Ông Vươn đang giới thiệu sản phẩm vịt sạch.
Sạch khó có thể rẻ như bẩn
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Vươn, chủ cơ sở "vườn biển Đoàn Văn Vươn" cho rằng, thực tế hiện nay, không thể nào sản xuất được thực phẩm sạch với mức giá rẻ như thực phẩm bẩn đang trà trộn trên thị trường.
Bởi theo ông Vươn, sản xuất các thực phẩm theo đúng quy trình sạch thì sẽ tốn thời gian, công sức, chi phí lớn hơn nhiều so với các loại thực phẩm thông thường, nhất là thực phẩm trôi nổi, bẩn và năng suất không cao.
"Ví dụ như đối với việc nuôi vịt, nếu như nuôi vịt bằng thức ăn chăn nuôi, tăng trọng... thì chỉ khoảng 45 ngày là xuất chuồng nhưng đối với vịt biển của tôi nuôi đúng theo quy trình sạch là 90 ngày mới xuất chuồng.
Trong đó, 2 tháng đầu, chúng tôi nuôi thả trong môi trường rộng, tự nhiên, nước sạch kết hợp với việc cho ăn thức ăn sạch để vịt đạt trọng lượng cần thiết.
Thức ăn thì sử dụng nguồn cá tươi, ngô và men vi sinh đảm bảo dinh dưỡng, sạch sẽ, không ảnh hưởng đến chất lượng thịt, trứng vịt.
Các nguồn này được phối trộn để sản xuất theo quy trình hỗn hợp ép viên, sau khi vịt trưởng thành có phối trộn thêm với thóc. Ngoài ra tuyệt đối không được sử dụng các chất độc hại.
Sau đó, thêm một tháng, để vịt có thể tiêu mỡ đi. Như thế, sau 3 tháng nuôi, vịt xuất bán sẽ đảm bảo trọng lượng, chất lượng thịt thơm ngon.
Sau 6 tháng nuôi thì vịt bắt đầu cho trứng. Với thời gian, công sức, chi phí như vậy thì sẽ không thể có mức giá rẻ như vịt thông thường được", ông Vươn nói.
Cũng theo ông Vươn, với quy trình sản xuất như trên nên hiện nay mức giá vịt biển bán ra của ông vào khoảng 180.000 đồng/kg (trong khi giá vịt thường là 42.000 - 60.000đ/kg). Dù giá cao hơn vịt thường nhiều nhưng vẫn luôn trong tình trạng cháy hàng.
Mỗi con vịt của ông nặng từ 1,6 - 1,8kg.Với các sản phẩm thủy hải sản, theo ông Vươn, cũng được sản xuất theo quy trình sạch khi tận dụng chủ yếu từ nguồn thức ăn chăn nuôi vịt.
Bởi trong thức ăn của vịt thì mình có sử dụng men sinh học và khi con vịt đưa thức ăn vào thì men sinh học này phát triển, tạo quá trình hấp thụ thức ăn rất tốt, khử tuyến mùi hôi của vịt.
Khi con vịt thải chất thải ra môi trường nước thì các vi sinh có lợi ở men sinh học phát triển rất mạnh ở vùng đầm của mình, tiêu diệt các vi sinh có hại đang tồn tại trong tự nhiên, tạo vùng nước, vùng nuôi thủy sinh rất đảm bảo, vừa dinh dưỡng, sạch sẽ.
Ông Đoàn Văn Vươn tại Diễn đoanh nghiệp - Người tiêu dùng: ĐÓN SÓNG THỰC PHẨM SẠCH.
"Mức giá thì dao động theo thời vụ nhưng với quy trình sản xuất sạch, đảm bảo thì giá bán đều cao hơn so với các sản phẩm nuôi thông thường khác", ông Vươn cho biết thêm.
Đồng quan điểm đó, ông Trần Thái Dương, CEO Công ty Cổ phần Skyfarm, chuyên sản xuất cà chua và rau quả cũng cho rằng, với quy trình trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch như hiện nay thì các sản phẩm sạch và đang hướng tới tươi, ngon của đơn vị đều có mức giá cao hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Theo ông Dương, trang trại của công ty hiện rộng 10 ha tại Lương Sơn (Hòa Bình). Khu đất này nằm giữa một thung lũng, không khí, đất, nước ở đây đều rất sạch, phù hợp để làm nông nghiệp sạch.
Tại đây, công ty đầu tư hệ thống nhà ươm, nhà kính canh tác hiện đại được trang bị các công nghệ tưới nhỏ giọt, điều hòa ánh sáng, nhiệt độ được điều khiển tự động.
Kèm theo đó là các công trình phụ trợ đồng bộ như nhà sơ chế, kho vật tư, nhà làm việc, sinh hoạt và bếp ăn cho cán bộ và công nhân.
Hệ thống cấp thoát nước, hồ điều hòa, internet cáp quang, điện sản xuất đều đã được hoàn thiện. Tất cả đều được triển khai đồng bộ và đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Trần Thái Dương - CEO công ty cổ phần Skyfarm.
"Do được canh tác trong nhà kính và áp dụng các biện pháp canh tác an toàn, thân thiện với môi trường nên giá thành để sản xuất ra một kg cà chua của chúng tôi gấp nhiều lần so với các loại cà chua thông thường đang bán trên thị trường.
