Chị Hồng giới thiệu sản phẩm của mình. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Vượt lên số phận
Chị Trịnh Thị Hồng, 50 tuổi, trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng, mồ côi cha mẹ từ khi nhỏ. Năm chị em chị Hồng lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia của bà con lối xóm nên chị ước mơ một ngày sẽ làm nhiều việc có ích để giúp đỡ cộng đồng, đặc biệt là những hộ nghèo.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, lại bị ung thư vú, nhưng chị vẫn cố gắng vượt lên số phận. Ban ngày chị đi làm công nhân ở xưởng may, tối chị tiếp tục đi học bổ trợ văn hóa. Chị cũng tích cực tham gia tốt các hoạt động của Hội phụ nữ tổ, phường.
Cơ duyên khởi nghiệp đến với chị vào năm 2012, khi được cử sang Philippines dự hội thảo phát triển cộng đồng nghèo châu Á. Tại đây, chị đã được nghe thuyết trình về những việc làm cải tiến giúp ích cho xã hội-cộng đồng. Chị ấn tượng nhất với phương pháp ủ rác thải thực vật để tạo ra những sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường.
“Mang ý tưởng trở về nước và nhận thấy trước mỗi nhà trong vùng đều để rất nhiều những thùng xốp đựng rác thải, tôi nghĩ nếu những rác thải này có thể tạo ra sản phẩm dùng được mà môi trường sống lại sạch sẽ hơn thì tốt biết mấy. Suy nghĩ ấy thúc giục tôi bắt tay vào thực hiện ngay”, chị Hồng tâm sự.
Dù nhiều lần thất bại, chị Hồng vẫn không hề bỏ cuộc mà tiếp tục rút kinh nghiệm để đi đến thành công. “Lúc đó, ai cũng nói mình bị khùng vì suốt ngày đi lượm rác về mày mò mà không biết là làm gì.” chị Hồng vui vẻ chia sẻ.
Sau 5 năm, bằng sự kiên trì, học hỏi, thành công đã mỉm cười với chị, sản phẩm nước rửa chén, lau nhà sinh học mang tên “Minh Hồng” ra đời.
Sau khi đã thành công tạo được sản phẩm nước rửa chén và nước lau nhà sinh học bằng cách ủ rác thải thực vật, chị Trịnh Thị Hồng đã chia sẻ “bí kíp” cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn cùng thực hiện.
Hiện nay, 126 chị em phụ nữ ở khu vực Hòa Minh và các vùng lân cận đã trở thành “cộng tác viên” của chị với thu nhập hằng tháng trung bình 3-5 triệu đồng.
Theo cách làm của chị Hồng, nguyên liệu chế biến rác thành dung dịch tẩy rửa gồm 3 kg rác thực vật (lá cây, rau, hoa, củ, quả...) rửa sạch, cắt ngắn khoảng 3 cm; 10 kg nước và 300 g đường tinh bột trộn đều và ủ trong thùng kín 30 ngày.
Kết thúc công đoạn này, sẽ thu được thứ dung dịch thô màu vàng, cứ 10 lít dung dịch sẽ cho ra được 2 lít thành phẩm qua quá trình lọc, chiết… Để tạo độ sánh, có bọt và mùi thơm, sản phẩm sẽ ủ thêm 45 ngày với các chế phẩm cà tím, tinh bột nghệ.
Theo chị Hồng, biến rác thải thành dung dịch tẩy, rửa rất hữu ích đối với mọi gia đình, vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt vừa lợi cho sức khỏe. Đặc biệt hơn, thông qua mô hình này, người dân chung tay thu gom rác thải qua đó làm môi trường sống sạch hơn.
Khởi nghiệp
Tháng 1/2016, chị Hồng quyết định tham gia vào quá trình ươm tạo khởi nghiệp của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng với mong muốn được đào tạo bài bản hơn, áp dụng công nghệ cao hơn vào quy trình sản xuất của mình. Sau 6 tháng ươm tạo, chị đã thành lập được doanh nghiệp riêng mang tên Minh Hồng cùng với những kế hoạch kinh doanh được đặt ra một cách cụ thể hơn.
Cũng trong tháng 9/2016 vừa qua, chị đã ký hợp đồng với siêu thị Intimex để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Chị Huỳnh Thị Lệ, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hòa Minh, đồng thời là “cộng tác viên” của chị Hồng chia sẻ: “Là người siêng năng, ham học hỏi, dù thất bại sau nhiều lần thử nghiệm nhưng chị ấy sẽ làm được. Bây giờ cả gia đình tôi đều dành giời gian rảnh rỗi để làm thêm và trung bình mỗi tháng tôi nhận được 4-5 triệu đồng".
Bên cạnh tham gia sản xuất, hằng tuần chị Hồng còn truyền nghề cho chị em phụ nữ trong phường và các vùng lân cận để nhân rộng mô hình này, giúp gia đình có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo.
Ảnh: VGP/Lưu Hương
Chị Hồng hiện là Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu dân cư Hòa Phú 5, phường Hòa Minh nổi tiếng “mát tay” với các phong trào hỗ trợ người nghèo
Nói về mô hình của mình, chị Hồng cho biết nhiều doanh nghiệp đã tìm đến với chị để hợp tác phát triển sản phẩm hoặc mua lại quy trình sản xuất với giá rất cao nhưng chị đều từ chối với lý do không bảo đảm được hai yếu tố là giữ sạch môi trường và sinh kế cho người nghèo.
“Tôi không kinh doanh để thu lợi cho bản thân mà tôi muốn tạo ra một sản phẩm hữu ích, giúp đỡ chị em phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn có việc làm. Đây là tâm nguyện, là sự tri ân của tôi với cộng đồng, nơi đã từng cưu mang, giúp đỡ tôi trong những ngày gian khó”, chị Hồng cho biết.