Người dân xóm 1, xã Tân Hương, sản xuất chủ yếu nông nghiệp, tự cung tự cấp, đời sống buồn tẻ và luôn canh cánh nỗi lo cơm áo. Để giúp người dân xóa nghèo, Hội Nông dân huyện kết hợp dự án ADDA đã khảo sát về nhu cầu chăn nuôi ở xóm 1, con gà trở thành vật nuôi nuôi để xóa đói, giảm nghèo. Người dân hưởng ứng cao và nhà nhà cùng nuôi gà.
Nhờ nuôi gà mà anh Lê Sỹ Thịnh, nhóm trưởng nhóm chăn nuôi gà xóm 1, Tân Hương đã trở thành hộ khá trong xóm
Thành lập từ năm 2012, với 12 thành viên tham gia. Các hộ dân tham gia các lớp học, hình thành thói quen liên kết giữa các hộ dân trong chăn nuôi. Mỗi tháng nhóm lại tổ chức họp 1 lần để các hội viên trong nhóm được sẻ chia kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về con giống, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Những người tâm huyết nuôi gà đã có nhiều việc để làm, thu nhập tăng lên.
Anh Lê Sỹ Thịnh, nhóm trưởng cho biết “3 năm qua, nuôi gà nhóm đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, các thành viên trong nhóm luôn giúp đỡ lẫn nhau về kiến thức chăn nuôi để nhằm tránh rủi ro, tăng hiệu quả trong chăn nuôi, tình làng xóm được gắn kết, bộ mặt nông thôn đổi mới”
Gia đình chị Lê Thị Thơ, ở xóm 1, xã Tân Hương là người ứng dụng những kỹ thuật học được từ tập huấn rất thành công, chị đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi từ 200 con lên tới 1.200 con gà/năm. Sau khi xuất bán, mỗi năm mang về nguồn thu về trên 100 triệu đồng. Chị chia sẻ: “Ngày trước tôi không dám nuôi gà thậm chí không biết cách tiêm phòng cho đàn gà. Nhờ được tập huấn, tôi đã trở thành bác sĩ “tại gia”. Chúng tôi đang chuẩn bị xuất bán tiếp một lứa gà nữa, hứa hẹn cho nguồn thu nhập khá.”
Chị Lê Thị Thơ, xóm 1, Tân Hương, Tân Kỳ phấn khởi vì đàn gà to, khỏe mạnh
Theo kinh nghiệm của những người chăn nuôi gà ở xóm 1, Tân Hương, khi các hộ nông dân liên kết chặt chẽ với nhau thì đầu ra cho sản phẩm được thống nhất, nên giá cả xuất bán ra thị trường luôn ổn định Ngoài gia đình anh Thịnh, chị Thơ, các hộ gia đình trong nhóm chăn nuôi gà ở xóm 1 Tân Hương đang mở rộng đàn gà từ 500 đến 1000 con/ lứa. Khi gà đến lúc xuất chuồng, các hộ đã tìm thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài huyện, vì vậy hạn chế được tư thương ép giá. Cũng nhờ chăn nuôi gà mà nhiều hộ gia đình ở xóm 1, Tân Hương đã thoát nghèo, có tiền nuôi con cái ăn học.
Dự án nâng cao năng lực các nhóm nông dân sở thích dân tộc ít người tại Hòa Bình và Nghệ An (FIGNAHB) được Tổ chức phát triển Nông nghiệp Đan Mạch (ADDA) triển khai từ tháng 1/2013 đến tháng 6/2015 tại hai tỉnh là Nghệ An và Hòa Bình của Việt Nam với ngân sách hỗ trợ là 4.994.507 DKK. Đối tác là Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình (HBFU) và Nghệ An (NAFU). Các nhóm nông dân của dự án này đã làm việc nhóm về chăn nuôi như: Nuôi lơn, bò, gà, hươu, về trồng trọt (Trồng bí, cam, mía…). Dự án bao gồm 220 nhóm nông dân (khoảng 5.500 người được nâng cao năng lực làm sản xuất nông nghiệp, có thu nhập, cải thiện đời sống và từng bước thoát nghèo). Mô hình nuôi gà theo nhóm ở Nghệ An đã trở thành điển hình trong xây dựng nông thôn mới. |