Ngày 15/9, Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE - đơn vị từng thực hiện thí nghiệm làm sạch sông Tô Lịch) đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh" bằng nguồn vốn Nhật Bản.
Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến quan tâm của dư luận xã hội, các nhà khoa học, chuyên gia.
Sáng 23/9, theo thông tin từ Văn phòng UBND TP Hà Nội, đơn vị đã có phiếu chuyển văn bản đề xuất trên của JVE sang Sở Xây dựng Hà Nội để xử lý theo thẩm quyền. Phía Sở Xây dựng Hà Nội đã tiếp nhận văn bản đề xuất và nghiên cứu.
Trao đổi với PV, nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay, ông đã tiếp cận từ khi là dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor. Đến nay, công ty này tiếp tục đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh".
"Ai mà chăm sóc đến sông Tô Lịch thì cá nhân tôi đều ủng hộ, hoan nghênh. Thực tế, khi nhìn vào sông Tô Lịch, đây không chỉ là con sông thuần tuý mà nó mang giá trị văn hoá, tâm linh thực sự.
Bởi, xưa kia các cụ từng tôn sông Tô Lịch là 'Thành hoàng' của Hà Nội, giống như đức thánh Tản Viên", ông Quốc nói.
Tuy nhiên, theo ông Quốc, trải qua lịch sử khi Thăng Long xưa (Hà Nội nay) không còn là kinh đô của triều đại phong kiến, người Pháp sang đô thị hoá, chiến tranh, loạn lạc, phát triển... thì sông Tô Lịch gần như bị "thoái hoá", ô nhiễm nặng nề.
Phối cảnh sông Tô Lịch theo đề xuất.
Ông nói, nếu đọc lại lịch sử sẽ thấy, đã nhiều lần người ta muốn phục hồi lại sông Tô Lịch. Ngay từ triều đình nhà Nguyễn cũng có đề xuất phục hồi dòng sông, nhưng lúc đó ngại đụng chạm vào cư dân, bởi bố trí dân cư thời điểm đó đã thay đổi quá nhiều. Do đó, triều đình cũng không dám làm.
Đến thời kỳ người Pháp, dù họ phá, lấp đi song cũng có một số người muốn phục hồi lại con sông, nhưng không làm được.
"Với chúng ta, nhiều thập kỷ qua, từ sau khi giải phóng đã có nhiều ý tưởng muốn khôi phục lại dòng sông, nhưng do nhiều vấn đề mang tính chủ quan, khách quan cộng với chiến tranh, khó khăn... nên chưa làm được.
Đến khi sử dụng công nghệ của nước ngoài, trong đó với vai trò của Nhật Bản là quốc gia có kinh nghiệm, công nghệ cao để thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch thì tôi hoan nghênh, tin tưởng.
Song sau đó, dự án lại bị thăng trầm một thời gian và dừng lại. Đến nay, với việc phục hồi lại thế này, nếu tính trước sau, tôi vẫn ủng hộ", ông Quốc nêu.
Nhà sử học này cho rằng, việc phục hồi nguyên vẹn sông Tô Lịch sẽ rất khó nhưng để xây dựng cảnh quan, xử lý dòng nước sạch sẽ, không ô nhiễm môi trường... như dự án của JVE đề ra có thể thực hiện.
Nhưng với một dự án mang tầm cỡ như đề xuất của JVE đưa ra cần có cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng đánh giá, thẩm định, nghiên cứu một cách cụ thể, rõ ràng.
"Giải pháp thực hiện như thế nào phải có sự nghiên cứu, đánh giá khoa học của các nhà chuyên môn chứ không thể dựa trên ý phát biểu chủ quan của bất cứ ai. Đây là dự án mang tính chất kinh tế nên nhà đầu tư luôn mong muốn không bị lỗ và nếu có lãi sẽ tốt.
Do đó, việc cân bằng lợi ích như thế nào phải giám sát, xử lý cho tốt, tuy nhiên về ý tưởng cần hết sức hoan nghênh", ông Quốc chia sẻ và cho rằng TP Hà Nội nên ghi nhận, có sự hướng dẫn, hỗ trợ thích đáng để từ ý tưởng có thể trở thành hiện thực.