Bị Công ty Tân Đức cắt ống nước để gây áp lực, ông già người Nhật Tango Hirosuke, 77 tuổi - Giám đốc Công ty Tango Candy, giữa khuya dò dẫm ra đào đất lên, nối ống nước lại. Ông ngồi ngay trên vết nối, chờ nước chảy đầy các bể dự phòng trong khi một nhóm người Việt đứng xung quanh dè bỉu, quay phim chụp ảnh...
Câu chuyện một công ty Nhật Bản, chỉ vì mức chênh lệch 15 triệu đồng tiền phí không minh bạch, đã đấu tranh tới cùng dẫn đến hậu quả bị chủ đầu tư Khu Công nghiệp Tân Đức (huyện Đức Hòa, Long An) triệt nguồn nước, dùng đất lấp cổng chính lẫn cửa thoát hiểm, thiệt hại hơn 4 tỷ đồng, đang là câu chuyện dư luận quan tâm.
Ông Hirosuke đã có 30 năm làm ăn ở Việt Nam. Khi Khu công nghiệp Tân Đức hình thành, ông gom vốn liếng về đây mở công ty sản xuất bánh kẹo, xuất sang thị trường Nhật Bản. Công ty có hơn 250 nữ công nhân, hầu hết là người nghèo, sức khỏe yếu, phù hợp với công việc làm bánh kẹo thủ công. Ông và những người Nhật khác cầm tay chỉ việc để những công nhân nghèo khổ biết cách vẽ lên từng viên kẹo, từng cái bánh, phục vụ thị trường cao cấp.
Tân Đức đòi giá 10.018 đồng/m2/năm phí duy tu cơ sở hạ tầng, công ty ông rộng 10.000m2 sẽ đóng 100 triệu đồng. Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (8 công ty) và 27 doanh nghiệp nước ngoài khác không đồng ý vì đây là cái giá cao nhất Long An - gần gấp đôi so với mức trung bình chung của tỉnh. Các doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu “mức giá phù hợp” là 8.500 đồng/m2/năm, như vậy ông Hirosuke sẽ đóng 85 triệu đồng - chênh lệch 15 triệu đồng so với yêu cầu của Tân Đức.
77 tuổi, ông Hirosuke là ông chủ lớn tuổi nhất khu công nghiệp. Và ông được chọn để “xử” đầu tiên. Tân Đức cho chắn barie, sau đó dùng thêm trụ điện chắn ngang cổng. Chưa dừng lại, Tân Đức dùng nhiều xe ben bịt cổng trước, cổng sau. Ông cho công nhân nghỉ vẫn lãnh lương nhưng không ai nghỉ. Tân Đức cho người đào ống nước lên và cắt nước.
Các nữ công nhân Tango Candy đứng sát cánh bên ông Giám đốc Hirosuke.
Sợ công nhân không có nước xài, lại sợ công nhân nam ra nối ống sẽ bị đánh, ông giám đốc 77 tuổi tự ra làm lấy trong sự dè bỉu của người Tân Đức. Mắt mờ tay yếu, ông hì hụi mãi cũng nối xong. Ông sợ người Tân Đức phá ống nên ngồi luôn trên đường ống để canh. Đến rạng sáng, nước chảy đầy các bồn dự phòng ông mới rời đường ống.Dĩ nhiên, Tân Đức cắt ống ngay sau đó. Không có ai đánh ông. Họ chỉ quay phim cảnh này, quay luôn cảnh những công nhân của Tân Đức đứng bên trong, “nhường” việc nguy hiểm cho ông chủ.
"Chúng tôi muốn minh bạch! Mỗi ngày tôi thiệt hại khoảng 15.000USD. Đến nay tôi đã thiệt hại khoảng 200.000 USD, chưa tính tổn thất tinh thần, công nhân hoang mang. Thiệt hại này lớn hơn rất nhiều so với việc tôi chấp nhận nhượng bộ mức giá của họ. Tuy nhiên, việc không đúng thì dù 1 đồng chúng tôi cũng không chi!"- ông Tango Hirosuke nói.
Người trợ lý của Tango Hirosuke - ông Từ Khánh Hùng, nói anh ta hiểu sếp của mình không phải sợ tốn kém, mà vì muốn giữ nguyên tắc minh bạch. Thứ nguyên tắc biến một quốc gia tan nát sau chiến tranh thế giới, chẳng có tài nguyên gì lại trở thành cường quốc thế giới.
Làm việc với 7 phóng viên, trước máy quay phim, người của Công ty Tân Đức vui vẻ kể chuyện ông già Nhật Bản bị họ quay phim, quay hết những cảnh ông "chịu nhục" vì cần nước, chịu nhục vì công nhân. Người bên Tân Đức nói ông Hirosuke ngang ngược, lật lọng, đe dọa người Tân Đức, làm xấu hình ảnh người Nhật trong mắt người Việt. Không chỉ là lời nói, mà họ còn có văn bản đóng dấu đỏ chót để nói về sự lật lọng, ngang ngược mà họ tự tưởng tượng ra này.
“Chính ông Hirosuke ra đào ống nước rồi bắc cái ghế ngồi đè lên vì sợ chúng tôi sẽ phá nữa. Chúng tôi có quay phim, chụp ảnh lại hết. Nhà báo cần, chúng tôi sẽ cung cấp...”.
“Chúng tôi sẽ cung cấp. Chúng tôi sẽ cung cấp...” - những lời nói này cứ vang trong đầu tôi. Là người Việt Nam, tôi cảm thấy xấu hổ khi một người cùng màu da, cùng tiếng nói với mình tỏ thái độ hỗn hào với ông già người Nhật có nhân cách đáng kính trọng như thế.
Những đoạn phim, bức ảnh của người thuộc công ty Tân Đức, chắc sẽ không có báo nào đăng. Đăng lên, chỉ càng thêm xấu hổ.