Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Pháp luật

Nuôi nhốt kỳ đà vân quý hiếm bị khởi tố điều tra

(Dân sinh) - Ngày 19/5, thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cho biết, đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm xảy ra tại nhà ông Nguyễn Văn Quyết (SN 1977, trú tại thôn 7, xã Đăk D'rông).

Theo đó: Một hộ dân nuôi giữ trái phép 17 con kỳ đà vân, là loài động vật được xếp vào danh mục nguy cấp, quý hiếm bị cơ quan điều tra huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra, xử lý

Theo hồ sơ, vào ngày 5/1 vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện Cư Jút phối hợp với Công an huyện Cư Jút đã kiểm tra khu vực nuôi nhốt động vật rừng tại nhà ông Nguyễn Văn Quyết trú tại thôn 7, xã Đăk D'rông. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện 17 cá thể kỳ đà vân không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng trọng lượng 27kg.

Đoàn liên ngành đã lập biên bản vụ việc, qua đó thu giữ toàn bộ số động vật này để thả về môi trường tự nhiên và đang củng cố hồ sơ liên quan để khởi tố bị can theo quy định của pháp luật.

Kết luận giám định động vật của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thể hiện, 17 con kỳ đà vân có tên khoa học Varanus nebulosus thuộc Nhóm IB (danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm), ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/01/2019 của Chính phủ.

Nuôi nhốt kỳ đà vân quý hiếm bị khởi tố điều tra - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng thả 17 con kỳ đà vân về với tự nhiên

Theo Điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã như sau:

"1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 242 và Điều 244 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có giá trị từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; động vật hoang dã thông thường khác có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có giá trị từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc của động vật hoang dã thông thường khác có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

c) Phạm tội trong trường hợp động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật có giá trị dưới mức quy định tại điểm a và điểm b khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức.

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức.

c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm.

d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm.

đ) Buôn bán, vận chuyển qua biên giới.

e) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có giá trị từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng; động vật hoang dã thông thường hoặc bộ phận, sản phẩm của các động vật đó trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên.

g) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Số lượng động vật nguy cấp, quý hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp hoặc bộ phận, sản phẩm của các động vật đó trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm".