Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

NSND Lan Hương: "Tôi đã hết tài, lại kém duyên"

Do NSND Lan Hương làm trưởng đoàn, Đoàn kịch Thể nghiệm (Nhà hát Tuổi trẻ) đang đứng trước nguy cơ giải thể sau 10 năm gây dựng. Lý do thì có nhiều, nhưng theo NSND Lan Hương, phần lớn là do chị đã “hết tài, kém duyên”.

 

PV: Đã lâu, khán giả không thấy Đoàn kịch Thể nghiệm cho ra mắt vở mới?

NSND Lan Hương: Năm 2014, đoàn dựng vở “Một cõi đi về”, lấy một số ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn xâu chuỗi trong các tuyến kịch. Sơ duyệt xong, khán giả khen lắm và mong ngóng ngày vở ra mắt. Nhưng vì không có tiền, không xin được tiền tài trợ để làm trang trí, phông cảnh nên không ra vở được. Từ năm 2014, Bộ VH-TT&DL đã cắt ngân sách 100% cấp cho Đoàn kịch Thể nghiệm.

Ở Nhà hát Tuổi trẻ, chỉ riêng Đoàn kịch Thể nghiệm bị cắt kinh phí hay đó là tình trạng chung của Đoàn Kịch I, Kịch II, Đoàn Ca Múa Nhạc, thưa chị?

Năm ngoái, chưa một đoàn nào bị cắt cả, chỉ riêng Đoàn kịch Thể nghiệm bị như vậy. Vở ra mắt nhưng Giám đốc Trương Nhuận không biết lấy tiền ở đâu ra để nuôi đoàn. Tất cả đều quanh co tự lo, tự sống.

Bị cắt kinh phí, tiền tài trợ không xin được, đời sống của các diễn viên trong đoàn ra sao?

Trước khó khăn của đoàn, các diễn viên “đinh” đã ra đi gần hết trong vòng 2 năm. Hiện nay, đoàn chỉ còn lại 30 người gồm cả diễn viên và bộ phận kỹ thuật. Một số diễn viên trong biên chế thì ăn lương theo hệ số, 5-7 diễn viên hợp đồng thì may mắn nhà hát trả lương. Suốt từ năm ngoái đến nay, chúng tôi không có buổi diễn nào cả. Để có thêm thu nhập, một số diễn viên buộc phải chạy “sô” tại các lễ hội. Cuộc sống rất bấp bênh.

Nhưng ở đây lỗi một phần cũng do chị, người đứng đầu Đoàn kịch Thể nghiệm?

Tôi có nói với các em diễn viên lý do kịch hình thể bị xem nhẹ là do “cô không có tài, hết duyên. Cô không được yêu quý nên các con cũng bị thiệt”. Nếu tôi có lấy tư cách cá nhân của một nghệ sỹ nổi tiếng đi mời chào các doanh nghiệp, các đơn vị tài trợ cho hoạt động của đoàn thì cũng phải qua Ban Giám đốc nhà hát mới làm được. Nhưng cái này thì tôi thật sự bất tài. Nguồn thu từ việc bán vé cũng bị rút mất khi danh mục biểu diễn của nhà hát không có đoàn kịch hình thể.

Vở kịch thể nghiệm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” từng ra mắt vào năm 2013

 

10 năm tồn tại, kịch Thể nghiệm đã gặp khó khăn ngay từ thời gian đầu mới thành lập?

Lý do để đoàn kịch hình thể được thành lập là trước năm 2000, Bộ VH-TT&DL có chủ trương giải thể Nhà hát Tuổi trẻ, đưa đoàn kịch về Nhà hát Kịch Việt Nam, đưa đoàn ca múa nhạc về Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Ông Trần Tiến Thuật, Giám đốc cũ của Nhà hát Tuổi trẻ đi đâu cũng kêu gọi các nghệ sỹ khóa đầu tiên của nhà hát nên làm một cái gì mới mẻ để nhà hát có điểm khác biệt so với các nhà hát khác. Vì tình yêu với nhà hát, vì lời kêu gọi của giám đốc, tôi bắt tay vào làm kịch hình thể từ năm 2004. Bộ VH-TT&DL xuống xem, thấy thích quá nên mới ký quyết định cho đoàn thành lập. Trải qua các đời Giám đốc, từ thời ông Trần Tiến Thuật đến NSND Lê Hùng, dù không được quan tâm bằng các đoàn khác nhưng chưa bao giờ kịch Thể nghiệm lại khó khăn như hiện nay.

 Chị đã nghĩ đến việc sẽ giải thể Đoàn kịch Thể nghiệm?

Tôi đang cân nhắc giữa việc tồn tại hay không tồn tại, được và mất. Giám đốc Trương Nhuận nói, nếu khó quá thì nên giải thể đi. Nhưng nếu có giải thể thì tôi cũng sẽ mời Bộ VH-TT&DL đi xem, thẩm định và đưa ra quyết định cuối cùng, chứ không phải cứ âm thầm bảo thôi thì thôi.

Đấy là trường hợp xấu nhất, nếu tìm được một lối thoát, biết đâu mọi chuyện lại khác?

Nhiều người nói với tôi, Lan Hương nghỉ đi, người khác lên thay có khi đoàn lại sống được. Tôi ngẫm ra kể cũng đúng!

Xin cảm ơn NSND Lan Hương!