Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nóng chuyện nữ sinh đánh nhau: Làm gì để ngăn chặn?

Liên tiếp các vụ nữ sinh đánh nhau tại Thừa Thiên Huế thời gian qua đã dấy lên những lo ngại về bạo lực học đường.

Hai học sinh Trường THCS Lộc Thủy (Phú Lộc) đánh nhau đến chảy máu đầu chỉ vì không mua nước cho bạn.

Hai học sinh Trường THCS Lộc Thủy (Phú Lộc) đánh nhau đến chảy máu đầu chỉ vì không mua nước cho bạn.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn chưa đầy 1 tháng, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra liên tiếp 3 vụ việc học sinh đánh nhau.

Gần đây nhất vào ngày 14/9 do mâu thuẫn nhỏ không mua nước cho bạn, em T.T.H.L bị bạn H.T.L.A (cả 2 là học sinh lớp 8/4, Trường THCS Lộc Thuỷ, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) đánh vào đầu dẫn đến chảy máu phải đến bệnh viện để thăm khám.

Hay vào ngày 9/9, 2 nữ học sinh Trường THCS Phong Sơn (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) hẹn nhau đến đoạn đường liên thôn phía sau trường đánh nhau vì xích mích.

Đáng nói, khi 2 nữ sinh này đánh nhau, thay vì can ngăn, 21 học sinh của THCS Phong Sơn chỉ đứng xem, trong đó 3 học sinh dùng điện thoại quay video.

Theo lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, mặc dù trong thời gian qua sở đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp nhưng tình trạng bạo lực học đường vẫn tái diễn, nhất là các vụ việc xảy ra vào đầu năm học 2022 - 2023 với đối tượng chủ yếu là các học sinh nữ cấp trung học cơ sở.

Tại cuộc họp khẩn của ngành giáo dục Thừa Thiên Huế mới đây, các ý kiến thống nhất cho rằng, nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường chủ yếu nằm ở khâu phòng ngừa. Cụ thể, do công tác nhận định tình hình chưa nhanh nhạy, việc nắm bắt thông tin, dư luận trong học sinh chưa kịp thời, vụ việc còn chậm được phát hiện, khiến những mâu thuẫn giữa học sinh với học sinh không được can thiệp, can ngăn giải quyết.

Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng do ý thức của người học, đạo đức, lối sống, tâm lý của các em học sinh bị nhiều yếu tố tác động, ảnh hưởng, các em thiếu kĩ năng kiểm soát cảm xúc. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn đến từ công tác quản lý của nhà trường, gia đình và xã hội thiếu đi sự quan tâm thường xuyên.

Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GDĐT Thừa Thiên Huế cho biết, sở đã yêu cầu các cơ sở giáo dục thành lập ngay Ban phòng chống bạo lực học đường tại đơn vị do thủ trưởng cơ quan, đơn vị làm Trưởng ban. Thành viên là các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp, công an địa phương, đại diện cha mẹ học sinh.

Ngoài ra, nâng cao trách nhiệm giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh. Quan tâm các em học sinh yếu thế, học sinh chưa ngoan để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vụ bạo lực học đường bảo đảm công khai, nghiêm túc theo quy định của pháp luật.

Nói về giải pháp phòng chống bạo lực học đường khi năm học mới vừa bắt đầu, ông Tân cho biết: "Đầu tháng 10 chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị liên ngành, chủ trì là lãnh đạo ngành công an, giáo dục và đoàn thanh niên cùng các đơn vị liên quan để tăng cường công tác phối hợp 3 bên từ tỉnh đến huyện, xã. Từ đó, để luôn chủ động ngăn ngừa, cũng như giải quyết khi xảy ra các vụ việc".