Bố mẹ vợ Hiệp chỉ coi trọng những món quà đắt tiền mà Minh biếu tặng. Ảnh minh họa (Internet)
Ngột ngạt vì suốt ngày bị so sánh
Sau 4 năm kể từ ngày Hiệp lấy vợ, chúng tôi mới có dịp gặp nhau. Trước khi cưới, Hiệp tự hào khoe với tôi là lấy được cô vợ giỏi giang, con nhà khá giả. Nhưng giờ gặp lại, bạn tôi buồn bã nói cuộc sống của mình đang bế tắc. Chả là, nhà vợ Hiệp chỉ có hai cô con gái là Phương - vợ Hiệp và Trang, chị gái sinh đôi của Phương. Sau khi các con kết hôn, bố mẹ vợ Hiệp cất cho mỗi cô con gái một căn nhà 4 tầng trong khuôn viên. Vì ở sát nhà bố mẹ vợ nên hầu như từ việc cơm nước, ăn uống, mua sắm đồ đạc trong nhà, đến chuyện hai gia đình đi chơi ở đâu và vào lúc nào, bố mẹ vợ Hiệp cũng can thiệp, bắt các con nghe theo. Không được sống theo ý mình, nhiều khi Hiệp không đồng ý, thế nhưng Phương lại nói, mọi thứ đều nhờ bố mẹ giúp đỡ mà có nên cố gắng chiều ông bà một chút. Những can thiệp của bố mẹ vợ vào cuộc sống, Hiệp có thể bỏ qua, nhưng việc ngày này qua tháng khác, mẹ vợ mang Minh - chồng Trang ra so sánh với mình thì Hiệp không thể chịu được.
Minh làm ở một công ty du lịch nên có thu nhập tốt, và thường xuyên được đi đây đi đó và thường hay mua quà là đặc sản các vùng miền, các nước về biếu bố mẹ vợ. Quà Minh mua khi thì tấm lụa xịn ở Hội An, khi thì cân tổ yến Khánh Hòa, khi thì những loại thuốc bổ tốt cho xương khớp ở tận Nhật Bản, khi thì là những loại nước hoa, mỹ phẩm từ châu Âu,… Bố mẹ vợ Hiệp rất hài lòng và tự hào về anh con rể cả. Càng tự hào về Minh bao nhiêu thì họ lại càng tỏ vẻ thất vọng về việc HHiệp bấy nhiêu. Vậy là, trong các bữa cơm chung hay những buổi cả đại gia đình xum họp, thể nào bố mẹ vợ Hiệp cũng mang hai cậu con rể ra so sánh: “Đấy, anh Minh thật giỏi giang. Giá mà anh Hiệp cũng được một phần như thế thì bố mẹ đi đâu cũng ngẩng cao đầu với họ hàng, làng xóm”. Hay khi được Minh biếu những thức ngon vật lạ, mẹ vợ sẽ mang ngay sang nhà Hiệp để khoe và hết lời khen rể cả trước mặt rể hai: “Cái Trang nhà này thật là tốt phúc khi lấy được anh Minh. Gớm, người đâu mà được cả người cả nết. Có con rể như anh ấy, bố mẹ tự hào lắm. Đấy, hôm nay anh Minh vừa đi Hàn Quốc về biếu bố mẹ mấy hộp sâm quý. Con xem mà học anh nó, tìm chuyển công việc gì cho nó sang trọng hơn đi”. Kiểu so sánh rể cả với rể hai của bố mẹ vợ làm Hiệp nhiều khi rất khó chịu. Thực lòng, Hiệp rất quý và tôn trọng ông bà. Là một công chức Nnhà nước, thu nhập của Hiệp so với Minh thì không bằng, nhưng vào những dịp lễ, tết hay có khoản tiền thưởng, anh đều mua những món quà phù hợp về tặng bố mẹ vợ. Hơn nữa, trong gia đình, những việc cần đàn ông con trai lo liệu, hay khi bố mẹ vợ đau ốm, anh đều chu toàn. Thế nhưng, dường như với bố mẹ vợ Hiệp, những việc anh làm là đương nhiên và họ chỉ trân quý những món quà đắt tiền và công việc kiếm ra nhiều tiền của rể cả. Rất nhiều lần, mẹ vợ Hiệp bóng gió rằng: Cùng sinh một ngày, một giờ; cùng được nuôi nấng, dạy dỗ; ra trường làm cùng một công ty, vậy mà số Trang sướng, lấy được chồng giỏi giang, khéo léo, còn Phương thì lấy chồng bình thường quá. Mỗi khi có khách ở quê ra, hay anh em họ hàng đến chơi, bố mẹ vợ Hiệp mang hết các loại quà đắt tiền Minh biếu ra khoe và luôn miệng khoen rể cả, rồi tìm cớ chê bai rể hai. Cảm thấy bị xúc phạm, Hiệp đã nhiều lần nới chuyện với vợ để Phương góp ý với bố mẹ. Thế nhưng, ông bà chỉ rút kinh nghiệm được năm bữa nửa tháng rồi mọi chuyện lại đâu vào đó.
