Đam mê ca hát ngay từ nhỏ, có chất giọng đẹp, năm 1968, khi vừa 16 tuổi, đang là học sinh lớp 10 B, trường cấp III Việt Ba, Tuấn Phong tham gia Hội thi tiếng hát giới trẻ thủ đô Hà Nội và đoạt huy chương bạc với ca khúc “Tiếng cồng giải phóng, tiếng cồng chiến thắng” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Từ thành công bước đầu ấy, khiến Tuấn Phong càng tự tin hơn vào giọng hát của mình và tích cực tham gia một cách say mê phong trào ca hát của giới trẻ học sinh, sinh viên thủ đô.
Năm 1972, Tuấn Phong đã quyết định cất tấm bằng tốt nghiệp Khoa sinh, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học quốc gia Hà Nội), để lựa chọn và thực sự dấn thân, gắn bó cuộc đời nình với nghiệp ca hát, trong biên chế của Đoàn ca múa Nhân dân miền Nam. Tuấn Phong được đón nhận không chỉ vì có giọng hát hội đủ tố chất của một ca sĩ hát đơn ca đầy triển vọng, mà còn bởi sự hăng hái nhiệt tình quyết tâm tình nguyện vào Nam phục vụ chiến trường, với tinh thần của cả một thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (Tố Hữu). Những năm tháng ấy, tiếng hát Tuấn Phong đã vang lên ở nhiều chiến trường ác liệt, góp phần động viên và làm say đắm, ấm lòng bao chiến sĩ qua những ca khúc cách mạng hào hùng hừng hực khí thế tiến công như: “Chào em cô gái Lam Hồng” ( NS Ánh Dương), “Tôi người lái xe” (NS An Chung), “Dáng đứng Việt Nam” (NS Nguyễn Chí Vũ, thơ Lê Anh Xuân), “Tổ quốc yêu thương” (NS Hồ Bắc), “Tiểu đoàn 307” (NS Nguyễn Hữu Trí)…
Bằng chất giọng nam cao, âm vực rộng, Tuấn Phong đã thể hiện rất thành công những ca khúc thuộc dòng nhạc thính phòng và bắt đầu tỏa sáng từ "Ba Đình nắng" của NS Bùi Công Kỳ.
Năm 1975, Tuấn Phong cùng với 50 diễn viên (trong đó có những ca sĩ danh tiếng: Quốc Hương, Quang Huy…) của Đoàn ca múa Nhân dân miền Nam, tiến về Sài Gòn. Ngay những ngày đầu giải phóng chàng trai 23 tuổi đất Hà thành đã nhanh chóng hòa nhập vào không khí trẻ trung, sôi động đầy phấn khích của giới trẻ học sinh, sinh viên Sài thành. Anh vừa hoạt động ca nhạc chuyên nghiệp vừa say mê, tích cực tham gia xây dựng phong trào ca hát nghiệp dư tại các trường đại học.
Anh không chỉ tham gia dàn dựng chương trình, chỉ huy dàn hợp xướng mà còn trực tiếp viết và đọc lời bình như một MC thực thụ. Nhiều tiết mục do anh và một số đồng nghiệp dàn dựng công phu, tạo được ấn tượng mạnh mẽ, đoạt giải cao tại Hội diễn ca, múa, nhạc TP. Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 1 năm ngày giải phóng miền Nam 30/4/1976. Đồng thời trong thời gian này, với giọng n giàu cảm xúc và một phong cách trình diễn thật tự tin, sang trọng ngay lần đầu tiên xuất hiện trên sóng truyền hình HTV, Tuấn Phong đã được tạo ấn tượng và sự chú ý với công chúng Sài Gòn, với ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của NS Phan Nhân. Đặc biệt qua ca khúc “Dấu chân phía trước” (NS Phạm Minh Tuấn, thơ Hồ Thi Ca), Tuấn Phong đã tỏa sáng, đoạt giải nhì tại Liên hoan ca, múa, nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1981 và tiếp tục gặt hái thành công với giải nhì tại cuộc thi Dòng nhạc thính phòng 1988.
Theo nhận xét của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, NSƯT Tuấn Phong là ca sĩ thể hiện thành công nhất ca khúc "Thuyền và biển".
Sau khi tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc, tại Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh vào năm 1984, Tuấn Phong được giữ lại làm giảng viên thanh nhạc cho tới nay, góp phần đào tạo nên bao thế hệ học trò thành danh trên con đường sự nghiệp ca hát. Vừa giảng dạy, vừa miệt mài tự tìm những ca khúc mới để khai thác thể nghiệm, thử thách và giới thiệu với công chúng, ở vị trí nào Tuấn Phong cũng là một người nghệ sĩ tận tụy và dâng hiến hết mình cho âm nhạc.
Anh được nhiều nhạc sĩ quý trọng và nhận xét là một trong những ca sĩ góp phần làm nổi tiếng những ca khúc mới lần đầu giới thiệu, đồng thời làm sống lại, mới thêm những ca khúc đã cũ. Đó chính là sự thành công của anh trong sự cảm nhận tác phẩm và sáng tạo phong cách thể hiện. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rất tâm đắc, xúc động khi được nghe Tuấn Phong thể hiện hàng loạt ca khúc của mình như: “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu”, “Tiếng thu”, “Tương tư chiều”, “Người ấy bâu giờ ở đâu”…Ông nói: “Tuấn Phong là ca sĩ thể hiện thành công nhất ca khúc Thuyền và biển của Xuân Quỳnh và tôi. Nếu nhạc sĩ Phạm Duy có ca sĩ Thái Thanh và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ca sĩ Khánh Ly, thì tôi có ca sĩ Tuấn Phong”.
Không chỉ đam mê âm nhạc, Tuấn Phong còn là một người rất mê văn học, đặc biệt là thi ca. Chính niềm đam mê, sự hiểu biết sâu sắc về âm nhạc và thi ca là sự cộng hưởng tạo nên cảm hứng để anh thăng hoa trong những ca khúc trữ tình, nhất là những ca khúc được phổ từ thơ. Đó là sự gặp gỡ và cơ duyên giữa anh và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vậy. Anh là ca sĩ luôn tìm tòi thể hiện những ca khúc khó để thấy mình được thử thách và để thỏa mãn niềm đam mê khám phá. Tiếng hát truyền cảm tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống của anh vẫn vang lên mạnh mẽ và chinh phục những khán giả yêu thích dòng nhạc thính phòng vốn khó tính, trên sóng phát thanh, truyền hình và những sân khấu ca nhạc thính phòng sang trọng. Đối với anh, được hát đó là niềm hạnh phúc vô giá của đời mình../