Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nửa đời tay trắng vẫn "bền gan" làm giàu

Từ chỗ nghèo “rớt mồng tơi”, và mặc dù khi tuổi tác đã xế chiều, nhưng ông Võ Văn Thắng, SN 1957, trú tại thôn Hoa Thám, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), vẫn làm nên cuộc cách mạng làm giàu bằng kinh tế trang trại.

 

Ông Võ Văn Thắng cùng cháu ngoại tại trang trại của mình

 

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ông Võ Văn Thắng bỏ lại mảnh vườn hương hỏa, dắt vợ con lên vùng khe Da lúc đó còn là “rừng thiêng nước độc” để khai hoang kiếm sống, thế nhưng nhưng đói nghèo càng vây bủa gia đình ông.

Ngày đó xứ khe Da chưa có ai đến ở, ngoài gia đình ông; đường sá đi lại vô cùng khó khăn, chưa có điện lưới, kênh mương tưới tiêu như bây giờ…

Đã vậy, vào đầu năm 2005, một lần đi điều trị vì căn bệnh đau cốt sống tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh trên đường về tới thị trấn Cẩm Xuyên, không may ông bị tai nạn giao thông, lại phải cấp cứu dài ngày ở bệnh viện bởi chấn thương sọ não.

Ấy là thời điểm mà gia đình ông càng kiệt quệ về mọi thứ. “Thân tàn ma dại” đã đành, nợ nần lại thêm chồng chất! Vợ ông, bà Võ Thị Thuận ( SN 1960) nhỏ nước mắt tâm sự rằng, thời điểm đó bà suy sụp hoàn toàn, người chỉ còn “da bọc xương”; gia đình có 5 người con, dù có đứa đã trưởng thành nhưng không có học hành, nghề nghiệp nên cứ nghĩ nhà mình chẳng khác gì một của nợ của xã hội!

Nhiều khi bà chỉ muốn bỏ quê đi đâu làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày, thậm chí quyên sinh cho xong, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, lấy ai chăm sóc ông Thắng nên bà đành “khoát nước theo mưa!

 

Ông Võ Văn Thắng (trái) đã tìm thấy nụ cười tại vườn đồi của mình 

 

Thế nhưng, như một điều kỳ diệu, vào đầu năm 2006, sau khi ông Thắng điều trị trở về, cũng là lúc UBND xã Cẩm Lạc thực hiện Đề án giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo Quyết định 3952/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho 129 hộ dân trong xã, trong đó vợ chồng bà được giao 2,7 ha, đã tạo nên một bước ngoặt, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của gia đình bà.

Mặc dù hàng chục năm trước đó, vợ chồng ông Thắng khai hoang gần 7 ha đất rừng lo cặm cụi làm ăn, nhưng bao nhiêu mồ hôi nước mắt của họ cứ tuồn tuột đổ xuống đó như muối bỏ biển.

Chỉ khi cầm được tấm bìa đất rừng được giao trong tay, dù đã bước sang tuổi 50 và mang trên mình nhiều di chứng bệnh tật, vợ chồng ông Thắng tự tin, mạnh dạn vay tiền làm ăn bằng các nguồn: Vốn Hỗ trợ lãi suất theo QĐ 26 của UBND tỉnh Hà Tĩnh; vốn vay xóa đói giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách tỉnh và vay vốn theo chính sách của Hội nông dân tỉnh về phát triển chăn nuôi trâu bò, với tổng số tiền được vay gần 500 triệu đồng.

 

Vườn keo lá chàm 3 năm tuổi của trang trại ông Thắng 

 

Nhờ có nguồn vốn trên, vợ chồng ông Thắng đã đầu tư vào các mô hình trang trại, chăn nuôi trâu bò, lợn, gà...; trồng các loại cây ăn quả như cam, chuối, vải thiều… và đặc biệt là đầu tư vào trồng cây nguyên liệu keo lá chàm theo hình thức cuốn chiếu, quay vòng theo chu kỳ phát triển của các loại cây trồng, vật nuôi.  

Với cách làm theo hình thức lấy ngắn nuôi dài, trong 5 năm năm đầu có vất vả hơn, nhưng sang năm thứ 6 khi chu kỳ lứa keo và lứa bò giống đầu tiên cho ra sản phẩm thu hoạch tới hàng trăm triệu đồng, trong đó cứ mỗi ha diện tích cây keo trừ chi phí thu lãi 70 triệu đồng và từ 12 triệu đồng đến 18 triệu đồng cho mỗi một con bò giống hay bò thịt, từ 7 triệu đồng đến 9 triệu đồng cho mỗi con me giống… với kết quả đó, ông đã bắt đầu nhìn thấy rõ cơ hội làm giàu bắt đầu đến với mình.

Không cần phải giấu giếm, ông Thắng nói: “Hiện tại, vợ chồng tôi đã trả hết khoản nợ vay vốn hỗ trợ lãi suất. Các nguồn vốn vay xóa đói giảm nghèo và vay theo chính sách của HĐND đã dành cất riêng để trả hết, nhưng do chưa đến kỳ hạn nên trả cũng không ai nhận.

Trước đây làm không đủ ăn, nghèo cứ hoàn nghèo, 4 cháu đầu không có điều kiện được học hành, nhưng nhờ sau này làm ăn ổn định nên riêng cô con gái út là cháu Võ Thị Ngọc Thư được học hết THPT và nay đang theo học hệ Cao đẳng Mầm non tại Huế.

Cũng do trước đây quá khó khăn, các cháu phải đi làm thuê, làm mướn trong niềm Nam, tự tìm hiểu xây dựng gia đình sinh con đẻ cái, bố mẹ không giúp được gì. Nhưng nay, chúng nó đều đang vất vả, vì thế để giảm bớt khó khăn cho con, trước mắt vợ chồng tôi đưa 4 đứa cháu cả nội, cả ngoại về nuôi, mong muốn sau này tuổi già, sức yếu nhường lại toàn bộ trang trại này cho con cháu làm ăn để xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn”.

 

Một đàn bò của trang trại ông Thắng 

 

Ông Võ Kim Cương- Phó chủ tịch HĐND xã Cẩm Lạc cho biết: “Năm 2010, xã Cẩm Lạc còn là địa phương có tới 80% hộ gia đình thuộc diện khó khăn, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 42% và hộ cận nghèo chiếm 38%. 

Thế nhưng, nhờ thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng phong trào nông thôn mới, (kể từ năm 2011) và thực hiện tốt Đề án giao đất rừng của UBND tỉnh (bắt đầu từ năm 2015) nên người dân đã hồ hởi tham gia, phát huy hết năng lực của mình, trở thành những nhân tố mới, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.  Đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở Cẩm Lạc chỉ còn lại 10,2%; hộ cận nghèo còn 18%.

Chia tay vợ chồng ông Thắng khi những cơn mưa rừng bắt đầu nặng hạt. Như tôi, có lẽ những hạt mưa rừng kia cũng đang muốn chia sẻ với những đoạn trường vất vả, và cách vượt lên số phận của đôi vợ chồng họ!