Nhiều trẻ hiểu đơn giản về cái chết
Vấn nạn tự tử trong giới trẻ đang ngày càng trở nên đáng báo động khi thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em tự tử. Sáng 31/3, một nữ sinh lớp 8 ở thành phố Bắc Ninh được gia đình phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ tại phòng. Rạng sáng ngày 1/4, một nam sinh lớp 10 ở Hà Nội nhảy từ tầng 28 ngay trước mắt người thân. Ngày 4/4, một cậu bé lớp 8 ở Hà Ðông (Hà Nội) cũng bỏ mạng khi rơi từ tầng cao nhất của tòa nhà… Lý lo mà các em tìm đến cái chết thường là do các em buồn chán chuyện gia đình (bố mẹ bỏ nhau), áp lực học tập (cha mẹ kỳ vọng quá lớn vào con), thấy mình cô đơn, vô tích sự (chán ghét bản thân), ai rồi cũng phải chết (khi biến cố xảy ra mà bản thân không thể vượt qua)…
Mỗi tuần 2 lần, chị Thanh Hương phải đưa con gái 13 tuổi đến một trung tâm trị liệu tâm lý cho trẻ em ở Hà Nội. Chị cho biết, con gái chị từng có hành vi cứa tay để tự tử, may vết cứa chưa sâu và gia đình kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Lý do con đưa ra là chán học, không muốn sống. Trước đó, con hay có những câu hỏi như: “Sao con người cứ sinh ra rồi lại phải chết đi?”, “Thế giới đông dân thế, đẻ thêm người làm gì?”, “Nhiều người không học mà vẫn trở nên giàu có, sao lại phải đi học?”... Rồi con có biểu hiện sống khép mình, tự nhận bản thân bị trầm cảm, không muốn tới trường học và tìm đến cái chết. Cũng may, vợ chồng chị Hương đã nhận ra những bất ổn của con và đưa con gặp bác sĩ tâm lý. Sau 2 tháng trị liệu, con gái chị đã tiến bộ, đi học đều và dần vui vẻ trở lại.
Từ những câu chuyện “quyên sinh” của trẻ ở trên, bên cạnh những kì vọng thái quá, sự thiếu quan tâm, lắng nghe con trẻ, chúng ta còn nhận thấy sự thiếu sót của người lớn trong việc giáo dục trẻ em về cái chết. Nhận thức của trẻ chưa đầy đủ, lại đang trong giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì, các em cho rằng cái chết là lối thoát duy nhất để trốn tránh mọi phiền phức, áp lực.
Thực tế cho thấy, ở cả gia đình và trường học, người lớn chưa có sự chuẩn bị và giáo dục cho trẻ hiểu rõ về cái chết. Ða số các bậc cha mẹ có xu hướng dè dặt, thiếu cởi mở khi con trẻ băn khoăn hỏi về cái chết. Thực trạng này do ảnh hưởng của phong tục tập quán lâu đời, định kiến cho rằng nhắc đến cái chết là điềm gở. Bên cạnh đó, với những thế hệ cha mẹ từng sống qua thời đoạn chiến tranh, cái chết thường dễ gợi lại sự mất mát, đau thương nên mọi người né tránh.
Giúp con hiểu về cái chết và sự sống
Ngày nay, nhiều phụ huynh nhận ra việc giáo dục về cái chết có tầm quan trọng không kém giáo dục giới tính đối với trẻ, nên đã cùng con trao đổi về cái chết - sự sống, giúp con hiểu được một cách lành mạnh, theo quy luật tự nhiên để các bạn trẻ biết trân quý bản thân và yêu cuộc sống hơn.
Ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo là những người gần gũi con nhất có thể giúp con tiếp cận, thấu hiểu chủ đề thiết thực này thông qua cách thức sau:
Thành thật với con trẻ về cái chết: Không nên nói dối trẻ, bởi trẻ sẽ sớm buộc phải tiếp nhận quy luật tự nhiên này. Việc trò chuyện chân thành sẽ mang đến cho trẻ cơ hội được đối diện với các cảm xúc thực của bản thân khi bàn tới cái chết.
