Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

PGS.TS Nguyễn Phương Hoa: Nếu gặp cơn trầm cảm, hãy ngồi xuống và tĩnh lặng


 
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa. Ảnh: T.Vân
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa là tiến sĩ Tâm lý học xã hội tại Nga, thực tập sinh Tâm lý học lâm sàng tại Pháp, từng là Giám đốc Trung tâm ứng dụng và thực nghiệm Tâm lý học, Viện Tâm lý học Việt Nam. 
 
Khi gõ từ khóa “trầm cảm” trên thanh tìm kiếm Google Việt Nam, trong 0,4s tìm kiếm có 26.600.000 kết quả có liên quan. Tương tự với từ khóa “depression”, kết quả là 318.000.000. Những con số này cho thấy, trầm cảm đang là một trong những vấn đề rất được quan tâm trên thế giới và đang dần được quan tâm tại Việt Nam.
 
Năm 2017, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố: Hơn 350 triệu người trên toàn thế giới mang bệnh trầm cảm. WHO cũng dự báo, đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp thứ hai sau bệnh tim mạch về mức độ ảnh hưởng tới cuộc sống của loài người. Ở Việt Nam, bệnh trầm cảm hiện đang không chỉ gia tăng về số lượng mà còn về mức độ và độ nguy hiểm, với xu hướng trẻ hóa, ngày càng nhiều các bạn trẻ mắc bệnh và biểu hiện bệnh ngày càng cực đoan. 
 
Mặc dù vậy, PGS.TS Nguyễn Phương Hoa cho rằng, khi nói tới trầm cảm, chúng ta vẫn thường nhắc về nó như một khái niệm còn khá mơ hồ, giống như một căn bệnh đơn thuần và mô tả về nó như thể ta đang gặp căng thẳng, gặp chuyện buồn. Tệ hơn là một số người còn có suy nghĩ rằng đó là bệnh tưởng, bệnh giả vờ. Những điều ấy đang ngày càng khiến cho chúng ta hiểu sai về trầm cảm, và càng làm cho những hệ quả của căn bệnh này, ngoài bị xem nhẹ thì cũng hầu như không được biết tới. 
 
Thưa PGS.TS Lê Phương Hoa, dấu hiệu nào để nhận biết một người mắc bệnh trầm cảm? 
 
Trầm cảm là căn bệnh về rối loạn cảm xúc nên dễ bị nhầm với căng thẳng, áp lực. Trầm cảm cản trở cuộc sống của chúng ta nhiều đến mức chúng ta cảm thấy không thể chấp nhận được.
 
Nếu không có tác động mà vẫn bị căng thẳng, khó khăn, ức chế thì cần thăm khám. Hoặc nếu có tác động rất nhiều mà chúng ta không thấy căng thẳng, áp lực mà lại thấy bình an, vui sướng thì đấy cũng lại là một dấu hiệu đang được cảnh báo không chính xác.
 
Trầm cảm lâu sẽ có các dấu hiệu như rối loạn giấc ngủ, không ngủ được, ngủ không đủ, ngủ không ngon, ác mộng. Tiếp đó là khó khăn về ăn uống, ăn không ngon, không muốn ăn, chán ăn hoặc ăn rất nhiều, ăn bất kể cái gì. Một số bạn sợ giao tiếp xã hội, trốn ở trong phòng, một số lại muốn giao tiếp xã hội, đi ra ngoài rất nhiều, phải gặp nhiều người trong ngày thì mới an tâm còn không thì rất lo lắng vì mình giao tiếp ít quá. Biểu hiện khác nhau nhưng người trầm cảm sẽ gặp khó khăn trong học tập lao động, công việc, sẽ thấy bất an mọi lúc, mọi nơi. 
 
Khi cơn trầm cảm đến, chúng ta nên làm gì, thưa chị? 
 
Lúc đó, buộc phải đợi cho nó qua, vì chúng ta không thể đứng dậy được nữa. Nếu càng cố gắng sẽ càng mệt mỏi, càng chất thêm những khó khăn lên mình. Lúc đó, hãy tiếp tục làm việc mình đang làm, nghỉ ngơi, thư giãn và không cắt liên hệ với người thân, vì có thể bạn vẫn cần sự giúp đỡ. 

 
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa bên những người bạn. Ảnh: T.Vân
 
Làm sao để vượt qua cơn trầm cảm mà không thể cầu viện từ bất kỳ ai? 
 
Chắc chắn chúng ta chỉ có một cách ngồi xuống và tĩnh lặng. Tôi đã hướng dẫn một số bạn thiền, trong thời gian đó chúng ta có thể thư giãn và kiểm soát độ căng cơ của mình bằng cách đặt bàn tay phải lên tay trái và tìm cách để nó giãn ra tối đa có thể được. Tất nhiên là rất khó vì khi đang trong cơn trầm cảm, chúng ta thường bị tê liệt và khi ta ý thức được thì có nghĩa là cơn trầm cảm chưa đạt đỉnh hoặc nó bắt đầu đi qua rồi. Thế nên hãy bình tĩnh, kiểm tra độ thả lỏng của mình, thả lỏng bằng mọi cách có thể.
 
Có một bạn từng tìm tôi và nói rằng: “Em đang đi trên đường và không thể nào kìm lại cơn nóng giận của mình, bây giờ em phải làm sao?” Tư vấn của tôi lúc đó là bạn cứ tiếp tục đi trên đường và nếu được thì hãy ghé một cửa hàng, mua cho mình một thứ đồ uống. Bạn ấy trả lời tôi là không. Bạn không muốn nhìn ai, không muốn gặp ai, không muốn làm gì trong lúc này. Vậy thì điều bạn ấy có thể làm là cứ đi, sau đó tập thở bằng bụng và giữ liên lạc với người thân. Bằng cách đó, qua khoảng 15, 20 phút, bạn trở lại bình tĩnh và nói với tôi là bây giờ bạn có thể đi về nhà rồi. Đó là cách ta có thể vượt qua khi cơn trầm cảm xảy đến, mà ta chỉ có một mình.
 
Khi hàng loạt vấn đề cuộc sống cùng lúc ập đến, bản thân quá bế tắc trước mọi chuyện, theo chị, cách tốt nhất để vượt qua chúng là gì?
 
Có nhiều cuốn sách dạy rằng, khi tất cả các việc ập đến, hãy ghi nó ra, sắp xếp chúng, chọn lựa những việc ưu tiên rồi giải quyết từng việc một. Tuy nhiên, tôi nghĩ, nếu có đủ bình tĩnh để chọn những việc ưu tiên nhất để giải quyết thì có lẽ vấn đề không quá lớn. 
Kinh nghiệm của bản thân tôi là đừng làm gì cả. Chúng ta cần nghỉ ngơi. Bởi vì khi rơi vào trạng thái như vậy có nghĩa là chúng ta đang quá tải, và chỉ có thể giải quyết được khi ta trở lại suy nghĩ của mình. Giống như chiếc xe bị chất quá nặng, nguy cơ cao sẽ xảy ra hỏng xe. Cách duy nhất là bỏ bớt hàng hóa trên chiếc xe xuống. Cũng có nghĩa là ta phải bỏ bớt suy nghĩ của mình. Cho mình một khoảng thời gian để sắp xếp lại, và không làm gì cả trong khi có quá nhiều việc phải giải quyết.
 
Trân trọng cảm ơn chị. 
 

Vân Nhi (Thực hiện)/TC GĐ&TE