Ở rể nhà giàu, nhiều ông chồng bị coi như ô sin. Ảnh minh họa (Internet)
Coi con rể như ô sin
Lan là con một, nên ngay khi yêu, cô đã nói với Cường là sau khi cưới, cả hai sẽ sống cùng bố mẹ mình. Lúc đầu, Cường không chịu, vì sợ cảnh “chui gầm chạn”. Thế nhưng, vì yêu Lan và vì điều kiện chưa có nhà ở Hà Nội, lấy nhau về chắc chắn phải ở thuê nên Cường chấp nhận ở rể. Mọi chuyện diễn ra vui vẻ cho đến khi cơ quan Cường làm ăn khó khăn và anh quyết định về làm ở công ty của gia đình vợ. Lan và bố mẹ cô bắt đầu quản Cường chặt chẽ. Cường đi đâu, làm gì, gặp gỡ ai cũng phải báo cáo chi tiết, rõ ràng với bố mẹ vợ. Từ ngày có Cường về làm, bố vợ anh cho một số người nghỉ việc để tiết kiệm chi phí. Và đương nhiên, Cường ngoài công việc trợ lý giám đốc sẽ kiêm cả lái xe, thợ sửa máy tính, sửa chữa điện nước, thậm chí cả mua bán nhu yếu phẩm. Các khoản lương, thưởng của Cường, kế toán công ty đều chuyển thẳng vào tài khoản của Lan. Hàng tháng, Lan chỉ đưa cho Cường một chút ít tiền, còn đâu cô giữ hết với lý do đầu tư thêm vào công ty, vì trước sau nó cũng của vợ chồng mình. Vậy là, Cường có muốn về quê thăm họ hàng, hay muốn mua chút quà biếu bố mẹ cũng phải xin Lan. Về làm ở công ty gia đình vợ, Cường chẳng có thời gian về quê thăm bố mẹ. Còn bố mẹ anh thì dù có nhớ con trai, nhớ cháu đến mấy cũng không muốn lên thăm, vì sau vài lần lên chơi, thái độ của thông gia không mặn mà gì.
Cường cố gắng, hết mình vun vén cho gia đình vợ, thế nhưng, bố mẹ vợ không những không trân trọng con rể mà càng ngày càng tỏ thái độ coi thường anh. Ông bà nghĩ Cường ở rể là phụ thuộc kinh tế nên coi con rể như ô sin trong nhà, việc gì cũng có thể sai bảo. Cả hai ông bà còn thể hiện rõ quan điểm, Cường cứ ngoan thì cái gì cũng có, còn nếu không, anh sẽ phải ra đi tay trắng. Cuộc sống ngột ngạt, khó chịu, Cường bàn với Lan ra ngoài sống và sẽ tìm công việc khác để làm. Thế nhưng, lấy lý do ra ngoài thuê nhà ở vất vả, các con sẽ khổ và gần 40 tuổi sẽ khó xin được công việc như ý muốn,… nên Lan không đồng ý. Cường đang rất rối vì không biết nên chấp nhận cuộc sống hiện tại hay cương quyết ra ngoài sống để thoát cảnh là con rể mà như ô sin.
Hồng Trần/TC GĐ&TE