Dùng từ ngữ phù hợp với lứa tuổi: Nên chọn từ ngữ nói về cái chết phù hợp khả năng nhận thức của trẻ. Người lớn nên giải thích ngắn gọn, khách quan, phù hợp với năng lực nhận biết của trẻ ở từng lứa tuổi khác nhau.
Không giấu diếm và bày tỏ sự e sợ về cái chết: Thái độ của người lớn về cái chết có ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ. Nếu cha mẹ bộc lộ thái độ xa lánh, sợ hãi, trẻ sẽ bị ảnh hưởng và mang theo cảm xúc tiêu cực ấy trong suốt quãng đời còn lại.
Cùng trẻ đọc những cuốn sách có chủ đề về cái chết: Nếu cảm thấy khó mở lời, cha mẹ có thể mua những cuốn sách gợi mở hiểu biết về cái chết để cùng đọc với trẻ, như: “Khóc, buồn, nhưng không bao giờ gục ngã”, “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, “Những bí mật trẻ em cần biết - Cuốn sách nhỏ về cái chết”, “Ðiểm đến của cuộc đời”, “Bàn về sinh tử”, “Oscar và bà áo hồng”, “Cá hồi”, “Bố con cá gai”, “Hoàng tử bé”. Quá trình đọc sách nên diễn ra tự nhiên, nhẹ nhàng và không nên ép buộc trẻ. Cha mẹ có thể tìm đọc trước các tác phẩm để sàng lọc xem cuốn sách nào phù hợp với đặc điểm tính cách của con nhất.
Cho con cùng dự nghi thức tang lễ: Việc cho con cùng dự nghi thức tang lễ sẽ giúp con làm quen dần với bầu không khí thiêng liêng trong quá trình tiễn đưa người quá cố. Trải nghiệm thực tế này sẽ mang đến cho trẻ những ấn tượng rõ ràng, cụ thể về cái chết. Qua đó, phần nào trẻ có thể hiểu được cái chết là con đường một chiều, có đi không trở lại và hoàn toàn không phải là lối thoát hay cách giải quyết áp lực, khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần dựa vào tâm tính của trẻ để quyết định xem khi nào là thời điểm thích hợp để trẻ tham dự.
Không lảng tránh các câu hỏi và cảm xúc của trẻ: Khi con hỏi về những điều xung quanh cái chết, cha mẹ nên trả lời trẻ rõ ràng, tỉ mỉ, không nên né tránh bởi trẻ sẽ cảm thấy lo lắng trước sự né tránh của cha mẹ. Trong quá trình trẻ đặt câu hỏi, nếu có những câu quá cặn kẽ thì cha mẹ có thể thừa nhận bản thân không biết. Nếu trẻ cảm thấy buồn bã, bị chấn động sau khi trò chuyện về cái chết thì cha mẹ nên dành cho trẻ thời gian để thăng bằng cảm xúc trở lại.
Chia sẻ với con những kế hoạch, dự định tốt đẹp trong cuộc sống: Ðây là cách tốt nhất để cha mẹ làm gương cho con thấy rằng ai cũng có một sinh mệnh hữu hạn. Sử dụng sinh mệnh một cách sáng suốt sẽ giúp cho mọi người được sống trọn vẹn, không cần phải mang theo quá nhiều mối bận tâm trước khi chết. Ðây cũng là cách để cha mẹ lắng nghe dự định trong cuộc sống của con. Bởi nếu trẻ hào hứng chia sẻ các kế hoạch tương lai thì nguy cơ trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc có ý định tự tử sẽ thấp hơn.
Trò chuyện về người đã khuất trong những buổi họp mặt gia đình là cách để trẻ hiểu được người chết không đáng sợ mà vẫn hiện hữu trong các câu chuyện thường ngày. Thời điểm thích hợp nhất để cha mẹ trò chuyện với con về người thân đã khuất sẽ là các ngày giỗ, lễ.