Trên chuyến phà nối xã Tam Quang với xã đảo Tam Hải, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt người dân có lẽ là tình trạng rác thải trôi lập lờ ven bờ sông Trường Giang.
Hứng rác từ đất liền
Nơi đây chẳng khác nào một bãi rác trải dài, với đủ loại, như túi ni-lông, thùng xốp, bao bì đóng dày đặc. Khi được hỏi về nguồn gốc rác thải trên, nhiều tiểu thương buôn bán ở chợ Tam Hải cho biết, do không có nơi chứa nên người dân đành mang ra… đổ xuống sông. Mạnh ai nấy xả, con sông Trường Giang mỗi ngày hứng không biết bao nhiêu rác thải từ chợ Tam Hải, cộng với rác thải từ đất liền ứ đọng lại khiến môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.
Rác thải ở xã Tam Hải gây ô nhiễm trầm trọng
Bà Huỳnh Thị Lộc (ngụ thôn 2, xã Tam Hải) cho biết, xã Tam Hải nằm cuối con sông Trường Giang đổ ra biển nên trở thành nơi hứng rác của đất liền. Nếu người dân ở các xã ven biển của TP Tam Kỳ và huyện Núi Thành xả rác ra sông thì nó sẽ theo dòng nước trôi về, tấp vào ven bờ sông Trường Giang ở xã Tam Hải. Lâu lâu, các tổ chức tình nguyện hoặc học sinh địa phương đến thu dọn, còn không sẽ chất thành đống bởi xã không có bãi rác để đưa đi tiêu hủy. Dù biết là ô nhiễm nhưng vì “cha chung không ai khóc” nên nó tiếp diễn từ năm này sang năm khác.
Theo ông Trần Ngọc Hữu, Chủ tịch UBND xã Tam Hải, việc xử lý rác thải sinh hoạt thật sự đang khiến địa phương hết sức đau đầu. Ông Hữu cho rằng, rác thải tại xã Tam Hải một phần do người dân địa phương xả ra cộng với một phần lớn rác thải từ các nơi khác chảy đến. Nhiều năm nay, xã Tam Hải đã đề nghị tỉnh Quảng Nam hỗ trợ xây dựng lò đốt rác nhưng do thiếu kinh phí và tiêu chuẩn không bảo đảm theo quy định của Bộ Y tế nên không thể thực hiện.
Trước những khó khăn trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định cấp 4,5 tỉ đồng để xây dựng nhà máy đốt rác tại xã Tam Hải. Theo kế hoạch, tháng 6/2015, nhà máy được khởi công nhưng do người dân phản ứng vì lo ngại ảnh hưởng sức khỏe nên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể tiến hành. “Sắp tới, UBND huyện Núi Thành sẽ tiếp tục đối thoại, giải thích cho người dân hiểu và đồng tình việc xây dựng nhà máy bởi việc xử lý rác đang là vấn đề hết sức cấp thiết của địa phương” - ông Hữu thông tin.
Không dám tắm biển
Theo người dân xã Tam Hải, nguồn nước tại đây cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng, bởi nước thải từ các hồ tôm xả trực tiếp ra môi trường.
Từ cuối năm 2013, giá tôm thẻ chân trắng lên cao nên người dân xã Tam Hải đổ xô đào ao nuôi loài này. Hậu quả là nhiều diện tích rừng phi lao ven biển bị triệt hạ để nhường chỗ cho các ao tôm. Người nuôi tôm bơm nước từ biển vào hồ rồi lại xả trực tiếp ra biển gây tình trạng ô nhiễm nguồn nước. “Chúng tôi không dám tắm biển vì lội xuống là ngứa không chịu nổi” - một người dân than thở.
Nói về vấn đề này, ông Hữu cho biết vào năm 2014, chính quyền huyện, xã đã vào cuộc quyết liệt bằng cách vận động và cả áp dụng các biện pháp xử phạt người nuôi tôm trái phép nhưng họ vẫn lén lút thực hiện. Đến nay, có hàng chục hộ với 200 ao tôm xả thải trực tiếp ra biển khiến nguồn nước rất ô nhiễm.
“Hiện tại, có rất nhiều hộ nuôi tôm bị thua lỗ phải bỏ hồ, tạo điều kiện để muỗi sinh sôi, rất dễ gây ra dịch bệnh” - ông Hữu nêu thực trạng.
Khó thể làm được như Cù Lao Chàm Ông Trần Ngọc Hữu cho biết, chính quyền xã Tam Hải cũng đã nghĩ đến phương án vận động người dân không sử dụng túi ni-lông như ở Cù Lao Chàm (TP Hội An) để hạn chế tình trạng ô nhiễm rác thải và thực hiện thí điểm nhưng hiệu quả không cao. Theo ông Hữu, Tam Hải khác Cù Lao Chàm ở chỗ chỉ mất khoảng 5 phút đi phà là đến đất liền, dùng túi ni-lông để giao thương quá thuận lợi nên việc cấm cản hay vận động người dân thay đổi thói quen là cực kỳ khó.
|