệp hay cấm cản cháu bé.

Hướng nội không phải vấn đề tâm lý, người hướng nội chẳng qua là họ có thể chú tâm hơn vào việc mà họ yêu thích hơn thôi.

Họ có thể thoát ra khỏi sự phiền nhiễu từ bên ngoài, chuyên tâm vào một việc, mà không cảm thấy khó chịu hay nhàm chán. Sau khi bớt đi được những mối quan hệ xã giao dư thừa, họ ngược lại có thể tư duy sâu sắc và nghiên cứu rộng hơn, chuyên tâm vào những chi tiết hay bị người khác bỏ quên, chuyên tâm vào bản chất đằng sau các hiện trạng.

Càng hướng nội, càng có thể chuyên tâm, người có thể tịnh tâm lại nghiên cứu, thường là những người rất lợi hại.

Ngoài Bill Gates, người đồng sáng lập Apple Inc. với Steve Jobs và Ronald Wayne, Stephen Gary "Steve" Wozniak cũng là người như vậy. Ông có tính cách hướng nội, và một nền tảng kỹ thuật tuyệt vời, ông thích tự mình nghĩ ra một ý tưởng nào đó, rồi ngồi một mình trong một căn phòng yên tĩnh để nghiên cứu và quan sát, ông tập trung hơn đến phát triển công nghệ và phát triển sản phẩm, còn công việc xã giao và đối ngoại chủ yếu được trao cho Jobs.

Thậm chí không ngoa khi nói rằng những sản phẩm của Apple mà mọi người sử dụng hiện tại, ở một mức độ nào đó đều là nhờ vào tính cách hướng nội của Woz.

Vì vậy, khi phát huy tới cực hạn ưu thế của tính cách hướng nội, chuyên tâm cho một lĩnh vực, bạn cũng hoàn toàn có thể tạo ra những thành tựu phi phàm.

Nói thật lòng là tôi rất sợ những người hướng nội - Ảnh 3.

03

Tinh tế và đồng cảm với người khác nhiều hơn

Người hướng nội tuy trầm mặc, không thích nói chuyện, nhưng họ lại là những người biết lắng nghe và biết đồng cảm tuyệt vời nhất.

Họa sĩ nổi tiếng Vincent Willem van Gogh cũng là một người hướng nội. Trên mạng có một câu hỏi rằng, rốt cuộc thì tranh của Van Gogh đẹp ở chỗ nào, có người đáp rằng tranh của Van Gogh rất có "thần thái" và cũng rất nặng "cảm xúc".

Đây đồng thời cũng là biểu hiện của người có nội tâm phong phú. Dù cách tới cả trăm năm, những chúng ta vẫn có thể cảm nhận được nhiệt huyết bên trong của ông.

Người hướng nội, ngoài miệng im lìm, nhưng nội tâm lại luôn phát sáng. Họ thích im lặng, rồi trưởng thành từ trong sự im lặng đó.

Van Gogh biến sự im lặng thành những nét vẽ và màu sắc, lan tỏa và sinh động trên mỗi trang giấy. Trong lòng ông chất chứa một ngọn lửa, chỉ có điều ông có thể không biết diễn đạt nó bằng lời, ông lựa chọn cách sống nội tâm, nhưng điều đó không có nghĩa là ông không biểu đạt.

Điều đáng ngưỡng mộ hơn là mặc dù bị người khác ghét bỏ, cuộc sống cũng vô cùng ngột ngạt, chẳng hơn ai, nhưng trong ông vẫn luôn tồn tại lòng trắc ẩn, và sự cảm thông với người khác, và nó được thể hiện rất rõ nét qua kiệt tác sơn dầu "Những người ăn khoai tây" của ông, trong ánh sáng mờ nhạt, căn phòng cũ kĩ, những người ăn khoai tây dưới ánh đèn với tới chiếc đĩa đựng thức ăn bằng chính đôi tay đã đào đất của mình, họ tự kiếm thức ăn cho chính mình. Đưa sự đồng cảm và tôn trọng vào các bức tranh của mình, đó cũng là một trong những lý do khiến tranh của Van Gogh được thế hệ tương lai vô cùng ca ngợi.

Bạn thấy đấy, người hướng nội không hề vô cảm. Cảm xúc của họ có thể tinh tế hơn hầu hết mọi người, và họ cũng vô cùng để ý tới cảm xúc của người khác.

Nhiều nhà văn và nghệ sĩ biến những cảm xúc mà họ quan sát và cảm nhận được trong sự yên tĩnh thành chữ viết và hình ảnh để truyền tải vẻ đẹp và lòng tốt đến thế giới. Mặc dù không nói ra lời, những ở người hướng nội, vẫn toát ra sức mạnh đáng kinh ngạc.

