Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ở nơi bú vú hàng xóm để tăng tình đoàn kết

Nhiều năm trước, khi cơn đại dịch bệnh tràn qua ba ngôi làng Kon K’tur, Kon Jơ Ri và Đắk Rơ Wa nằm nép mình bên dòng sông Đắk Bla,(TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) nhiều người đã có chút ái ngại khi qua lại nơi đây, dân cư cũng vì thế mà thưa thớt. Nhưng rồi những phong tục lạ lẫm cùng lối sống hồn hậu ở đây đã khiến du khách đến ngày càng nhiều hơn.

 

Ước nguyện thiêng từ những đêm lễ căng tai

 Những người Ba Nar, Ê Đê ở  Đắk Rơ Wa, Kon Ktur không ai còn nhớ chính xác ngày ra đời tập tục căng tai. Bà Y Linh thổn thức kể rằng: “Từ ngày cha tôi là tù trưởng Y Mung còn sống phong tục này đã có rồi. Nó tượng trưng cho vẻ đẹp và sự mỹ miều của mỗi cô thôn nữ. Cứ bước vào tuổi 12 là sẽ được nong tai. Ngày các tù trưởng còn sống thì chủ trì các đêm lễ nong tai phải là do các tù trưởng chịu trách nhiệm. Nhưng giờ bộ tộc đã tan rã nên các già làng đứng ra chủ trì các đêm đó. Đêm lễ nong tai thường diễn ra từ 8 giờ tối đến tận lúc bóng người dưới trăng dài như cây sào mới thôi”.

Theo các gìa làng ở đây thì cách đây hơn 300 năm, bỗng một ngày ông tù trưởng Y Nhung, vốn có xuất thân từ một lái buôn xuyên chiếc kim châm bằng ngà voi vào tai con gái mình. Thấy thích thú nên cứ vài tháng ông lại đổi chiếc kim châm to hơn vào tai con gái mình. Chẳng mấy chốc chiếc tai đã được nong to căng ra như tai voi. Tù trưởng Y Nhung muốn con gái trong cả buôn đều làm như thế. Dường như đây là một trong những nghi lễ quan trọng, tạo nên dấu ấn trong cuộc đời một thiếu nữ Ba Nar, Ê Đê bên dòng sông chảy ngược này nên họ nhớ rất lâu. Bà Y Linh bộc bạch: “Đêm lễ hội căng tai quan trọng và đáng nhớ như ngày đầu tiên người con gái bắt được chồng về ở nhà mình vậy. Nôn nao và đầy khao khát. Ngày đó biết mình chuẩn bị được tham gia lễ nong tai tôi vui mừng thổn thức suốt cả tháng trời. Lúc lên rẫy cứ vui trong bụng và còn hát một mình nữa”.

                                        Các già làng cho biết lớp trẻ giờ không còn căng tai nữa vì đau lắm 

Buổi lễ nong tai thường diễn ra trong những đêm trăng sáng. Nhưng người ta không chọn ngày lẻ. Bởi ngày lẻ thường mang theo nhiều bắt trắc. “Họ nghĩ, nếu chọn đêm lẻ thì cuộc sống của các thiếu nữ được nong tai sau này cũng đơn lẻ, nhiều khi bất trắc mà không bắt được chồng”- Ông Y Mun cho biết. Để có một đêm lễ nong tai diễn ra trọn vẹn không thể thiếu rượu cần và bếp lửa. Trước khi nhập cuộc, mỗi người bước ra trước đống lửa hút một hơi rượu cần để tinh thần được hăng say hơn. Mở màn, già làng sẽ làm lễ cúng để thông báo cho các đấng thần linh biết, kể từ ngày này sẽ có thêm một thiếu nữ sắp sửa bước vào tuổi bắt chồng. Già làng sẽ cúng rằng: “Hỡi các đấng thần linh. Các Ngài đã tạo nên vạn vật muôn hoa, tạo nên những người thiếu nữ khỏe mạnh có thể leo qua nhiều nương rẫy. Có thể sinh ra nhiều đứa trẻ khỏe mạnh hãy về đây đây để nghe trái tim những thiếu nữ thổn thức. Về đây nhận những chiếc tai bắt đầu được căng lên để duyên dáng hơn. Ơi Yàng, ơi những đấng thần linh hãy bảo vệ cho những thiếu nữ này. Hãy để cuộc đời họ đầy đủ như những đêm trăng ngày chẵn này. Chúng con biết ơn các đấng thần linh. Các Ngài sẽ mãi trường tồn cùng với buôn làng và sinh sôi từ các thiếu nữ này…”  

