Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ông Miura khác Calisto, giống Goetz

Từng làm trợ lý ngôn ngữ cho 3 HLV Henrique Calisto, Falko Goetz và Toshiya Miura, hơn ai hết trợ lý ngôn ngữ Phạm Trường Minh là người nắm rõ nhất đặc trưng tính cách của mỗi HLV.

Trả lời phỏng vấn Thể thao & Văn hóa, cựu trợ lý ngôn ngữ đội tuyển Olympic và ĐTQG Việt Nam tiết lộ những thông tin khá thú vị và bất ngờ về 3 HLV này.

 

Phạm Trường Minh (trái) khi còn làm trợ lý ngôn ngữ cho HLV Falko Goetz. 

 

“HLV Miura có ảnh hưởng phong cách Đức”

Những tưởng HLV Miura đến từ châu Á sẽ có những khác biệt hơn so với hai nhà chiến lược đến từ châu Âu là Calisto và Goetz, nhưng điều đó đã không xảy ra. Theo trợ lý Phạm Trường Minh, phong cách làm việc và sinh hoạt của HLV Miura rất giống HLV Goetz, còn HLV Calisto là một sự khác biệt.

Cựu trợ lý ngôn ngữ của 3 HLV nêu trên cho biết: “HLV Calisto là một phong cách hoàn toàn khác biệt. Ông không họp ban huấn luyện (BHL) trước mỗi buổi tập. Nội dung tập luyện và tiến hành buổi tập luôn do ông làm trực tiếp.

HLV Miura và HLV Goetz lại rất giống nhau. Từ việc lên giáo án, họp BHL trước mỗi buổi tập, cách bố trí bài tập, phương pháp huấn luyện thể lực, sử dụng trang thiết bị tập luyện”.

Ngoài ra, trong mối quan hệ, quản lý cầu thủ hàng ngày cũng vậy, luôn có sự khác biệt giữa HLV Calisto so với HLV Miura và HLV Goetz.

Trợ lý Phạm Trường Mình tiết lộ: “Ông Calisto với cầu thủ thì không có một khoảng cách nào cả. Hầu hết các cầu thủ đều coi HLV Calisto như người cha thứ 2, bên cạnh vai trò HLV trưởng.

Còn HLV Miura và HLV Goetz thì luôn tạo khoảng cách nhất định với cầu thủ, không quá gần, không quá xa. Nhưng họ cũng khá tâm lý khi quan tâm đến cá nhân cầu thủ như sinh nhật hay tổ chức ăn uống, tham quan.

Tuy nhiên, những quan tâm này luôn thể hiện trước toàn thể đội bóng. HLV Miura và HLV Goetz rất hạn chế đi ăn uống hay tâm sự riêng với một cầu thủ hoặc một nhóm cầu thủ”.

Lý giải cho sự trùng hợp giữa HLV Miura và HLV Goetz, trợ lý Phạm Trường Minh cho rằng HLV Miura có thời gian học tập ở Đức nên bị ảnh hưởng bởi phong cách làm việc của người Đức.

Trợ lý ngôn ngữ cũng nhiều đóng góp thầm lặng

Bên cạnh việc đưa ra những so sánh về 3 vị HLV mà mình đã có thời gian làm trợ lý ngôn ngữ, Phạm Trường Minh cũng có những trải lòng rất thật về công việc của mình. Và theo cảm nhận của chúng tôi, trợ lý ngôn ngữ mới là cánh tay phải của HLV, công việc của họ khá khó khăn và nhiều áp lực, nhưng ít khi được nhắc đến sau mỗi chiến thắng.

Nói về công việc của mình, trợ lý Phạm Trường Minh thừa nhận: “Nói thật áp lực công việc không hề nhỏ. Công việc của một trợ lý ngôn ngữ luôn đòi hỏi lúc nào cũng phải xử lý nhanh tình huống. Để thời gian chết hoặc hỏi lại là tối kỵ, nên mình lúc nào cũng phải tìm hiểu để nắm bắt tốt nhất yêu cầu, thói quen, cách diễn đạt của HLV, cách tiến hành và yêu cầu đối với mỗi buổi tập.

Ngoài ra, là một trợ lý ngôn ngữ tận tâm, tôi nghĩ họ phải có trách nhiệm cung cấp thông tin nhiều nhất có thể cho HLV. Để giúp HLV có thể bắt tay nhanh nhất vào công việc thì mình cần giúp họ xây dựng một background (lý lịch) đầy đủ nhất có thể về môi trường bóng đá, đặc tính và khả năng của các cầu thủ”.

Thừa nhận công việc có nhiều áp lực, nhưng theo trợ lý Phạm Trường Minh khi bản thân có niềm đam mê thì luôn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc.

Anh cho biết: “Mình thực sự thích công việc này. Đây là đam mê. Được là thành viên của đội tuyển là niềm vinh dự và sự tự hào lớn. Được ra sân để giúp HLV kể cả tập luyện hay thi đấu mình cũng luôn thấy hào hứng”.

 

HLV Miura “khéo” hơn so với HLV Calisto và HLV Goetz 

“Cả 3 HLV đều tạo được kỷ luật rất tốt trong đội bóng, trong cả sinh hoạt và tập luyện. Tuy nhiên HLV Miura có lẽ là người dung hoà nếu so sánh với HLV Goetz và HLV Calisto. Những quy định khi ông Miura đưa ra đều có sự trao đổi với trợ lý hoặc VFF, về phong tục cũng như thói quen của cầu thủ Việt để có thể áp dụng một cách hiệu quả mà không dẫn đến những ức chế”. 

Cựu trợ lý ngôn ngữ làm HLV cho cầu thủ nhí 

“Hiện tôi đang mở một trung tâm bóng đá cho trẻ em tại Hà Nội. Khi có thời gian rảnh tôi cũng trực tiếp tham gia huấn luyện. Nhưng tôi thích làm bóng đá phong trào, thích tiếp xúc với trẻ con hơn. Vì thế, tôi không có ý định và cũng thấy mình không có khả năng để trở thành một HLV chuyên nghiệp”.