Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ổn định gia đình từ chi tiêu và tích lũy

 
Chiến lược chi tiêu thông minh
 
Nhiều cặp đôi giữ được hạnh phúc gia đình chính là nhờ vào kế hoạch chuẩn bị chi tiết cho cuộc sống hôn nhân. Để có được sự ổn định cuộc sống, những cặp vợ chồng trẻ đã có những bước chuẩn bị trước cho sự bất ổn. Họ linh hoạt, chủ động ứng phó với mọi hoàn cảnh, môi trường. Sự trưởng thành trong suy nghĩ và ý thức của giới trẻ khi tự lập kế hoạch cho gia đình riêng là dấu hiệu đáng mừng giữa một xã hội đang có quá nhiều tin tức ly hôn và hôn nhân khủng hoảng. Tổ ấm được chuẩn bị nền móng kỹ lưỡng sẽ không dễ dàng đổ vỡ trước sóng gió cuộc đời. Vì thế, không ít cặp đôi trẻ tự tin vào tương lai hôn nhân hạnh phúc và lên kế hoạch cuộc sống cho cả một hành trình “dài hơi” sau ngày cưới.
 
Tài chính ổn định sẽ tạo điều kiện cho cuộc sống hôn nhân bền chặt. Ngoài ra, đây còn là sự chuẩn bị về mặt tâm lý trước những khó khăn, thách thức có thể xảy đến bất ngờ. Trong sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi kết hôn và kế hoạch tài chính dài hơi cho cuộc sống hôn nhân để duy trì hạnh phúc gia đình, có chiến lược chi tiêu thông minh. 
 
Thanh Minh - một nhân viên ngân hàng ở quận Bắc Từ Liêm bộc bạch: Ngay cả đến việc tự mình quyết định cuộc đời mình ra sao cũng đã là một hành trình gian nan, nói gì tới việc phải cùng một người khác lo cho một gia đình. Chi phí sinh hoạt ngày càng cao, nhất là ở các thành phố, đô thị lớn, khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ phải vắt sức trang trải. Tổng thu nhập trung bình một tháng của hai vợ chồng tôi khoảng 25 triệu đồng. Ngày trước, khi chưa có con, việc chi tiêu khá xông xênh, hàng tháng còn để dành ra mươi triệu đồng tiết kiệm. Khi có con, mọi thứ như thay đổi, nhiều việc phải chi tiêu mới thấy giá trị của việc biết chi tiêu và tích lũy. Tuy nhiên, không phải chỉ có hai vợ chồng trẻ rối ren với việc quản lý chi tiêu, nhiều gia đình thu nhập khá cũng có những vấn đề về chi tiêu.
 
Ở một hoàn cảnh khác, khi nghe tin vợ chồng Tuyết mua được nhà ở khu đô thị, nhiều người ngỡ ngàng. Với mức thu nhập cả hai vợ chồng vào khoảng 20 triệu/tháng, sau 6 năm kết hôn, họ đã mua được căn nhà ở khu đô thị có không gian tốt. Tuyết không giấu giếm bí quyết của mình: Sau 3 năm làm việc, vợ chồng tiết kiệm được 350 triệu đồng, dự tính để mua nhà nhưng chưa đủ. Hai vợ chồng cũng không vay mượn được người thân, vì hoàn cảnh gia đình hai bên đều khó khăn. Được bạn giới thiệu cho một dự án chung cư với giá cả rất hợp lý dành cho những người có thu nhập thấp, một căn hộ 70m2 chỉ tầm 1,5 tỷ đồng, cách trung tâm Hà Nội khoảng gần 10km, không gian sống tiện ích, hai vợ chồng quyết định đặt cọc mua trả góp và lên kế hoạch để khi nhận nhà mới có con. Theo lời khuyên của chuyên gia tài chính, dù thu nhập của mỗi gia đình là bao nhiêu, cũng nên để dành tiết kiệm ít nhất là 10%. Để đảm bảo chi tiêu trong gia đình, chia tổng thu nhập của hai vợ chồng thành 4 quỹ: chi tiêu chung cả nhà, chi tiêu cho riêng vợ và chồng, phần còn lại tích lũy. Có thể chia theo tỷ lệ lần lượt là 4-3-2-1 hay 3-3-3-1, tùy điều kiện thực tế của gia đình và bỏ riêng từng quỹ vào các phong bì để chi dùng. Cũng để tránh tình trạng chật vật chi tiêu, những khoản cố định bắt buộc phải chi như: tiền sữa, tiền học cho con, tiền đi chợ, điện, nước, gas… đều phải chia nhỏ, bỏ vào từng phong bì riêng và cương quyết không dùng đến. Đi chợ bao nhiêu tiền và dù có thế nào cũng đừng mua nhiều hơn số tiền đã định. Ngoài ra, nên có kế hoạch để dành mỗi tháng vài trăm nghìn, phòng khi có việc cần. Nên nhớ, số tiền để dành này hãy để vào một phong bì và đừng bao giờ đụng đến. Nhiều năm nay, kế hoạch chi tiêu của hai vợ chồng được tuân thủ chặt chẽ. Vì vậy, sau 6 năm kết hôn, vợ chồng Tuyết có con trai 1 tuổi, tài sản là căn hộ chung cư mua trả góp.
 
