Hậu quả khi mang thai ngoài ý muốn
TS. BS Ðỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khoẻ Vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: Vị thành niên là những trẻ từ 10 đến 19 tuổi. Vào thời điểm này, trẻ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản, nhu cầu tình dục xuất hiện và chưa đủ kỹ năng để kiểm soát ham muốn tình dục. Cùng với sự thiếu hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế thụ thai, các biện pháp tránh thai; Quan hệ tình dục không chuẩn bị, không mong muốn; Quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống thử trước hôn nhân. Ðồng thời, trẻ thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính, cha mẹ còn hời hợt về việc giáo dục cho con em… Dẫn đến nguy cơ mang thai ngoài ý muốn rất cao và để lại nhiều hệ lụy trong tương lai.
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), mỗi năm có khoảng 16 triệu trẻ em gái từ 15 - 19 tuổi sinh con, cứ 10 trẻ vị thành niên thuộc nhóm này thì có 9 em đã lập gia đình. Các biến chứng khi mang thai và khi sinh là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ với các em gái tuổi 15 - 19 ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Còn theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, tỷ lệ mang thai tuổi vị thành niên năm 2020 là 2,39%; 2021: 4,40%; 2022: 4,33%. Riêng khu vực Tây Nguyên năm 2020: 4,72%; năm 2021: 4,98%; năm 2022: 5,62%.
Mang thai ở tuổi vị thành niên rút ngắn cơ hội học hành của các bé gái, đánh mất và hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống. Ða số các trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên là ngoài ý muốn. Vì không mong đợi nên việc mang thai gây nhiều ảnh hưởng và xáo trộn tới cuộc sống và sức khỏe của trẻ. Việc quyết định tiếp tục giữ hay chấm dứt mang thai là một quyết định khó khăn đối với các em vẫn đang tuổi đi học.
Theo các chuyên gia sức khỏe sinh sản, mang thai ở tuổi vị thành niên dễ dẫn đến các biến chứng trong quá trình thai nghén như dễ bị sảy thai, đẻ non, nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ tử vong mẹ. Tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong của trẻ sơ sinh ở người mẹ nhỏ tuổi cao hơn nhiều so với các bà mẹ ở tuổi trưởng thành. Làm mẹ sớm khiến cho trẻ vị thành niên dễ bị căng thẳng, khủng hoảng tâm lý, bị phân biệt đối xử và sống trong điều kiện kinh tế thiếu thốn do chưa làm ra tiền.
Những trẻ vị thành niên nếu kết hôn vì mang thai ngoài ý muốn cũng rất khó có được hạnh phúc gia đình viên mãn, tỷ lệ ly hôn ở những cặp đôi vị thành niên khá cao.
Tóm lại, mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, cuộc sống, tương lai của trẻ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số và toàn xã hội.
Hãy nói với trẻ về quan hệ tình dục an toàn
Giới tính luôn là một chủ đề nhạy cảm trong các gia đình Việt Nam, đa số các ông bố, bà mẹ đều ngại khi nhắc đến vấn đề này. Trẻ em tuổi vị thành niên thường tìm hiểu về quan hệ tình dục và cách phòng tránh thai từ “bác sĩ Google”, qua sách báo, phim người lớn và từ kinh nghiệm của bạn bè. Tuy nhiên, có quá nhiều thông tin khác nhau về vấn đề này khiến cho trẻ bị bối rối. Có bé gái mới lớp 10, 11 đã mang thai ngoài ý muốn do áp dụng các biện pháp tránh thai sai cách. Có em lớp 8, lớp 9 đã mắc bệnh phụ khoa do quan hệ tình dục không lành mạnh.
Do đó, khi có con trong độ tuổi vị thành niên, cha mẹ nên quan tâm đến con nhiều hơn, hãy dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với con, cho con những định hướng đúng đắn về tình cảm.
Cha mẹ và nhà trường cần phối hợp để trang bị cho các em những kiến thức về sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn, tránh được những sai lầm đáng tiếc.
Hãy cho con biết rằng, bạn sẵn lòng nói chuyện với trẻ về tình yêu và tình dục. Trẻ có thể tìm đến bạn bất cứ lúc nào để tìm sự ủng hộ và giúp đỡ. Hhi trẻ tâm sự với bạn, hãy cố gắng đừng phán xét. Bạn cần phải làm sao cho con tin tưởng, không cảm thấy xấu hổ khi nói “chuyện đó” với cha mẹ.
Bên cạnh đó, cần hướng dẫn trẻ các biện pháp tránh thai an toàn và phù hợp như sử dụng bao cao su, dùng thuốc tránh thai, cấy que tránh thai, dùng miếng dán tránh thai… để hạn chế tình trạng mang thai, phá thai tuổi vị thành niên và ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ðặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Từ đó, giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khoẻ sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.
Nếu không nói chuyện trực tiếp với con, cha mẹ hãy khuyến khích con tìm hiểu về tình dục an toàn, cho trẻ tham gia các lớp giáo dục giới tính.