Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Pháp luật

Phải chấm dứt khai thác trái phép cát trên sông Hồng

Mới đây, qua kiểm tra việc khai thác cát trái phép tại khu vực ven đê sông Hồng thuộc xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Phải nhanh chóng lập lại trật tự, chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép trên sông, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của địa phương, các ngành chức năng”.

 

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), tại khu vực ven đê sông Hồng thuộc xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, giáp ranh với huyện Khoái Châu (Hưng Yên), thường xuyên có 16 tàu cuốc, tàu hút các loại hoạt động trong khoảng thời gian từ 5-7 giờ sáng và từ 21 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau với nhiều tàu có tải trọng và công suất lớn. Việc khai thác cát của các đối tượng này trên sông hoàn toàn không có giấy phép. Hiện trên sông Hồng thuộc địa phận Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên còn một số điểm “nóng” về khai thác cát lậu khác như Trung Hà (Ba Vì, Hà Nội giáp Thanh Thủy, Phú Thọ), Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra việc khai thác cát trái phép tại khu vực ven đê sông Hồng thuộc xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội.


Trực tiếp chứng kiến việc ngang nhiên khai thác cát trái phép trên sông, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu câu hỏi với lãnh đạo địa phương và lực lượng chức năng về việc tại sao không có giấy phép mà các đối tượng khai thác cát vẫn hoạt động với quy mô lớn? Nguyên nhân được lãnh đạo các địa phương và ngành chức năng chỉ ra là do lực lượng chức năng hoạt động chưa đủ mạnh, sự phối hợp giữa các lực lượng, địa phương chưa tốt. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do là địa bàn nằm giáp ranh giữa hai địa phương (Hà Nội - Hưng Yên) nên công tác quản lý, giám sát cũng gặp nhiều khó khăn.

Phó Thủ tướng thẳng thắn cho rằng để xảy ra tình trạng trên là do lãnh đạo địa phương thiếu sâu sát và phải chịu trách nhiệm nếu còn để xảy ra hiện tượng khai thác cát trái phép trên sông. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương phải phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát lậu trên sông Hồng. Trước mắt, chính quyền TP.Hà Nội và tỉnh Hưng Yên cần khẩn trương phối hợp triển khai lực lượng, cùng với các đơn vị của Bộ Công an chủ động lên phương án xử lý triệt để bằng các biện pháp hành chính, kể cả xử lý hình sự. “Phải nhanh chóng lập lại trật tự, chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép trên sông, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của địa phương, các ngành chức năng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Một tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn TP. Hà Nội có 200 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, riêng tuyến đê hữu Hồng có 112 bãi (chiếm 56%), tập trung chủ yếu ở các huyện Từ Liêm (32 bãi), Thường Tín (18), Ba Vì (13), Phú Xuyên (10), quận Hoàng Mai (16), thị xã Sơn Tây (13)... Chỉ có 17/200 bãi được cấp phép, chiếm 8,5%. Gần đây, Sở TN&MT TP.  Hà Nội đã tiến hành kiểm tra việc sử dụng đất ven sông làm bãi chứa vật liệu xây dựng đối với 34 tổ chức, cá nhân tại các quận, huyện, thị xã: Đông Anh, Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên, Sơn Tây, Long Biên, Hoàng Mai, phát hiện có 19 bãi (chiếm hơn một nửa số bãi được kiểm tra) chứa khoảng 161 nghìn mét khối cát đen không rõ nguồn gốc. Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều hợp đồng cho thuê đất trái phép bị hủy, nhưng một số tổ chức, cá nhân ở các xã thuộc huyện Thường Tín, Phúc Thọ vẫn sử dụng đất làm bãi chứa. Quá trình khai thác, tập kết vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp, cá nhân bất chấp quy định, vẫn chất cát sỏi cao như núi, làm ảnh hưởng đến sự an toàn của kè, bờ sông.

Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, tình trạng khai thác cát trái phép tại các sông thời gian qua khá phức tạp. Lợi dụng sự buông lỏng của các cơ quan chức năng, "cát tặc" lén lút thực hiện hành vi trái phép. Đây là nguyên nhân chính gây ra hàng loạt vụ sụt, sạt bờ, bãi sông trong thời gian qua. Đặc biệt, hoạt động khai thác cát trái phép gây sạt lở các vị trí K12+460 đến K13+300 xã Đặng Xá, K17+900 đến K18+900 xã Phù Đổng, K18+400 đến K20+600 xã Lệ Chi, K20+500 đến K22+458 xã Trung Mầu, đều thuộc huyện Gia Lâm, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các kè Sen Hồ, Lời, Đổng Viên, Thịnh Liên và làm mất một số diện tích đất sản xuất của địa phương.

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh chỉ đạo, các sở, ngành liên quan xử lý kiên quyết chủ tàu thuyền hút cát trái phép trên các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố và địa bàn giáp ranh. UBND cấp xã kiểm tra hủy bỏ các hợp đồng thuê thầu làm bến bãi kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng trái pháp luật; thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong công tác quản lý, sử dụng đất làm bãi trung chuyển vật liệu xây dựng sai quy định...