Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nối tiếp tinh thần đại thắng mùa xuân 1975

Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã để lại cho đất nước một dấu ấn lịch sử chói lọi. Đó là chiến thắng của chính nghĩa, của lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, là sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Dấu ấn đó mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của những người lính Cụ Hồ, những nhân chứng lịch sử, những người đã và đang tiếp nối truyền thống cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập 30/4/1975.       Ảnh: TL

 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta diễn ra trong vòng gần 2 tháng (58 ngày đêm, từ 4/3/1975, ta mở Chiến dịch Tây Nguyên đến 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng),  với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm”, gồm 3 đòn tiến công chiến lược lớn: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau thắng lợi của Chiến dịch Tây nguyên và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị khẳng định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam”.  Từ đó quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trận quyết chiến lược diễn ra từ 26/4 đến 30/4/1975 đã giành toàn thắng, kết thúc vẻ vang  cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài hơn 117 năm của các thế lực thực dân đế quốc xâm lược, Tổ quốc ta được độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh và đã giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Xây dựng chế độ mới của dân, do dân và vì dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới và biển đảo quốc gia và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.

44 năm qua, tinh thần của Đại thắng mùa Xuân đã quy tụ lòng dân và tiếp thêm sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Sau 44 năm, từ hoang tàn đổ nát của chiến tranh, từ một đất nước đói nghèo lạc hậu vì chiến tranh kéo dài và hàng trăm năm bị chủ nghĩa thực dân đô hộ, Việt Nam đã sớm hồi sinh, vươn mình trỗi dậy và tìm ra con đường đi lên đúng đắn, làm nên những bước phát triển diệu kỳ, nhất là sau 32 năm đổi mới, từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thực hiện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến năm 2018, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 245 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 2.580 USD, khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam với các nước đã được thu hẹp đáng kể. Trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm xuống còn 14,8%; tỷ trọng các khu công nghiệp, dịch vụ tăng lên 85,2%. Đặc biệt, tỷ lệ người nghèo đã giảm mạnh, từ mức trên 60% vào những năm đầu đổi mới xuống dưới mức 7% hiện nay. Nền kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Nếu duy trì được đà tăng trưởng như 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - kỷ niệm mốc lịch sử 100 năm Việt Nam độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP của Việt Nam ước sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ USD, còn thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD.

Nhân dân Sài Gòn chào đón quân giải phóng vào giải phóng thành phố.     Ảnh: TL

 

Tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa, xã hội, y tế và công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực. Đầu tư của Nhà nước cho an sinh xã hội ngày càng tăng. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có bước phát triển. Bảo vệ tài nguyên môi trường được chú trọng hơn. Quốc phòng, an ninh được tăng cường theo hướng hiện đại; độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được giữ vững. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Việt Nam là một người bạn tin cậy với các nước trên thế giới vì hòa bình, ổn định và phát triển.

Phát huy niềm tự hào, truyền thống và giá trị lịch sử của Đại thắng  mùa Xuân 1975, mỗi người Việt Nam hôm nay cần ra sức xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa và quyết tâm giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kỷ niệm 30/4 là dịp để mỗi người dân ôn lại những năm tháng hào hùng của dân tộc, là dịp để mỗi người và mọi người, mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương…ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc.

Hơn 90 triệu người con Việt Nam nhất định sẽ làm tròn sứ mệnh đó như đã từng làm trong thế kỷ XX. Chúng ta quyết tâm làm theo di huấn của ông cha:

“Thái bình nên gắng sức

Non nước vững ngàn thu”.