Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nốt trầm buồn giữa đại ngàn Trường Sơn

Những ông bố, bà mẹ trẻ, những căn nhà đơn sơ, lụp xụp. Những đứa trẻ mặt lấm lem bùn đất, không được chăm sóc kỹ, ốm nhơ, ốm nhách là những hình ảnh chúng tôi bắt gặp khi đặt chân tới xã Cư Pu (huyện Krông Bông, Đắk Lắk)

 

Con trẻ làm mẹ…trẻ con

Đi từ đầu thôn đến cuối thôn Ea Uôl (xã Cư Pui), đâu đâu cũng thấy hình ảnh mấy đứa trẻ chân đất, mặt mũi lem luốc trong manh áo cộc tụm 3 tụm 7 vui đùa. Ghé vào nhà Vợ chồng anh Dương Văn Dính (SN1982) và chị Vàng Thị Lù (SN 1982) mới thấy hết những vất vả của đôi Vợ chồng trẻ. Anh chị lấy nhau năm 1996 khi chỉ mới... 14 tuổi, đến nay đã có 7 mặt con. Ngày qua ngày, cả gia đình 9 người quây quần trong mái nhà tranh, vách nứa vỏn vẹn 20m2 đủ kê 2 cái giường và 1 góc bếp. Quanh năm sống nhờ vào 1 sào ruộng cùng đám rẫy nhỏ khai hoang ở xa mỗi năm cho 2 vụ ngô, dường như đủ ăn, đủ mặc đã là một kỳ tích với anh chị. Mặc dù không nhớ đúng tên và năm sinh của các con mình nhưng chị Vàng Thị Lù vẫn vui vẻ: “Nhà mình mới có được 1 thằng cu nên sẽ đẻ thêm vài đứa nữa cho trai gái bằng nhau. Ở đây gia đình mình là đang ít con đó, có nhà mười mấy đứa còn chưa có ý định dừng mà”.

Ít tuổi hơn gia đình hàng xóm, nhưng vợ chồng Thào Mi Páo (SN 1995) và Vừ Thị Sai (SN 1995) cũng có thành tích chẳng kém. Vì cưới nhau khi mới 15 tuổi, không được pháp luật công nhận nên khi đứa con trai đầu lòng chào đời, anh chị không thể nào đăng ký khai sinh cho con. Đến đứa thứ 2, anh chị làm liều khai man tuổi để được đăng ký kết hôn mà làm khai sinh cho các con.

Lấy chồng sớm, lo miếng cơm manh áo cho chồng con khiến Vũ Thị Song già hơn so với tuổi.

Tổ ấm của 2 vợ chồng Lò Văn Dũng (SN 1990) và Vũ Thị Song (SN 1992) được xây dựng từ năm 2010 nằm lọt thỏm giữa 4 quả đồi ở đội 2 thôn Ea Rớt. Đó là căn nhà nhỏ rộng khoảng 20 m2 được làm bằng gỗ, nền đất sét và mái được lợp bằng tôn cũ. Lấy nhau khi Song mới 15 tuổi, suốt ngày tất bật lo miếng cơm manh áo cho 2 đứa con đã khiến Song già đi so với tuổi.

Song tâm sự: “Bạn bè đồng tuổi mình đều lấy chồng sớm, giờ đứa nào cũng một nách vài đứa con. Đứa nào sinh được con trai thì đỡ, chứ toàn con gái thì khỏi phải làm gì, cứ ở nhà đẻ, chừng nào được con trai cho chồng thì thôi. Cực khổ lắm nhưng biết sao được, truyền thống xưa nay vốn vậy rồi”. Tiếng thở dài của Song khiến chúng tôi thêm buồn và tiếc cho tuổi thơ của những đứa trẻ nơi đây. Nghĩ đến việc những đứa trẻ hồn nhiên đang độ tuổi ăn chơi, cắp sách tới trường sớm muộn gì cũng phải bỏ dở để lo chuyện chồng con, thật đau lòng. Nhưng để thay đổi điều đó thì quá gian nan.

Nghèo vẫn cố kiếm con trai

Với quan niệm con cái phải cưới vợ, gả chồng sớm nên hầu hết các gia đình người Mông ở Cư Pui đều thúc giục các con của mình lập gia đình khi mới tí tuổi đầu. Mặc dù chính quyền xã đã nhiều lần vận động, tuyên truyền nhưng vẫn “lực bất tòng tâm”.

Chị Nguyễn Thị Ly, cán bộ chuyên trách dân số của xã cho biết, cuối tuần là chị cùng các cộng tác viên dân số xuống từng nhà để tuyên truyền nhưng giờ xem ra việc đó đã không còn tác dụng nữa. Bởi đa số người biết tiếng Kinh lại là người chồng rất gia trưởng, nên nói mãi, nói hoài cũng chẳng ăn thua gì. Ở thôn Ea Uôl có gia đình người Mông mới di cư ở Bắc vào. Dù đã có 7 đứa con gái nhưng vợ chồng đó vẫn tiếp tục sinh. Trò chuyện với họ tôi mới vỡ lẽ, do ông chồng muốn có con trai nối dõi nhưng ngoài Bắc sinh thêm con sẽ bị phạt 50kg thóc. Nhà nghèo không có tiền nộp phạt nên ông chồng quyết định đưa cả gia đình vào đây để “kiếm” cho được con trai. Chừng nào sinh được đích tôn lại về.

Câu chuyện của chị Ly nghe có vẻ buồn cười nhưng nó cho thấy thực trạng khó khăn mà xã Cư Pui đang đối mặt. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: “Kết hôn sớm là phong tục lâu đời của người Mông, nhiều trẻ không được làm khai sinh vì cha mẹ không có hôn thú. Cả xã có 415 trường hợp trẻ chưa được khai sinh, 233 trường hợp chưa đăng ký hết hôn, 19 cặp vợ chồng tảo hôn. Mặc dù cộng tác viên dân số được tăng cường mỗi thôn, buôn 2 người tập trung tuyên truyền chính sách dân số, thăm khám sức khỏe, tăng cường chỉ tiêu dụng cụ tránh thai nhưng vẫn khó khăn lắm, vì bà con không chịu nghe và áp dụng”.

Tảo hôn, vỡ kế hoạch hóa gia đình trong khi điều kiện kinh tế của các gia đình còn hết sức khó khăn là vấn đề nan giải của vùng đất này.