Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

“Nứt cổ gà” khi cho con bú

“Nứt cổ gà” là hiện tượng thường gặp ở bà mẹ đang cho con bú, với biểu hiện có vết nứt xuất hiện ở chân núm vú, đỏ tấy,

 

“Nứt cổ gà” là hiện tượng thường gặp ở bà mẹ đang cho con bú, với biểu hiện có vết nứt xuất hiện ở chân núm vú, đỏ tấy, có cảm giác đau rát khiến việc cho con bú trở nên khó khăn. Nếu không xử trí kịp thời sẽ dẫn đến bội nhiễm, gây đau đớn cho bà mẹ và và ảnh hưởng đến nguồn sữa cho bé.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây “nứt cổ gà” chủ yếu là do bà mẹ cho bé bú không đúng cách: Bé không ngậm hết quầng vú mà chỉ mớm hời hợt vào núm vú, mỗi lần bé mút, núm vú bị kéo, giật mạnh, lâu ngày gây vết nứt chân vú. Mới đầu chỉ là một vết nứt nhỏ, nếu bà mẹ không vệ sinh đúng cách và điều trị kịp thời, vết nứt sẽ lan dài quanh chân núm vú, gây đau đớn cho mẹ và mất vệ sinh cho bé, thậm chí vết nứt có thể bị nhiễm khuẩn và mưng mủ.

Cho trẻ bú đúng cách để phòng nứt cổ gà.

Cách xử trí

Nếu đang cho con bú, bà mẹ cảm thấy đau rát, núm vú bị tấy đỏ, kiểm tra nếu thấy núm vú đã bị nứt, trước tiên cần ngừng cho trẻ bú, rửa sạch chỗ đau bằng nước muối loãng (nước ấm càng tốt) hoặc nước muối sinh lý, lau khô bằng khăn mềm sạch. Sau đó bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn xử trí thích hợp để hạn chế vết nứt ngày càng đứt rộng và phòng tránh bội nhiễm.

Để tiếp tục duy trì nguồn sữa trong khi điều trị, bạn hãy vắt sữa thường xuyên vào đúng các cữ bú của bé và tiếp tục cho bé dùng sữa mẹ. Chỉ đến khi thực sự khỏi (vết nứt đã kín miệng, không tấy đỏ) bạn mới nên cho bé bú lại và chú ý cho bú đúng cách.

Phòng “nứt cổ gà” như thế nào?

Chăm sóc vú và cho con bú đúng cách là biện pháp phòng tránh tốt nhất. Núm vú không đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Bạn chỉ cần nhớ tráng nước sạch sau mỗi lần tắm là đủ. Tránh để da bị khô, bị nẻ, chú ý không bôi xà phòng hoặc dùng dung dịch tiệt khuẩn trên vùng vú, việc này sẽ dẫn đến da bị khô và làm nứt núm vú. Cần mặc áo ngực vừa vặn, phù hợp với kích cỡ ngực, không nên mặc áo ngực có gọng kim loại để dòng sữa được lưu thông dễ dàng và tránh tổn thương vú do cọ xát.

Trước và sau mỗi lần cho con bú, cần sử dụng nước ấm cùng khăn mềm để lau rửa đầu vú và xung quanh bầu vú thật sạch sẽ, khô thoáng. Cho trẻ bú đều hai bên vú. Nếu em bé ngậm đầu vú đúng cách thì sẽ bú được nhiều sữa và không làm đau núm vú của mẹ. Miệng của bé phải mở rộng để ngậm toàn bộ phần quầng vú và đầu vú. Không nên cho bé vừa ngủ vừa ngậm vú. Khi trẻ vừa bú vừa ngủ thường nhay, cắn vào đầu vú, có thể gây tổn thương dẫn đến viêm nhiễm đầu vú.

Nếu vú có biểu hiện sưng đau, nhức bầu vú, nứt núm vú,…  bà mẹ cần tạm thời ngừng cho con bú và đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để các bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị.