Mấy ngày qua dư luận xã hội xôn xao về quyết định xử phạt hành chính của Đoàn thanh tra chuyên ngành Sở Thông tin-Truyền thông An Giang về hành vi vi phạm các qui định trong lĩnh vực Internet đối với vợ chồng cô giáo Lê Thị Thùy Trang và chồng là ông Nguyễn Huy Phúc với mức xử phạt là 5 triệu đồng.
Dư luận đang băn khoăn rằng, ông Chủ tịch tỉnh không chỉ đạo thuộc cấp xử lý hành chính những vị “nói xấu ông trên mạng” liệu có phải cấp dưới vì quá “sốt sắng” bảo vệ uy tín cho cấp trên mà quá vội vàng dẫn đến cẩu thả trong việc áp dụng pháp luật xử phạt vi phạm hành chính?
Phân tích rõ hơn về các văn bản được cơ quan chức năng ngành Thông tin – Truyền thông tỉnh An Giang đưa ra, Luật sư Nguyễn Đăng Quang (Văn phòng Luật sư Đăng Quang và Cộng sự) phân tích: “Biên bản vi phạm hành chính ghi bà Lê Thị Thùy Trang vi phạm điều 5, khoản 1, điểm g Nghị định số 72/2013 NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Quyết định xử phạt hành chính số 09/QĐ-XPHC ngày 16/10/2015 căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 1/7/2013?1 (thực tế không có luật này) và áp dụng điểm g, khoản 3 điều 66 Nghị định 174/2013 NĐ-CP ngày 13/11/2013”.
Luật sư Đăng Quang phân tích rõ hơn: Căn cứ biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính của đoàn thanh tra thấy biên bản nêu “hành vi vi phạm là vi phạm qui định về quản lý, sử dụng dịch vụ internet và thông tin mạng”. Nhưng quyết định xử phạt hành chính thì lại xử về hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ sử dụng thông tin số”. Vậy hành vi đăng tải lên Facebook, like, câu like có phải là sử dụng thông tin số? Nếu hành vi đăng trên trang cá nhân Facebook là sử dụng thông tin số thì qui định ở đâu? Nếu không thì phải giám định xem cô giáo Trang có sử dụng thông tin số để đăng tải bình luận: “Ông chủ tịch này có cái mặt kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các đời chủ tịch”.
Đây là ý kiến nhận xét cá nhân của một công dân trong tỉnh đối với người đứng đầu cơ quan Hành chính nhà nước của tỉnh mình. Nhận xét này mang tính cảm nhận chủ quan của cá nhân bà Trang đối với ông Chủ tịch chứ không phải với cá nhân ông Vương Bình Thạnh. Cảm nhận này không mang thông tin đe dọa, quấy rối, xuyên tạc hay xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân ông Chủ tịch cũng như cá nhân ông Vương Bình Thạnh.
Theo đó, nó không gây hậu quả làm mất uy tín, danh dự cá nhân ai cả. Vậy hành vi đăng tải nội dung trên không có lỗi nên không cấu thành hành vi vi phạm hành chính, nhất là hành vi sử dụng thông tin tần số. “Mặt kênh kiệu, xa dân nhất”… chỉ là cảm nhận mơ hồ không cân đo, đong đếm được và chưa có qui định trong văn bản qui phạm pháp luật nào cả.
Thông tin xử lý vụ việc được đăng tải trên cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang
Đoàn thanh tra xử phạt 5 triệu đồng có quá thẩm quyền?
Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính qui định thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ được xử phạt đến 500.000 đồng.
Đối chiếu với các qui định của pháp luật, vợ chồng cô giáo Trang nếu thấy bị oan và không đồng đồng ý với quyết định xử phạt hành chính của Đoàn thanh tra Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh An Giang thì có quyền khiếu nại đến Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh An Giang hoặc có quyền khởi kiện quyết định xử phạt hành chính của đoàn thanh tra chuyên ngành. “Chúng tôi tin rằng, các luật sư đồng nghiệp sẽ sẵn sàng đồng hành cùng vợ chồng cô giáo Trang trong việc tìm kiếm lẽ phải” – Luật sư Đăng Quang nói.