Nói thật lòng là tôi rất sợ những người hướng nội - Ảnh 4.

04

Người hướng nội, nếu tìm thấy đúng vị trí, họ có thể làm tốt hơn

Đối với nhiều người hướng nội, nếu bạn còn đang phân vân liệu có nên ép mình thay đổi để trở thành một người hướng ngoại không, thì tôi khuyên bạn nên là chính mình.

Không cần phải mưu đồ thay đổi tính cách hướng nội của mình, càng đi ngược lại với con người thật, với cái vốn có của mình, bạn sẽ càng không vui vẻ.

Chúng ta biết rằng người hướng nội có rất nhiều ưu thế, không giỏi xã giao thực ra cũng là một điểm hấp dẫn. Không có sự vượt trội hay thấp kém giữa người hướng nội hay hướng ngoại, đó chỉ đơn giản là tính cách khác nhau, và họ chỉ là đang dùng những phương thức riêng để khám phá và cảm nhận cuộc sống mà thôi.

Vì vậy, đối với người hướng nội, chấp nhận bản thân mình, đồng thời phát hiện ra ưu thế, tìm ra vị trí thích hợp với mình, đây mới là điều quan trọng.

Giống như nhân vật Chris trong bộ phim "The Pursuit of Happyness" (Tựa việt: "Mưu cầu hạnh phúc"), ban đầu anh là nhân viên bán thiết bị y tế, mỗi ngày anh đều rất chăm chỉ, 5h25 phút ngủ dậy, gọi không biết bao nhiêu cuộc điện thoại, gặp không biết bao nhiêu bác sỹ, nói không biết bao nhiêu lời, nhưng cả tháng trời cũng không bán được sản phẩm nào.

Cho tới một ngày, khi đang đi tiếp thị hàng, anh tình cờ gặp được một người đàn ông trong bộ âu phục bước xuống từ trên một chiếc xe. Chris đã chạy lên phía trước và hỏi: Anh làm gì vậy? Anh làm thế nào vậy? Có phải tốt nghiệp đại học mới làm được môi giới chứng khoán hay không?

Đối phương trả lời: "Không cần, chỉ cần anh thành thạo các con số và biết đối nhân xử thế là được."

Khi đó, Chris bỗng nhận ra: mình bán mãi không được sản phẩm nào, có thể là vì mình hoàn toàn không giỏi tiếp thị.

Nhưng, không phải là từ khi còn nhỏ, mình đã có khả năng logic và toán học, bản thân thậm chí còn có thể học hết sách giáo khoa toán trong một tuần rồi ư?

Vì vậy, anh quyết định thay đổi nghề nghiệp của mình, chuyển sang làm một chuyên gia đầu tư. Cuối cùng, chúng ta biết rằng, Chris đã trở thành một nhà môi giới chứng khoán, và sau đó là có công ty riêng của mình rồi trở thành một triệu phú.

Đây hoàn toàn không phải một câu chuyện hư cấu mà là trải nghiệm thực tế của một nhân vật có thực trong cuộc sống.

Vì vậy, đối với người hướng nội mà nói, muốn hạnh phúc tới gõ cửa nhà bạn, điều mấu chốt là bạn phải tự nhìn nhận ra được điểm đặc biệt trong tính cách hướng nội đồng thời vận dụng nó một cách linh hoạt, tìm một ngành nghề hợp với mình rồi chuyên tâm cho nó, đây chính là thách thức lớn nhất đối với mỗi người hướng nội.

Còn nếu bạn cứ nhất quyết muốn gia nhập vào cuộc sống và công việc của những người hướng ngoại, rõ ràng tính cách hướng nội, nhưng nhất quyết đòi làm nhân viên sale hay tiếp thị, càng làm việc không thích hợp với mình, bạn sẽ càng không tìm được niềm vui trong cả công việc và cuộc sống. Nói không ngoa thì đó chính là một trong những phương pháp hủy hoại một người nhanh nhất.

Tìm thấy vị trí thích hợp, đặt bản thân dưới ánh hào quang thích hợp, như vậy thì càng nỗ lực mới càng phát sáng.

Cuối cùng, hi vọng mỗi một người hướng nội đừng coi thường bản thân. Khi bạn chấp nhận được bản thân, sống là chính mình, thì ưu thế, năng lực, thành tựu cũng sẽ dần dần được hiện ra.

Mỗi một người hướng nội, đều có thể thông qua phương thức tĩnh lặng của riêng mình để thay đổi bản thân, thay đổi thế giới từ đó nhận lại vô số ánh hào quang.