Cũng theo Tuyết, việc đầu tư để tăng thu nhập trong tương lai là điều cần thiết. Vì vậy, việc kiếm thêm các nguồn thu nhập khác từ đầu tư là hoàn toàn cần thiết. Đây sẽ là nguồn sinh lợi trong tương lai mà không phải bỏ công sức lao động, nó cũng sẽ làm gia đình an tâm hơn về tài chính của mình.
 
 
Sự ổn định chính là kết quả của một quá trình dài tích lũy
 
Ai cũng muốn có một cuộc sống thật tiện nghi, đầy đủ. Sức cám dỗ tiện nghi rất dễ khiến người ta vung tay quá trán. Khi túi tiền còn “mỏng” thì hãy nên mua sắm dàn trải dần dần, tập trung vào những vật dụng thiết yếu trước, không nên thích gì mua nấy. 
 
Trở lại với tâm sự của Thanh Minh - một nhân viên ngân hàng: Xã hội đã có nhiều tiến bộ về vật chất, song chủ yếu người lao động lương thiện vẫn sống nhờ lương, thu nhập không cao, giá cả thì biến động. Sống hướng tới sự ổn định gia đình, tôi càng thấm thía lời đúc kết tưởng như cũ càng “khéo ăn thì no.,khéo co thì ấm”. Tôi có thói quen ghi chép việc chi tiêu, lúc đầu cũng thấy mình “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”, sau thấy đó là việc nên làm. Việc ghi chép còn giúp gia đình mình làm chủ được những khoản đã chi trong tháng và luôn kiểm soát được dòng tiền cho gia đình. Nhất là những đôi vợ chồng trẻ làm công ăn lương, mỗi tháng chỉ được nhận lương một lần và chi tiêu cho cả tháng, thì việc ghi sổ và phân bổ chi phí là điều hoàn toàn cần thiết.
 
Khi đã có gia đình riêng là sẽ kéo theo một hàng dài danh sách các thứ cần phải chi tiêu. Chính vì vậy, mỗi gia đình cần có ý thức tích lũy tài sản cho tương lai. Đó chính là chỗ dựa của bạn trong tương lai nếu chẳng may có những điều bất ngờ như công việc không được thuận lợi, đau ốm, việc gia đình nội ngoại… Rất đơn giản, hàng tháng đều đặn, bạn chỉ cần trích ra một khoản tiền nhỏ để gửi tiết kiệm ở một ngân hàng uy tín. Cho dù lãi suất vẫn còn thấp nhưng quan trọng là nó ổn định, giúp gia đình tích lũy được cho tương lai. Bên cạnh đó, hàng tháng cũng có thêm một chút từ tiền lãi để trang trải thêm cho cuộc sống gia đình.
 
Sự ổn định của một gia đình chính là ở niềm tin, là hi vọng,được sống với những ước mơ, dự định của chính mình. Sự ổn định ấy chính là kết quả của một quá trình dài tích lũy, là hiện thân của những quyết định dũng cảm và những bước đi không do dự. Ổn định cuộc sống theo nghĩa đơn thuần không phải ở chỗ có một căn nhà, một cái xe hơi và những giá trị vật chất khác, mà là sự yên ổn ở tâm hồn, là những giá trị của bản thân. Bất kỳ thời nào, gia đình cũng vẫn là tổ ấm, vẫn là một tế bào của xã hội để mãi mãi không bao giờ quên trách nhiệm xây dựng gia đình mình thành một gia đình yên ấm, vui vầy.                                                                                                           

Thành Sơn/TC GĐ&TE