Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Ô nhiễm nước sông, làng nghề “chịu trận”

Làng nghề đan đó tôm ở Đường Ấm (xã Lam Hạ. TP. Phủ Lý, Hà Nam) vốn có thời hưng thịnh với khoảng 200 hộ dân làm nghề và 2/3 số lao động địa phương tham gia. Thế nhưng, như chia sẻ của ông Đỗ Chí Tuyển, một người dân ở làng nghề, thì “nạn ô nhiễm môi trường đã cướp miếng ăn của người dân”. Vì đâu nên nỗi ?

Ông Nguyễn Văn Phước, Trưởng thôn Đường Ấm: “Thời hưng thịnh có tới 2/3 số lao động địa phương làm nghề”.

Từng "sống khỏe" với nghề đan đó tôm

Ông Nguyễn Văn Phước (48 tuổi) - người có thâm niên trong nghề đan đó tôm, cũng là Trưởng thôn Đường Ấm, cho hay: “Vào những năm 30 của thế kỷ trước, một người dân ở làng trong chuyến đi chài lưới trên sông Châu Giang đã lượm được một chiếc đó. Thấy hay hay, người này đem chiếc đó về nhà, sau đó pha tre đan thử rồi đem đi đánh tôm dưới sông. Thấy tôm vào đó rất nhiều, người làng bảo nhau cùng học đan đó và làng nghề hình thành từ đó”.

 Theo lời ông Phước, nghề đó tôm tuy tồn tại ở Đường Ấm đã lâu, song chỉ có 2 thời kì hưng thịnh, đó là vào khoảng năm 1970 và giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Thời hoàng kim, Đường Ấm có tới 200 hộ trên tổng số 295 hộ dân tham gia làm nghề. Các sản phẩm đó tôm ở thời điểm đó không chỉ phục vụ nhu cầu đánh bắt thủy sản tại địa phương, mà còn cung ứng cho các vùng khác như Hà Tây, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, rồi thương lái ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… cũng về Đường Ấm đặt hàng.

Ông Bùi Văn Tuấn, Phó Chủ tịch xã Lam Hạ : “Nguồn nước sông bị ô nhiễm là hệ quả của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa “chóng mặt” tại địa phương”.

Gia đình ông  Đỗ Chí Tuyển  có tới ba đời đan đó tôm. Nói về làng nghề, ông hào hứng cho biết, thời hưng thịnh, đó tôm của Đường Ấm được đan từ cây tre trồng ven sông nên vị thanh ngọt, không đắng như tre trồng trên đồi cạn. Thêm nữa, hom đó thanh thấu, nan muốt nên tôm vào nhiều, vì tôm là loài có xúc giác khá nhạy cảm, một khi đó đan bằng tre có vị đắng, hoặc chạm phải thân nan thô giáp chúng sẽ bỏ đi ngay. Đặc biệt, nguyên liệu dùng đan đó tôm phải là loại tre già, óng để tăng độ bền cho sản phẩm.

Người làng Đường Ấm trong những năm 90 của thế kỷ trước đã được chứng kiến mỗi tháng có 3 đến 4 lượt xe Container, xe tải vào làng, xếp hàng  chờ đến lượt lấy đó để chuyển đi cung ứng cho các nơi khác. Ngày đó, do đó tôm là sản phẩm thủ công, trải qua nhiều công đoạn nên việc làm đó có thể tận dụng được sức lao động từ trẻ tới già, từ đàn ông đến phụ nữ: Thanh niên trai tráng thì pha tre, kết khung; người già thì vót trẻ nan; phụ nữ khéo léo đảm nhận việc đan lát, trong khi người già hay trẻ con thì ngồi ke những chiếc hom tỉ mẩn. Ai được tận mắt chứng kiến công việc của người dân nơi đây mới thấy sự phối hợp “dây chuyền” giữa các thành viên trong gia đình sao mà nhịp nhàng đến thế.

Ngôi nhà của ông Tuyển chưa kịp hoàn thiện thì làng nghề đã “chết yểu”.

“Thời hưng thịnh, cuộc sống của người làm nghề cũng ổn”, ông Tuyển nói vậy, và cho biết: Bình quân một ngày, người thuần thục nghề có thể đan từ 8 - 10 chiếc đó, thời điểm khan hàng có thể bán cất buôn với giá 6.500 - 7000 đồng/chiếc. Tính chi phí nguyên liệu, một cây tre đẹp và tốt giá khoảng 18 - 20.000 đồng, có thể đan được 50 - 70 chiếc đó, thậm chí 100 chiếc. Bình quân một tháng, mỗi gia đìnnh làm nghề (như hộ nhà ông Tuyển, ông Vân, ông Thoại, ông Hiến- những người quê gốc ở làng Đường Ấm) cho xuất xưởng từ 800 đến trên 1000 chiếc đó, tương đương thu nhập 6 -7 triệu đồng. Số tiền này vào thời điểm hoàng kim của làng nghề thì quả là thu nhập khá lớn với nhà nông, đặc biệt có ý nghĩa với vùng quê có bình quân diện tích đất canh tác thấp nhất trong tỉnh, chưa nổi 200 m2 trên một đầu người... Nhờ vậy mà có rất nhiều hộ xây được nhà kiên cố, có tiền cho con em ăn học...