Khi già làng vừa dứt lời khẩn cầu thì các thiếu nữ bước ra. Trước khi cành lồ ô hay chiếc kim châm bằng vật quý, bằng thép hoặc chiếc răng lược được xuyên vào vành tai, các thiếu nữ này sẽ lặng im để ước nguyện. Những lời ước nguyện thiêng liêng này có khi cất lên thành tiếng có khi chỉ lặng im khẩn cầu. Và rồi, có thể chỉ do tình cờ mà các lời cầu nguyện đó thành hiện thực nhưng những người thiếu nữ này vẫn tin đó là do các đấng bề trên phù hộ. Bà Bra Hoong hồi tưởng lại rằng: “Đêm đó tôi cầu nguyện rằng, chiếc tai của mình sau này sẽ chảy xệ xuống như bàn tay. Như thế sẽ duyên dáng nhất buôn. Sẽ lấy được người chồng khỏe như trâu cày, khoáng đạt như rừng già. Niềm vui như vỡ òa trong bụng khi bước vào tuổi 18, tôi đã bắt được một người chồng đúng như mình mong muốn”. Cũng có những người không may mắn, lời ước nguyện trong đêm thiêng đó không thành hện thực. Tuy nhiên họ lại luôn nghĩ rằng, có lẽ lời ước nguyện chưa đến được tai các đấng thần linh hoặc trong giây phút lơ đãng các Ngài không kịp nghe chứ không bao giờ oán trách. Bà Y Nhút buồn rầu tâm sự: “12 tuổi mình cũng được các già làng làm lễ nong tai. Trong lúc nói lời ước nguyện mình đã cầu rằng; hãy cho một người chồng vạm vỡ. Hãy cho nương rẫy mãi xanh tốt và người xung quanh không bao giờ mắc bệnh tật. Cái bụng lúc nào cũng dạt dào niềm vui khỏe”. Cho rằng lời ước nguyện chưa đến được tai các vị thần nên nhiều năm nay bà Nhút bệnh tật triền miên, người chồng của bà thì cũng chẳng khỏe mạnh gì và đã mất cách đây gần 10 năm.

 

    Những đêm trăng bú vú kết nghĩa

  Xuyên suốt làng làng Kon Kri, Kon K’Tur cùng nhiều bản làng khác của người Ba Nar xưa kia là sự thống lĩnh và tồn tại một bộ tộc khá độc đáo- Bộ tộc cà răng. Bộ tộc này định cư và sâu chuỗi liên kết với nhau bằng sự đồng điệu của cộng đồng, cùng một tộc người chứ không tính về khoảng cách địa lí. Từ hơn 100 năm trước, khi đó, tù trưởng của bộ tộc này là B’Hốk đã từng bước tiến hành cà sáu chiếc răng trước cửa của các thành viên trong làng khi bước qua tuổi 15.

Già làng Y Mút lục lại ký ức kể rằng: “Không nhớ nổi đâu. Từ khi tôi sinh ra đã có tục lệ này rồi. Cũng bởi tục lệ cà răng độc đáo này nên người ta gọi luôn nó thành tên của bộ tộc đấy. Lễ cà răng thường được diễn ra vào những đêm tối trời, khi mọi vật đã trở về trạng thái yên tĩnh. Trước khi cà răng, các thầy mo sẽ khấn Yàng rằng: “Ơ Yang muôn vàn kính yêu và Ngài là đấng tối thượng. Hãy về đây xem những chiếc răng kỳ diệu của buôn làng bắt đầu được cà. Cà để trưởng thành, cà để khắng định những đứa con này là người thực thụ của buôn làng sẽ chiến đấu và gắn bó với buôn làng này dù cho có bất cứ sự cố gì xảy ra”. Đó là chuyện xưa, giờ đây cà răng đau lắm nên còn rất ít người cà.

 

                                            Trẻ em nhà này bú vú mẹ nhà kia để tăng tình đoàn kết    

Sau khi cúng Yang những người có uy tín trong làng sẽ lấy chính những hòn đá nhặt được dưới các lòng suối cà mạnh và những chiếc răng cửa của những người tham gia hành lễ. Khi nào những chiếc răng được cà mòn hết một nửa mới thôi. Vì quá đau đớn nên người được cà răng sẽ có hai người giữ chặt phía sau lưng. Sau khi cà răng, người Ba Nar lấy một loại cây bí mật trong rừng cấm có tên Bihiu (tiếng Kinh gọi là cây Rang rừng) về nghiền nhỏ nấu thành một thứ bột màu đen kịt sau đó trộn nhuyễn với nước từ dòng sông chảy ngược Đắk B’la rồi xoa lên từng chiếc răng bị cà. Cứ mỗi ngày sau bữa ăn bôi một lần, bôi liên tục từ 20-30 ngày thì hàm răng sẽ bóng chắc, và chỗ bị cà mòn từ đây trở về sau không bị đau nhức, sưng tấy. Sau khoảnh khắc này, những người được cà răng chính thức trưởng thành.

Không chỉ có sự độc đáo của tục cà răng mà những người Ba Nar ở hai ngôi làng cổ này cũng như người các buôn làng ở xã Đắk-Rơ-Wa (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) còn tồn tại một nghi lễ vô cùng lạ lẫm và đầy ngỡ ngàng đó là bú vú kết nghĩa. Trong niềm thổn thức, già làng Ngol ở làng Kon Ktur kể rằng: cùng là một tộc người với nhau cả nhưng trước kia, mà mới chỉ cách đây mấy chục năm thôi người làng nọ vẫn thường xuyên xung đột và xô xát người làng kia. Để hóa giải điều này, các già làng nghĩ ra cách những đứa trẻ khi mới sinh ra từ làng này sẽ được bế sang làng khác cho bú vú các bà mẹ ở làng bên nhằm tăng tinh thần đoàn kết với lời nhắn nhủ đã cùng uống chung một dòng sữa. Từ niềm tin này, các lớp thanh niên hiện nay rất ít đánh nhau như trước nữa. Thường các buổi lễ bú vú kết nghĩa diễn ra trong những đêm trăng. Trời mưa thì tuyệt đối không được tiến hành vì người ta tin rằng sẽ không mang lại điều may mắn.