Tấm gương sáng về sự phấn đấu, nỗ lực
Lớn lên ở vùng ngoại ô huyện Ứng Hòa, Hà Nội, cô bé Thu Loan đã gặp nhiều trở ngại khi biết mình không thể nhìn rõ mọi vật. Loan đến lớp nhưng không thể viết chữ mà chỉ nghe thầy cô giáo giảng bài. Hết nửa năm lớp 1, Loan đành nghỉ học. Ở nhà, em được chị gái (cũng là một người khiếm thị) dạy cách học toán, viết văn...
Thấy con gái chịu khó học, năm cô bé 9 tuổi, mẹ của Loan đã đưa em đến học nội trú tại Hội người mù Hà Tây/nay là Hội người mù thành phố Hà Nội. Với đức tính cần cù và thông minh, Loan làm quen chữ nổi nhanh chóng và đã hoàn tất chương trình 4 năm chỉ trong vòng 2 năm học. Suốt cả thời cấp I, cấp II, Loan luôn thể hiện niềm say mê học tập. Với những giải thưởng về thể thao, văn học và thành tích học tập tốt, cô bé được tuyển thẳng vào Trường THPT Yên Hòa. Mẹ của Loan lặn lội từ quê lên thuê nhà trọ ở cạnh trường để lo cho con gái.
Loan chia sẻ, chị gái Thu Trang chính là tấm gương sáng về sự phấn đấu, nỗ lực để em noi theo. Không chỉ giúp em định hướng tương lai, chị còn luôn dạy em về niềm tin, sự lương thiện và lòng chân thành. Chị chính là một phần cảm hứng lớn lao giúp em có đủ đầy tin yêu để học tập và cống hiến.
Khi chị Thu Trang giành được học bổng toàn phần của Chính phủ Australia để đi du học thạc sĩ, Loan đã nghĩ, nếu không thể tìm được cơ hội tại một trường đại học công lập trong nước thì mình có thể đi du học nước ngoài hoặc học theo hình thức du học tại chỗ. Do đó, để chuẩn bị tất cả các kỹ năng cần thiết cho một sinh viên quốc tế, Loan đã tự trau dồi, rèn luyện như học tin học, tham gia công tác xã hội... Bên cạnh đó, Loan không ngừng nâng cao kỹ năng tiếng Anh. Bật mí về phương pháp học tiếng Anh của mình, Thu Loan cho rằng chăm chỉ là quan trọng nhất, học đều đặn mỗi ngày, thực hiện phương pháp nghe vô thức và nói theo người bản xứ. Thu Loan học tiếng Anh thông qua những thứ mình yêu thích, như xem phim Harry Potter và đọc truyện tiếng Anh…
Bên cạnh việc học, Loan đi làm thêm như dạy gia sư tiếng Anh, Văn và kỹ năng mềm cho các bạn khiếm thị. Ðồng thời, Loan rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đi dạy tình nguyện. Loan chia sẻ về khó khăn khi đi dạy cho người khiếm thị, đó là trong lớp học có nhiều học viên khác nhau về độ tuổi, khả năng nhận thức, trình độ văn hóa… Có những lúc, em còn hướng dẫn cho các bác lớn tuổi và không biết sử dụng máy tính, không biết viết chữ nổi. Những lúc như thế đòi hỏi mình phải có sự kiên nhẫn, có phương pháp dạy riêng cho từng đối tượng. Loan rất vui khi trong số các bạn em từng hướng dẫn có nhiều bạn đã vào đại học, nổi bật như bạn Ðào Thùy Linh là học trò của Loan cũng giống Loan nhận được học bổng toàn phần của RMIT năm 2021.
Trao quyền và cơ hội cho người khuyết tật
Hiện Loan đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Step (CLB) - một CLB hỗ trợ người khiếm thị trong học tập, làm việc và các sinh hoạt trong cuộc sống. CLB được Loan và 3 người bạn khác thành lập đầu năm 2020 mang ý nghĩa như cuộc hành trình, bứt phá của người khiếm thị nói riêng và của cộng đồng nói chung. Ðiểm đặc biệt của Step là 80% thành viên là người khuyết tật, điều này thể hiện sứ mệnh đặc biệt của chính CLB và các cá nhân, tập thể đồng hành trong việc trao quyền và cơ hội cho người khiếm thị, người khuyết tật cất lên tiếng nói của chính họ trong một xã hội hòa nhập. Ðây cũng là một lợi thế của CLB khi có thể nắm bắt được các nhu cầu thiết yếu của người khiếm thị, để đưa ra sự trợ giúp phù hợp, kịp thời và xây dựng một không gian bình đẳng, tiếp cận để họ bộc lộ tài năng, năng lực của bản thân.
Sau 1 năm thành lập, Step đạt được một số thành tựu, góp phần hỗ trợ học tập - công việc - xã hội của người khiếm thị. Trong đó có thể kể đến sự kiện truyền cảm hứng “Thắp sáng tương lai” chia sẻ của các bạn sinh viên khuyết tật đạt thành tích cao trong các trường đại học; 4 buổi livestream chia sẻ con đường tới thành công của những tấm gương khuyết tật xuất sắc; Hoạt động chuyển sách cho các bạn khiếm thị, hợp tác cùng trung tâm phục hồi chức năng cho người mù trực thuộc Hội Người mù Việt Nam - thực hiện chuyển đổi 25 đầu sách từ định dạng không tiếp cận sang định dạng tiếp cận như: định dạng word, audio,... và thu âm 3 cuốn sách văn học; Cuộc thi sáng tác văn học “Chinh phục tri thức”; Các sự kiện tổ chức nhằm lan tỏa câu chuyện truyền cảm hứng học tập và tìm hiểu những rào cản mà người khiếm thị gặp phải để có hình thức hỗ trợ phù hợp.
Ngoài ra, CLB còn tổ chức sự kiện “Thắp lửa nơi tim”, trao 5 suất học bổng cho sinh viên có cống hiến vì người khuyết tật; Mở lớp học tiếng Anh miễn phí cho các bạn khiếm thị nhằm nâng cao năng lực, cơ hội để hòa nhập cộng đồng; Cuộc thi văn nghệ tạo sân chơi bổ ích cho người khiếm thị và nhiều hoạt động kỉ niệm các ngày của phụ nữ, cuộc thi sáng tác văn học “Ðiều con muốn nói” kỉ niệm ngày 20/11…
Thu Loan mong muốn, thời gian tới có cơ hội đi diễn thuyết, truyền cảm hứng tới các bạn trẻ, các bạn khiếm thị nhiều hơn cũng như tham gia các cuộc thi như đại sứ văn hóa đọc. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển CLB Step, sáng tạo nhiều hoạt động mới mẻ hơn để hỗ trợ cho những người khiếm thị.
Phó chủ tịch Hội Người mù TP. Hà Nội - bà Chu Thị Thu Hà cho biết, Thu Loan là một sinh viên nổi bật, luôn sẵn sàng đương đầu với thử thách. Từ thời thơ ấu, Thu Loan đã là một cô gái chủ động, thông minh và sáng tạo. Tôi còn nhớ, em đến Hội Người mù TP. Hà Nội để tham gia lớp học kỹ năng hòa nhập sau các bạn đồng trang lứa những 2 năm, nhưng Thu Loan chẳng những đã vượt qua trở ngại mà còn đạt điểm số cao trong lớp. Với đức tính cần cù và thông minh, em đã hoàn tất chương trình 4 năm chỉ trong vòng 2 năm học.