Tôm chết, nghề cũng mất...

Khoảng năm 2003 - 2004, Đảng bộ xã Lam Hạ phối hợp cùng Ban khuyến nông, khuyến công tỉnh Hà Nam làm thủ tục hồ sơ đề nghị chính thức công nhận làng nghề đó tôm Đường Ấm là làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, kế hoạnh này không thành vì một nghịch cảnh thật trớ trêu: Nếu như thập niên 90 là những nấc thang đưa làng nghề phát triển tới “đỉnh”, thì những năm 2003 - 2004 lại là những máng trượt đưa làng nghề xuống dốc nhanh chóng.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Xuân Đoàn, quyền Phó Giám đốc Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hà Nam), cho hay: “Đó là tất yếu, vì hiện nay đa số các nguồn nước sông, suối đều bị ô nhiễm, là hệ quả của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa “chóng mặt” tại địa phương. Riêng các con sông Đáy, sông Nhuệ chảy qua địa bàn xã Lam Hạ, thành phần chất Amoni đo được gấp 300 lần cho phép, COD vượt 3,2 lần, chưa nói đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước ngầm. Nói về biện pháp khắc phục, ông Đoàn bảo rằng “còn là vấn đề nan giải”. Thời điểm ô nhiễm nặng nhất là khi các nhà máy của vùng thượng nguồn tiến hành xả thải, vì vậy cảnh tượng cá chết nổi trắng sông không còn là chuyện lạ. Có thể hiểu đây là nguyên nhân trực tiếp “bức tử” làng nghề.

Ông Bùi Văn Tuấn, Phó Chủ tịch xã Lam Hạ cho hay, hiện nay làng nghề chỉ còn lác đác gần hai chục nhà còn đan đó tôm. Nói là vẫn hoạt động, song việc đan đó chỉ cầm chừng, vì các vùng khác cũng chung cảnh tượng ô nhiễm, còn đâu tôm cá mà đánh bắt, đó tôm làm ra không tiêu thụ được. Những năm vừa qua, xã Lam Hạ đã tìm giải pháp thay thế là đưa nghề thêu ren về Đường Ấm, song vẫn không thoát khỏi bế tắc, do người dân khó thích nghi với nghề mới...

Ông Đỗ Chí Tuyển giờ chỉ đan đó tôm cầm chừng cho đỡ nhớ nghề.

“Về cơ bản người dân đã bỏ nghề đan đó gần hết, chuyển sang lao động tự do, như đi phụ hồ, chạy xe ôm, rồi đi làm mướn ở các địa phương khác, thu nhập một chăng hai chớ ”, ông Tuấn buông tiếng thở dài. Theo lời ông Tuấn, ngay tại làng nghề, một số hộ chuyển sang làm đậu phụ, nuôi lợn, nhưng cuộc sống rất bấp bênh, bởi thành phẩm chăn nuôi bán ra giá cả thất thường, đôi khi còn ảnh hưởng bởi dịch cúm H1N1. Hiện nay hộ nghèo tại làng Đường Ấm chiếm tỷ lệ cao nhất trong xã Lam Hạ, khiến cho địa phương này- dù cách TP. Phủ Lý chưa đầy 400m theo đường chim bay, nhưng vẫn nằm trong danh sách xã nghèo của tỉnh.

Trước khi chia tay làng nghề, chúng tôi ghé thăm nhà ông Đỗ Chí Tuyển nằm ngay bên con đường phơi đầy rơm rạ, căn nhà hai tầng có bộ khung kiên cố nhưng lại mốc meo màu vữa. Chúng tôi thầm hiểu, có lẽ căn nhà của gia đình ông được xây vào những năm tàn lụi của làng nghề nên chưa kịp vôi ve. Nghề đan đó “chết yểu”, người làm nghề cũng hết nguồn thu. Chỉ tay về phía đoạn sông nồng nặc mùi thối, ông Tuyển mắt đượm buồn, bảo rằng “chính vấn nạn ô nhiễm môi trường đã cướp miếng ăn của người dân...”.

Tay nâng chén nước chè vàng quánh, chúng tôi thầm cảm thông với những giọt đắng mà ông Tuyển cùng những người dân Đường Ấm đang trải nghiệm, vì họ thực sự bất lực đứng nhìn nghề đó tôm chết từng ngày! Có lẽ giờ đây, người dân Đường Ấm chỉ còn biết tự an ủi mình bằng những hoài niệm, hoài niệm về làng nghề hưng thịnh ngày xưa...