Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nước mía và vô số kinh nghiệm dân gian chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe, giảm cân

Thành Công
Thành Công

Nước mía là một thức uống ngon không chỉ mùa hè mà còn vào mùa đông, giúp cung cấp nước cho cơ thể. Ngoài ra, loại thức uống này cũng rất tốt cho sức khỏe và bất ngờ là có lợi cho việc giảm cân.

Nước mía và vô số kinh nghiệm dân gian chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe, giảm cân - 1
Nước mía là thức uống thơm ngon, giá cả bình dân đặc biệt không thể thiếu vào mùa hè (Ảnh minh họa: ITN).

Nước mía rất được ưa chuộng vào những mùa nắng nóng nhờ công dụng giải nhiệt với hương vị thơm ngon với giá thành rẻ.

Theo dinh dưỡng học hiện đại, thành phần hóa học của mía khá phong phú, cứ mỗi 100g mía có chứa 84g nước, 0,2g chất đạm, 0,5g chất béo, 12g chất đường và nhiều các nguyên tố vi lượng như canxi, phốt pho, sắt..., các vitamin như vitamin B1, vitamin B2, vitamin C, vitamin D... 

Ngoài ra, còn có các acid hữu cơ và nhiều loại enzyme. Trong đường mía có sucrose (chiếm 70 - 88% chất rắn hòa tan trong dịch mía), glucose và fructose, protein, vitamin A, nhóm B và C, các khoáng chất như phốt pho, canxi, kali, kẽm và sắt.

Nước mía cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa như flavonoid và hợp chất polyphenolic và là nguồn chất xơ tốt. Vì thế, bên cạnh công dụng giải nhiệt, nước mía còn được coi là một vị thuốc mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Nước mía và vô số kinh nghiệm dân gian chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe, giảm cân - 2
Bên cạnh công dụng giải nhiệt, nước mía còn được coi là vị thuốc mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe (Ảnh minh họa: ITN).

Cung cấp năng lượng nhanh chóng

Nước mía chứa nhiều đường tự nhiên, chủ yếu là sucrose, cung cấp năng lượng nhanh chóng cho cơ thể, đặc biệt hữu ích sau khi tập luyện hoặc làm việc mệt mỏi. Nó bình thường hóa việc giải phóng glucose trong cơ thể để lấy lại lượng đường đã mất.

Chống lão hóa 

Mía chứa flavonoid, chất chống oxy hóa và các hợp chất phenolic chứa trong nước mía sẽ giúp đem lại một làn da mềm mại, tươi sáng và ẩm mịn hơn. Những chất này có tác dụng giảm thiểu các nếp nhăn và dấu hiệu lão hóa sớm trên da;

Thải độc gan 

Hợp chất phenolic và flavonoid chứa trong nước mía có chức năng chống ung thư, kháng viêm, kháng virus, chống oxy hóa và ngăn ngừa dị ứng.

Vì vậy ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan nên uống nước mía thường xuyên để cải thiện tình trạng viêm gan và điều chỉnh sắc tố da.

Nước mía và vô số kinh nghiệm dân gian chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe, giảm cân - 3
Nước mía chứa nhiều chất xơ, lựa chọn khả thi cho những người muốn giảm cân (Ảnh minh họa: ITN).

Dân gian vận dụng nước mía trong điều trị bệnh, bồi bổ sức khỏe:

Hỗ trợ trị nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận: Nước mía có tính lợi tiểu, giúp loại bỏ độc tố và nhiễm trùng ra khỏi cơ thể do đó nước mía hỗ trợ điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu và sỏi thận.

Bài thuốc Đông y chữa tiểu tiện bất lợi, tiểu buốt: Mía tươi 500g, ép lấy nước cốt; ngó sen 500g, thái nhỏ, ngâm trong nước mía nhiều giờ, chắt lấy nước; chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa nôn khan, nôn mửa: pha nước mía cùng với nước gừng tươi để uống cho đến khi triệu chứng này được cải thiện;

Chữa các bệnh về đường hô hấp: nếu bạn đang bị ho khan, môi khô họng khát, hay ra mồ hôi trộm, sốt nhẹ về chiều, đại tiện táo kết,... có thể ăn cháo nấu nước mía để nhuận phế, thanh hư nhiệt và trừ đàm;

Chữa táo bón: dùng một ít mật ong trộn với nước mía và uống 2 lần/ngày khi bụng đói;

Bất thường về tiểu tiện (tiểu buốt, tiểu khó, tiểu ra máu): ép 500g mía tươi lấy nước cốt, thái nhỏ 500g ngó sen ngâm vào nước mía đã ép trong nhiều giờ, sau đó chắt lấy nước uống 3 lần/ngày;

Chữa ho khi bị sởi: dùng 40 - 60g mía vỏ đỏ, sắc cùng 40 - 60g củ mã thầy đã gọt vỏ rồi đem sắc lấy nước, dùng trong ngày;

Chữa sốt, cảm nắng, miệng khát: trộn đều nước dưa hấu cùng nước mía (mỗi thứ 120ml) để uống trong ngày;

Chữa ho và nóng trong do nhiệt: gạo tẻ 100g, nước mía 200ml thêm nước vừa đủ để nấu cháo, ăn hết trong ngày. Nên duy trì ăn từ 7 - 10 ngày;

Bài thuốc an thai: 8g củ gai, 12g mầm mía, 4g củ ấu, 6g ích mẫu, 2g sa nhân đem tất cả đi thái nhỏ, phơi khô rồi dùng để sắc nước uống làm 2 lần/ngày;

Chảy máu cam khi đến kỳ: 250ml nước ngó sen, 250ml nước mía, 50ml nước sinh địa tươi trộn đều, uống trong ngày.

Hỗ trợ giảm cân

Mọi người thường kiêng uống nước mía vì cho rằng nước mía có hàm lượng đường cao. Tuy nhiên, trong nước mía chứa nhiều chất xơ, lựa chọn khả thi cho những người muốn giảm cân, vì chất xơ giúp bạn no lâu hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điều trước khi thêm nước mía vào chế độ ăn uống để hỗ trợ giảm cân.

Một số lý do khiến nước mía có thể được lựa chọn là thức uống giảm cân hiệu quả nếu uống ở mức độ vừa phải, vì mía không tích tụ chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. 

Một nghiên cứu cho thấy rằng việc hấp thụ chất xơ trong chế độ ăn uống có thể thúc đẩy giảm cân ở những người lớn thừa cân sau chế độ ăn hạn chế calo.

Công thức làm nước mía giúp giảm cân:

Thành phần: Nước mía: 500ml; Nước ép gừng: 30ml hoặc gừng tươi 1 củ nhỏ cỡ 1 ngón tay; Nước cốt chanh: 1 muỗng canh (30g); Nước: 1/2 cốc (100 ml).

Cách chế biến: Đun sôi nước với gừng đã cắt nhỏ trong 5 phút, tắt bếp. Nếu sử dụng nước ép gừng thì đun sôi nước và thêm nước cốt gừng. Để nguội tầm 40 độ, thêm nước mía và nước cốt chanh vào. Dùng ấm hoặc có thể cho thêm đá hoặc không, tùy sở thích.