Còn giá bán cũng cao hơn nhiều và hiện giá bán ở thị trường sản phẩm của chúng tôi là khoảng trên 100.000 đồng/kg (giá cà chua thường giá khoảng 10.000đ/kg) nhưng cũng luôn đắt hàng", ông Dương nói.
Ông Trần Xuân Dự, Giám đốc Công ty CP Công nghệ trực tuyến ESN, đơn vị đang phối hợp sản xuất rau sạch RAVI cũng thông tin, với quy trình hiện nay của công ty là lắp các camera ngay tại ruộng sản xuất và nhà sơ chế RAT đồng thời mã hóa mã vạch cho từng lô sản xuất.
Đồng thời, thông qua mạng internet, quản lý cơ sở sản xuất và người tiêu dùng có thể theo dõi toàn bộ quá trình canh tác RAT từ gieo giống, chăm sóc, sử dụng thuốc BVTV, phân bón... 24/24h...
Vì thế, chi phí để sản xuất ra sản phẩm rau sạch của công ty cao hơn so với các sản phẩm rau cùng loại thông thường khác trên thị trường.
Và giá thành bán ra cũng cao hơn như rau muống vào khoảng 25.000 đồng/kg, mồng tơi hơn 26.000 đồng/kg, dưa chuột: 25.000 đồng/kg...
Muốn ngon, sạch mà đòi rẻ như thực phẩm bẩn là không thể
Trong Hội thảo Đón sóng thực phẩm sạch do Báo điện tử Trí thức trẻ, Soha.vn và Bộ NN & PTNT đồng tổ chức hôm 23/8, bày tỏ về vấn đề thực phẩm sạch, ca sỹ Mỹ Linh đưa ra quan điểm: Muốn thực phẩm sạch mà lại rẻ "là không bảo vệ người nông dân và nếu mà vẫn tư tưởng rẻ như thế thì đừng đòi hỏi thực phẩm sạch. Muốn rẻ thì không thể tin được...
Nếu rẻ thì nhân công sẽ phải rất là mạt hạng. Nông dân khi mà trả đồng lương mạt hạng thì người ta không thể làm tốt được. Có thực mới vực được đạo".
Chia sẻ với chúng tôi, ông Vươn đã bày tỏ sự đồng tình với ý kiến này, bởi theo ông, hơn ai hết Mỹ Linh là người đã trực tiếp sản xuất thực phẩm sạch cho gia đình.
"Khi làm thì cô Mỹ Linh cũng đã thấy rõ, với lĩnh vực rau sạch, thực phẩm sạch làm ra mà bảo rẻ như thực phẩm bẩn thì thực sự không thể nào làm được.
Bởi làm thực phẩm sạch đòi hỏi thời gian dài, chuẩn, nguyên liệu chi phí cho nuôi trồng cao và năng suất thấp. Như thế thì làm sao có thể đòi rẻ được.
Các vị muốn ăn thực phẩm ngon, sạch mà đòi rẻ như thực phẩm bẩn sẽ không thể nào có được vì người sản xuất nếu thấy sản phẩm họ làm ra bán không đảm bảo chi phí, công sức bỏ ra thì chắc chắn họ không làm.
Còn ở đây, nếu ai muốn ăn thực phẩm sạch, ngon mà rẻ như thực phẩm bẩn thì tôi nghĩ, chỉ có lên mặt trăng, sao hỏa...", ông Vươn nêu.
Ông Vươn cũng chia sẻ là hoàn toàn thông cảm khi thấy không ít người dân vì thấy giá thực phẩm sạch cao nên không dám ăn, chỉ mua những thực phẩm rẻ, không đảm bảo, không rõ nguồn gốc.
Trong khi đó, nhiều người Trung Quốc lại sang lùng sục, tìm mua nhiều loại thực phẩm tự nhiên, sạch của Việt Nam với giá cao.
"Ở đây, người Trung Quốc biết rất rõ được sạch là an toàn cho sức khỏe, bẩn là độc hại nên người ta làm như vậy.
Ngoài những người không phân biệt được đâu là thực phẩm sạch - bẩn thì đúng là có một bộ phận người Việt Nam chúng ta vẫn có tư tưởng ham rẻ để mua các thực phẩm bẩn, không đảm bảo.
Nhưng tôi nghĩ tới đây sẽ có sự thay đổi, nhận thức rõ đã là thực phẩm bẩn thì là thuốc độc và cho cũng không ăn chứ đừng nói là bán rẻ. Còn thực phẩm sạch thì đương nhiên muốn được dùng với giá hợp lý nhất", ông Vươn nói thêm.
Ông Trần Thái Dương cũng đồng tình với việc muốn ăn thực phẩm sạch mà muốn rẻ như thực phẩm bẩn là điều khó.
Tuy nhiên, theo ông Dương, hiện nay, do quy mô sản xuất của nhiều đơn vị, gia đình nhỏ nên chi phí sản xuất thực phẩm sạch sẽ bị đội lên dẫn đến giá thánh đắt. Nhưng khi quy mô sản xuất thực phẩm sạch được mở rộng thì giá thành sẽ mềm hơn chút ít.
"Như công ty chúng tôi đang hướng đến mở rộng quy mô sản xuất lên tới 100ha, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, công nghệ và khi như thế thì người tiêu dùng tới đây sẽ được thưởng thức các sản phẩm thực phẩm sạch với giá hợp lý hơn, không quá đắt so với các sản phẩm thông thường", ông Dương nhấn mạnh.
Theo Trí Thức Trẻ