Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nông dân, doanh nghiệp đều phấn khởi vì cao su tăng giá

Từ đầu năm 2017, giá cao su đã tăng gắp đôi so với những tháng cuối năm 2016 (từ khoảng 26 - 27 triệu đồng/tấn lên 50 triệu đồng/tấn) đem đến niềm vui, sự lạc quan cho hàng vạn nông dân trồng cao su tiểu điền và nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu cao su trong nước.

 

Tại các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, hiện loại mủ tạp nước khoảng 15.000 đồng - 17.000 đồng/kg, mủ đông từ 12.000 đồng - 14.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá cao nhất trong 3 năm trở lại đây. 

Theo nhiều nông dân trồng cao su ở xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai với mức giá bán cho đại lý thu mua khoảng 12.000 - 14.000 đồng/kg người trồng đã có lãi. Những hộ trồng nhiều sẽ có thu nhập cao, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với mức thu nhập 160.000 - 170.000 đồng/phần cạo/người. Nhiều nông dân trồng cao su tiểu điền đều bày tỏ, chỉ cần duy trì mức giá hiện tại nông dân đã có thể “sống được” từ cây cao su.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Phó Giám đốc nông trường cao su Thái Hiệp Thành cho biết: "Từ cuối tháng 1 đến nay, tinh thần làm việc của công nhân phấn khởi hơn hẳn. Giá tăng trở lại là điều kiện để cán bộ, công nhân viên nông trường hy vọng, tin tưởng mức thu nhập trong năm 2017 sẽ được cải thiện".
Cùng với vụ mùa kéo dài, giá tăng, việc tiêu thụ cao su tiểu điền của người dân cũng như các đại lý gom mủ cũng trở nên thuận lợi hơn.
Giá cao su tăng dẫn đến số lượng đơn vị thu mua cũng tăng. Ngoài đưa mủ về các xí nghiệp chế biến của Nhà nước, hiện nay do có nhiều nhà máy ép mủ cao su tư nhân ra đời đã giúp cho việc tiêu thụ mủ của tiểu điền trở nên thuận lợi hơn. Hiện đại lý anh Hà đang “cân” mủ cho khoảng 40 hộ trong ấp. Thời điểm cuối mùa thu hoạch như hiện tại, trung bình mỗi ngày, anh “cân” khoảng 1,5 tấn mủ. Khoảng 50% số mủ thu mua được, anh xuất bán trực tiếp cho nhà máy ép mủ, 50% anh “chờ” giá lên trong vài tháng nữa ở đầu mùa thu hoạch mủ năm 2017. 
“Ðã lâu lắm rồi người trồng cao su ở đây mới có lại sự hào hứng khi đi bán mủ. Nhiều lúc chở mủ đến, chưa kịp xuống xe họ đã vội hỏi người mua hôm nay giá có tăng nữa không? Không riêng nông dân, những người thu mua chúng tôi cũng rất phấn khởi với đà tăng của giá. Giá có tăng thì người nông dân mới gắn bó và chăm sóc cho cây cao su tốt hơn, quan tâm đến chất lượng mủ hơn… Mức giá hiện tại giúp người nông dân có thể sống tốt, có được khoản tích lũy. Chỉ cần sở hữu 1ha cao su 10 năm tuổi trở lên, thu nhập bình quân mỗi tháng trên 15 triệu đồng, đủ trang trải chi phí cho gia đình. Còn với những gia đình có từ 2 ha trở lên thì thu nhập là khá đáng kể”, anh Hà chia sẻ.

Công nhân khai thác mủ. Ảnh Lê An

Tin vui trong những ngày đầu năm là do tác động của thời tiết, cộng với giá bán ở mức cao nên vụ khai thác mủ cao su năm nay của nông dân và các nông trường ở vùng Đông Nam Bộ kéo dài hơn so với mọi năm. Theo đó, mọi năm, vụ khai thác mủ cao su tiểu điền thường kết thúc trước Tết Nguyên đán hoặc sau Tết khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, năm nay do mưa kéo dài làm quá trình thay lá của cây cao su diễn ra chậm hơn, cộng với giá bán đang ở mức cao nên thời gian khai thác lâu hơn khoảng 1 tháng, kéo dài sang tháng 3/2017.

Theo Bộ NN & PTNT, tháng 1/2017, khối lượng xuất khẩu cao su của cả nước đạt 102.000 tấn, với giá trị đạt 193 triệu USD, tăng 10,5% về khối lượng và tăng đến 84,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Theo đánh giá của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, năm 2017 tình hình giá mủ cao su có thể sáng sủa hơn 2016, nhưng vẫn chưa ổn định lâu dài. Dù chưa ổn định, nhưng đây là tín hiệu tích cực để nông dân duy trì và chăm sóc vườn cây, ổn định cuộc sống gia đình, để công nhân cao su yên tâm gắn bó với nghề, để các doanh nghiệp cao su vực dậy trở lại.