Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ông Tây nói gì khi xông vào ngăn người chồng Việt đánh vợ?

Mới đây, một đoạn clip ghi lại hình ảnh người đàn ông ngoại quốc xông vào can ngăn, ghì cổ ông chồng đánh vợ, tại một ngõ nhỏ ở Hà Nội được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Nhận định về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, người chồng Việt nên cảm thấy xấu hổ khi phải “nói chuyện” với vợ bằng chân tay bởi điều đó thể hiện sự bất lực.

 

Ông Tây xông vào can ngăn chồng đánh vợ (ảnh cắt ra từ clip).

“Anh thích thì đánh nhau với tôi, sao lại đánh phụ nữ

Đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh một người đàn ông ngoại quốc xông vào can ngăn ông chồng đánh vợ vừa được cư dân mạng chia sẻ chóng mặt. Chủ nhân đoạn clip cho biết, vụ việc xảy ra vào khoảng 14h ngày 23/3 trước cửa số nhà 797, đường Hồng Hà (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trong clip, người chồng hung dữ lao vào đánh vợ mặc cho người vợ không ngừng khóc lóc. Dù rất nhiều người dân can ngăn, ông chồng vẫn tiếp tục đánh đấm vợ mình và luôn miệng nói những lời tục tĩu.

Quá bất bình, một người đàn ông ngoại quốc đi ngang qua đã xông vào ngăn cản hành động của người đàn ông vũ phu kia. Người đàn ông ngoại quốc đã nói rất rõ bằng tiếng Việt: “Đó là con gái mà. Sao đàn ông khỏe mạnh lại đánh phụ nữ. Anh thích thì đánh nhau với tôi đây này”.

Nhưng ông chồng không những không dừng lại mà còn dùng những lời lẽ rất khiếm nhã mắng chửi người đàn ông ngoại quốc. Quá bức xúc, người đàn ông ngoại quốc đã xô người chồng vào tường và ghì cổ xuống. Trước cảnh tượng đó, nhiều người dân đã phải vào can thiệp (trong đó có cả người vợ vừa bị chồng đánh) tách hai người đàn ông ra thì người ngoại quốc này mới bỏ đi. Không dừng ở đó, người chồng vẫn cố đuổi theo người đàn ông ngoại quốc để tung lời khiếm nhã tiếp.

Tính cam chịu tiếp tay cho nạn bạo hành

Ở phương Tây, việc đàn ông đánh phụ nữ sẽ bị cả xã hội lên án và xử phạt rất nặng. Đàn ông đánh vợ nếu có đủ bằng chứng có thể bị ngồi tù tùy vào mức độ nặng nhẹ khác nhau. Ví dụ, ở Mỹ dưới rất nhiều tình huống, cho dù bên bị hại không ra tòa làm chứng, phía Kiểm sát có thể lấy báo cáo của phía cảnh sát làm bằng chứng đệ trình lên tòa án khởi tố kẻ hành hung. Thông thường, nếu như không có tổn thương đến người bạn đời, hoặc là tức giận nhất thời mà xảy ra xung đột thì có thể sẽ bị tố là tội tấn công, mức xử phạt ở mỗi một bang của Mỹ đều không giống nhau. Chẳng hạn tại bang California, tiền phạt cao nhất của tội tấn công có thể lên đến 2.000 USD, hoặc là bị phạt tù một khoảng thời gian. Nếu như thương tích trầm trọng, hoặc là dùng một vật chí mạng để đánh vợ có thể ngoài việc bị phạt đến 6.000 USD, còn có thể bị phán ngồi tù đến 1 năm. Ngoài ra, bị cáo còn cần phải học một khóa về phụ đạo gia đình, mỗi tuần đều cần phải lên lớp 12 tiếng và phải nộp học phí cho việc học này. Nếu như người đàn ông vì đánh vợ cuối cùng dẫn đến chuyện ly hôn, người đàn ông cũng sẽ bị tước mất quyền nuôi dạy con cái.

Ở Việt Nam, mặc dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực từ tháng 7/2008, nhưng hiện tượng bạo lực trong gia đình vẫn còn diễn ra trong các gia đình. Lý giải nguyên nhân này, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, đàn ông Việt ảnh hưởng của văn hóa nho giáo nên vẫn giữ thói quen gia trưởng, trọng nam khinh nữ. Phụ nữ thì thường có tâm lý “xấu chàng hổ ai” nên cam chịu, đóng cửa bảo nhau mà không dám báo cáo với các đoàn thể, chính quyền, sợ “vạch áo cho người xem lưng”. Có nhiều phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình lo lắng sau khi tố cáo chồng, nếu hành động bạo lực gia đình của người chồng ở mức xử phạt hành chính thì lại phải lấy tiền của gia đình đi nộp phạt, ông chồng được dịp rỉa rói là “vừa bị đau, vừa mất tiền”. Nếu bạo lực ở mức độ phải cải tạo, giam giữ thì người vợ lại lo sợ mang tiếng là đẩy chồng vào chốn tù tội, làm hoen ố lý lịch của các con. Thậm chí, có người tố cáo chồng hôm trước, hôm sau còn bị đánh đau hơn… khiến các nạn nhân ngại ngần khi báo với chính quyền địa phương.

Cũng theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, một lý do khác khiến người phụ nữ không muốn ly hôn khi bị bạo hành gia đình vì xem việc ly hôn là một sự thất bại trong hôn nhân đối với xã hội, gia đình, bạn bè, bà con hàng xóm láng giềng. Nhiều người phụ nữ không muốn con sống trong cảnh có mẹ mà không có cha hoặc ngược lại nên đành cam chịu cuộc sống “năm ngày ba trận” của ông chồng vũ phu.

“Có nhiều phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình lo lắng sau khi tố cáo chồng, nếu hành động bạo lực gia đình của người chồng ở mức xử phạt hành chính thì lại phải lấy tiền của gia đình đi nộp phạt, ông chồng được dịp rỉa rói là “vừa bị đau, vừa mất tiền”. Nếu bạo lực ở mức độ phải cải tạo, giam giữ thì người vợ lại lo sợ mang tiếng là đẩy chồng vào chốn tù tội, làm hoen ố lý lịch của các con. Thậm chí, có người tố cáo chồng hôm trước, hôm sau còn bị đánh đau hơn… khiến các nạn nhân ngại ngần khi báo với chính quyền địa phương”.

Số liệu khảo sát điều tra xã hội học cho biết: Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm 91,0%; gây tổn hại về sức khỏe, thể chất: 87,5%; gây tổn thương về tâm lý, tinh thần: 89,4%; gây tan vỡ gia đình: 89,7% và làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội: 89%. Với tuổi thơ, hậu quả là hết sức nguy hại vì nó làm cho các em mất niềm tin vào các thành viên gia đình, từ đó chán học, sa ngã vào các tệ nạn xã hội hoặc có hành vi phạm pháp.