Niềm vui của các em nhỏ trong ngày khai giảng. Ảnh minh họa
Lần đầu tiên, Việt Nam có khai giảng online trên truyền hình
Covid-19 bất ngờ quay trở lại lần thứ hai khiến nhiều người hoang mang, lo lắng, nhưng thật may mắn, dịch bệnh nhanh chóng được Chính phủ khoanh vùng và kiểm soát. Và năm học mới cuối cùng vẫn đã diễn ra như đúng kế hoạch hàng năm, ngày 5/9 vẫn là ngày ghi một dấu ấn quan trọng trong cuộc đời các em học sinh.
Tại Hà Nội và một số tỉnh thành, ngày tựu trường của tất cả các cấp học, ngành học là ngày 1/9 và Lễ khai giảng được tổ chức vào ngày 5/9 với hình thức trực tiếp tại các trường học và các cơ sở giáo dục, tuy nhiên thời gian khai giảng không quá 45 phút.
Trong khi đó, tại thành phố Đà Nẵng, do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hàng nghìn học sinh Đà Nẵng sẽ dự khai giảng trực tuyến với chương trình Tọa đàm “Đà Nẵng - Chào năm học mới” trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng cùng với các chương trình giới thiệu về từng trường học qua trang web của đơn vị. Chương trình Tọa đàm “Đà Nẵng - Chào năm học mới” được phát sóng vào lúc 7h đúng sáng ngày 5/9 trên kênh DanangTV1 và DanangTV2 (Đài PT-TH Đà Nẵng), và phát lại vào lúc 15 giờ chiều cùng ngày.
Còn tại TP.HCM, Lễ khai giảng sẽ tập trung đại diện học sinh các khối lớp tham dự; mỗi lớp từ 10 đến 20 học sinh (riêng học sinh các lớp đầu cấp dự đầy đủ). Chương trình lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn, khoảng 60 phút bao gồm nhiều hoạt động.
Trên toàn quốc, điểm khác biệt lớn nhất so với các năm học trước là các em học sinh, giáo viên cũng như cán bộ nhân viên nhà trường sẽ được đo thân nhiệt đầu mỗi buổi học, thực hiện đeo khẩu trang ngoài lớp học, rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Trong thời gian học, các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mệt mỏi sẽ được nhà trường lập sổ theo dõi.
Các trường có tổ chức cho học sinh ăn bán trú có thể chia làm nhiều đợt, đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn. Kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm, tránh cho học sinh sử dụng chung khay thực phẩm, thức ăn chung trong bữa ăn.
Đối với các trường học nội trú, hiệu trưởng chịu trách nhiệm toàn bộ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các hoạt động đối với học sinh nội trú. Bố trí chỗ ăn hợp lý, giảm thiểu tối đa tập trung đông người, đồ dùng sinh hoạt cá nhân phải dùng riêng.
Làm gì để con vững tin đến trường trong mùa dịch?
Covid-19 đã không còn xa lạ tại Việt Nam, vậy nên hầu hết các em học sinh cũng như phụ huynh đã không còn bỡ ngỡ trước các quy định khác lạ của năm học 2020-2021. Tuy nhiên, trở lại trường học sau 1 tháng nghỉ hè được thoải mái ăn ngủ là điều chẳng mấy dễ dàng đối với tất cả các em học sinh. Covid-19 cũng góp phần làm gia tăng sự lo lắng ở cả phụ huynh lẫn trẻ nhỏ. Để ổn định tâm lý các con trong năm học mới trong hoàn cảnh dịch Covid vẫn còn tồn tại, cha mẹ cần lưu ý:'
Công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 được các trường học chú trọng. Ảnh: KT
Nhắc nhở con đeo khẩu trong tại nơi công cộng và thường xuyên rửa tay sát khuẩn
Việc đeo khẩu trang và sử dụng dung dịch sát khuẩn thường xuyên đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là các em học sinh lớp 1, lớp 2, là điều chẳng hề dễ dàng. Trẻ cảm thấy ngộp thở khi phải đeo khẩu trang ra đường và chúng thường xuyên quên hoặc làm mất khẩu trang, vì thế, cha mẹ nên sẵn sàng chuẩn bị một vài khẩu trang dự phòng trong cốp xe hoặc để sẵn trong cặp sách của trẻ. Bạn cũng nên thủ sẵn một chai dung dịch sát khuẩn loại nhỏ trong balo cho con, dù nhà trường luôn có sẵn các chai dung dịch sát khuẩn đặt tại cổng trường và trong mỗi lớp học. Để tránh cho con uống nước chung cốc với bạn hoặc uống nhầm cốc của bạn khác, bạn có thể chuẩn bị sẵn một chai nước nhựa không BPA để con mang đến lớp dùng riêng.
Quan tâm sát sao đến trẻ trong những ngày đầu nhập học
Hầu hết trẻ đều cảm thấy bỡ ngỡ khi tựu trường sau 1 tháng dài nghỉ hè, đặc biệt các em học sinh đầu cấp luôn cảm thấy lo lắng khi làm quen với thầy cô và bạn học mới, cha mẹ nên quan tâm tới trẻ nhiều hơn, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của trẻ, dành thời gian để trò chuyện với con mỗi ngày, hỏi con về chuyện học hành ở trường lớp. Đặc biệt, với những trẻ nhút nhát, hiền lành, cha mẹ càng phải tích cực hỏi thăm con hơn để có thể kịp thời xử trí nếu không may con bị bắt nạt học đường. Việc “ma cũ bắt nạt ma mới”, trẻ lớn bắt nạt trẻ nhỏ, kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu là điều thường xảy ra ở trường học, và tâm điểm luôn dồn vào những trẻ hiền lành, yếu đuối. Do đó, cha mẹ phải luôn sát sao con em mình để tránh làm cho trẻ bị tổn thương, hoảng sợ.
Trấn an con bằng nhiều cách khác nhau
Hãy cho con bạn thấy trường học đầy ắp những điều thú vị, như những môn học hay, bạn mới, thầy cô tận tình, khuôn viên trường nhiều cây xanh và hoa đẹp, ông bảo vệ thân thiện, sân trường nhiều xích đu, cầu trượt để vui đùa…
Để giảm bớt sự lo lắng của con trong những ngày đầu đi học, bạn có thể đi mua sách vở, đồ dùng học tập cùng con, đưa con đến trường mỗi sáng và luôn dành sự âu yếm, nhẹ nhàng cho trẻ những lần chia tay để trẻ vào lớp. Cảm giác thanh bình, vui vẻ mỗi sáng sẽ giúp trẻ ổn định tâm lý và dễ dàng tiếp thu các kiến thức trên lớp.
Giữ kết nối với thầy cô và các phụ huynh khác
Thế giới công nghệ 4.0, hầu hết các lớp học hiện nay đều có Zalo lớp (do giáo viên chủ nhiệm lập), Zalo nhóm (do Hội trưởng Hội phụ huynh lập), bạn hãy thường xuyên theo dõi và cập nhật tin tức về vấn đề học tập của con tại trường trên các nhóm Zalo này. Một số thông báo sẽ được giáo viên chủ nhiệm đăng lên Zalo lớp, nếu bạn không theo dõi thường xuyên, rất có thể bạn đã bỏ qua những thông báo quan trọng. Khi con bạn gặp bất cứ vấn đề gì ở trường, bạn cũng có thể thông qua kết nối Zalo để cùng cô giải quyết. Vì dịch bệnh Covid-19 chúng ta hạn chế tiếp xúc trực tiếp, nên nói chuyện online thực sự vô cùng hữu ích và quan trọng.
Phương Anh/TC GĐ&TE