Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

“Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại”

(Dân sinh) - Ngay từ bìa sách “Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại” với dòng tagline - Con dùng điện thoại hay điện thoại dùng con, quyển sách đã nhấn mạnh tình trạng lệ thuộc vào điện thoại thông minh ở giới trẻ.

Vấn nạn trẻ ngày càng dành nhiều thời gian hơn với điện thoại thông minh, dần trở nên lệ thuộc và gần như không thể sống nếu thiếu điện thoại đã trở nên ngày càng quen thuộc trong xã hội ngày nay. Đọc qua cuốn sách ta như hiểu được hơn về những giá trị đã bị thay thế bởi chiếc điện thoại tưởng chừng rất hữu dụng này.

“Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại” - Ảnh 1.

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, việc phổ cập điện thoại đến với các bậc phụ huynh và dần dần là các bé đã diễn ra vô cùng nhanh chóng. Tất nhiên ta không thể phủ nhận sự hữu ích và đa dụng mà chiếc điện thoại mang đến cho mọi người.

Tuy nhiên với sự phổ biến quá nhanh chóng này tiềm ẩn vô vàn những vấn đề tiêu cực. Từ tác động đến bản thân, gia đình và xã hội, quyển sách tách những tác động thành 6 ý chính:

Đầu tiên chính là sự lệ thuộc của học sinh và trẻ em vào internet.

Vấn đề thứ hai là giảm sút học lực do sử dụng điện thoại thông minh.

Tiếp theo là những rắc rối xoay quanh quan hệ bạn bè cũng như gia đình của bé.

Vấn đề thứ tư là tình trạng bắt nạt trên mạng xã hội, và thứ năm là những rắc rối và tổn thương xoay quanh những mối quan hệ trên mạng xã hội

Vấn đề thứ sáu - và cuối cùng - là con trẻ mất đi năng lực sống, mất đi khả năng suy nghĩ do lệ thuộc quá nhiều vào điện thoại.

Đừng dạy con trẻ bằng điện thoại

Nếu trước đây, trẻ chỉ cần quan tâm tới việc kết giao và duy trì các mối quan hệ bạn bè trong những lúc ở trường là đủ, thì ngày nay, trẻ phải bận tâm đến điều đó ngay cả khi đã về nhà và những khi không đi học. Chính bởi sự gắn bó mật thiết của điện thoại tới học tập cũng như giao lưu bạn bè, nhìn về lâu dài, điện thoại thông minh là sự hiện diện gây ảnh hưởng đến cả sự hình thành nhân cách của trẻ.

Nghiêm trọng đến vậy thế nên qua cuốn sách này, tác giả muốn gửi đến đọc giả những biện pháp để hạn chế ảnh hưởng và giải quyết những rắc rối đến từ điện thoại thông minh.

Những thay đổi lớn của đời sống xã hội từ khi xuất hiện điện thoại thông minh

Khi trẻ đã ngày càng dành nhiều thời gian hơn với điện thoại thông minh, sợi dây liên kết giữa bố mẹ và con cái ngày càng bị phá vỡ. Cảm xúc gắn bó với bố mẹ hay người thân dần được thay thế bởi những cuộc trò chuyện cùng bạn bè trên các trang mạng xã hội và những video và dòng tít nóng nhất.

Cuốn sách được tác giả Yoshihiko Morotomi là một tiến sĩ, nhà nghiên cứu giáo dục, đưa ra những giải pháp đã từng nổi tiếng vô cùng như 18 lời hứa sử dụng điện thoại một bà mẹ viết khi tặng con mình một chiếc điện thoại hay những sự kiện và chính sách mà các tỉnh ở Nhật đã đưa ra nhằm hỗ trợ phụ huynh cũng như con cái điều chế mức độ sử dụng điện thoại.

Điều mà có lẽ ấn tượng nhất so với các sách dạy con khác là lượng dữ liệu và số liệu mà tác giả đưa ra kèm những câu nói của mình. Dù nội dung được trình bày vô cùng dễ hiểu, việc liên tục được trình bày với những dạng biểu đồ phù hợp đã thật sự thuyết phục mình rằng tác giả đang nắm rất rõ tình trạng hiện tại cũng như những giải pháp được đề ra.