Liên tục nhiều ngày, Hà Nội bị ô nhiễm không khí do siêu bụi mịn tấn công, các điểm đo nhuộm màu tím ngắt
Những ngày qua, nếu chăm chỉ cập nhật chỉ số chất lượng không khí trước khi bước ra ngoài đường, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ không khỏi giật mình. Câu chuyện ô nhiễm không khí do bụi mịn hoành hành tất nhiên chẳng thể chấm dứt trong ngày một, ngày hai nhưng điều đau lòng là chuỗi ngày qua, liên tiếp các điểm đo đều nhuộm sắc màu tím ngắt khiến người ta kinh hãi.
Cho đến ngày hôm nay, 17/12, câu chuyện bụi siêu mịn tiếp tục hoành hành người dân thủ đô cũng chưa vơi đi phần nào. Bởi vì khi mở app đo chất lượng không khí AQI trên Pam Air, người ta vẫn phải lắc đầu ngán ngẩm dù không còn điểm đo tím ngắt. Thay vào sắc tím là một sắc đỏ ngập tràn nhưng cũng xấp xỉ chuẩn bị sang màu tím ngắt chứ chẳng trong lành hơn bao nhiêu. Và ở ngưỡng chỉ số này, app đo vẫn đưa ra lời khuyến cáo: Vô cùng độc hại, hãy ở trong nhà!
Những ngày qua, Air Visual liên tục đưa Hà Nội lên hàng top, thậm chí là vị trí thứ 2 về ô nhiễm không khí nhất thế giới. Câu chuyện nói đi nói lại ra rả bao nhiêu tháng ngày qua và vấn nạn của Hà Nội vẫn vậy. Chúng ta đang trong tình trạng bế tắc, dậm chân tại chỗ, hoặc chẳng quan tâm đến sức khỏe về lâu dài trong khi ô nhiễm không khí lúc nào cũng bao quanh và có thể bùng phát đỉnh điểm vào bất cứ lúc nào mình không ngờ tới. Vấn nạn ấy có lẽ còn xuất phát từ việc chưa hiểu đúng sự nguy hiểm của bụi mịn cũng như có biện pháp phòng tránh thích đáng cho sức khỏe của chính mình.
Bụi mịn, bụi siêu mịn cực nguy hại cho sức khỏe, có thể ngấm vào máu, gây bệnh mãn tính như ung thư
Bụi mịn được hình thành từ những chất như carbon, nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Khi nồng độ bụi mịn PM2.5, PM10 trong không khí ngoài trời tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù. Đó là hiện tượng thường thấy ở Hà Nội những ngày gần đây dù bạn ra đường sáng sớm hay chiều tối.
PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) cho biết những hạt bụi trung bình thường phân tán trong môi trường làm việc cũng như môi trường sống. Và khi hít phải sẽ tiến sâu hơn và mắc kẹt vào các phế nang và đào thải ra khó, chậm, nên tích lũy lại gây các bệnh hô hấp gọi là bệnh bụi phổi (pneumoconiosis).
Chưa dừng lại ở đó, các hạt bụi siêu nhỏ này có khả năng vượt qua "hàng rào" bảo vệ của các loại khẩu trang thông thường, đi sâu vào trong phổi, len lỏi trực tiếp vào máu rồi gây độc cho cơ thể. Vì thế, không dừng lại ở những bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi, chúng có thể tấn công trực tiếp vào máu, gây bệnh phổi mãn tính và tất nhiên cả ung thư.
Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm không khí thời gian tới tại Hà Nội tiếp tục duy trì ở ngưỡng xấu. Dự kiến, 3-4 hôm tới, khi thời tiết có mưa, khói bụi, khí thải "mắc kẹt" có cơ hội được phát tán, chất lượng không khí tại Hà Nội mới được cải thiện.
Nhưng chúng ta không thể ngồi đó trông chờ một cơn mưa qua, không thể trông chờ số phận vào sự ban ơn của ông trời mỗi ngày. Điều ấy thật sự không phải là giải pháp chủ động. May mắn thay, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến cáo khẩn đến người dân, dù không phải là quá sớm gì nhưng cũng là một trong những tiêu chí để người dân thực hiện chỉn chu hơn. Theo đó:
- Người dân kể cả học sinh nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ, cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi mịn PM2.5 khi ra đường để bảo đảm sức khỏe.
- Thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống Bộ TN&MT, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố.
- Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu.
- Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).
- Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Với người hút thuốc lá thì nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá.
- Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.
- Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống.
- Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp gas.
- Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
- Với người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu... cần thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
- Trong thời điểm hiện tại nếu phát hiện mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời.