Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, biến thể Omicron đang lan rộng trên khắp thế giới nhưng có vẻ gây ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại ban đầu. Do đó, nhiều người tin rằng đại dịch có thể sớm được khắc phục và cuộc sống trở lại bình thường.
Tuy nhiên, bà Catherine Smallwood - quan chức cấp cao của WHO đã đưa ra lưu ý đáng ngại trên và cảnh báo rằng tỷ lệ nhiễm trùng tăng cao có thể có tác dụng ngược lại.
"Biến thể Omicron càng phát tán, càng lây lan nhiều và càng tái tạo thì càng có nhiều khả năng tạo ra một biến thể mới. Nguy cơ gây tử vong của biến thể Omicron có thể kém hơn Delta một chút nhưng không thể nói trước điều gì nếu một biến thể mới xuất hiện" – bà Smallwood cho biết.
Tính đến thời điểm hiện tại, châu Âu đã ghi nhận hơn 100 triệu trường hợp mắc Covid-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch và hơn 5 triệu trường hợp mắc mới vào tuần cuối cùng của năm 2021.
"Chúng ta đang ở trong một giai đoạn rất nguy hiểm. Tỷ lệ lây nhiễm tăng rất đáng kể ở Tây Âu và tác động đầy đủ của thực trạng này vẫn chưa rõ ràng", bà Smallwood phân tích và nói thêm rằng: "Khi bạn thấy các ca bệnh tăng lên đáng kể, điều đó có khả năng tạo ra nhiều người mắc bệnh nặng hơn, phải nhập viện và có thể tử vong".
Nước Anh đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng bệnh viện do tình trạng thiếu nhân viên gây ra bởi làn sóng nhiễm trùng biến thể Omicron đã khiến số ca mắc Covid-19 mới hàng ngày của nước này lần đầu tiên vượt quá 200 nghìn người. Bà Smallwood cho rằng, kịch bản này có thể cũng sẽ diễn ra ở các nước châu Âu khác trong thời gian tới.
Theo báo Nhân dân, trước diễn biến của dịch bệnh, nhiều nước gia hạn tình trạng khẩn cấp. Chính phủ Latvia đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp phòng dịch Covid-19 hiện nay đến ngày 28/2 nhằm ngăn chặn đà lây lan biến thể Omicron. Chính phủ quy định bắt buộc đeo khẩu trang y tế hoặc mặt nạ phòng độc tại tất cả không gian công cộng. Theo quy định hiện hành, người dân có thể đeo khẩu trang vải tái sử dụng. Trong khi đó, chứng nhận tiêm vaccine ngừa Covid-19 có hiệu lực trong vòng 9 tháng, ngoại trừ chứng nhận tiêm vaccine Janssen của Hãng Johnson & Johnson sẽ hết hiệu lực sau 5 tháng.
Nhà chức trách Cyprus (Síp) đang cân nhắc siết chặt các biện pháp nhằm khống chế dịch lây lan trong bối cảnh nước này ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới trong vòng 7 ngày qua. Cụ thể, Cyprus ghi nhận 2.505 ca/100.000 dân. Cyprus đã thắt chặt quy định nhập cảnh, yêu cầu các công ty bảo đảm 40% số nhân viên làm việc từ xa, cân nhắc hoãn kế hoạch khai giảng năm học mới.
Chính quyền thành phố New Delhi (Ấn Độ) thông báo sẽ áp đặt biện pháp phong tỏa tại khu vực này vào cuối tuần nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo biện pháp mới, tất cả người dân New Delhi, trừ những lao động trong lĩnh vực thiết yếu, sẽ không được ra khỏi nhà từ tối thứ 6 đến sáng thứ 2. Tuần trước, New Delhi đã đóng cửa phòng tập và rạp chiếu phim, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Hạ viện Philippines đã phong tỏa trụ sở để hạn chế sự lây lan biến thể Omicron. Dự kiến, lưỡng viện quốc hội Philippines sẽ hoạt động trở lại vào ngày 17/1. Số ca mắc mới Covid-19 tại Philippines mới đây đã tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng. Theo thông báo từ chính phủ, 3 tỉnh lân cận thủ đô Manila đã nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức cao thứ 3 kể từ ngày 5/1.
Làn sóng lây lan dịch Covid-19 cũng đang tăng mạnh tại một số quốc gia vùng Vịnh, trong đó số ca mắc mới trong hai ngày qua tại Saudi Arabia (A-rập Xê-út) đã tăng hơn hai lần, lên hơn 2.500 trường hợp. Chính quyền Saudi Arabia đã áp dụng lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Nước này cũng đã khuyến nghị người dân hạn chế xuất cảnh trong những trường hợp chưa thật sự cần thiết.
Khu hành chính đặc biệt Hồng Công (Trung Quốc) thông báo sẽ cấm các chuyến bay từ tám quốc gia, đồng thời áp đặt một số biện pháp hạn chế mới do lo ngại về nguy cơ xuất hiện làn sóng dịch bệnh mới. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong hai tuần kể từ ngày 8/1. Từ ngày 7/1, Hồng Công sẽ đóng cửa một số khu vui chơi giải trí. Các sự kiện lớn sẽ bị hủy trong thời gian từ ngày 7 đến 20/1.
Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch ban bố tình trạng bán khẩn cấp tại tỉnh Okinawa trong tuần này, bao gồm các biện pháp như hạn chế thời gian hoạt động của nhà hàng và quán bar. Okinawa đã bước vào làn sóng thứ 6 của đại dịch Covid-19 do biến thể Omicron làm gia tăng nhanh số ca mắc mới. Lần đầu tiên trong ba tháng qua, số ca mắc mới hằng ngày tại Nhật Bản đã vượt ngưỡng 1.000 ca.